Đại học Bách khoa Hà Nội

https://hust.edu.vn


Bách khoa Hà Nội đã hoàn thành khoảng 80% dự án SAHEP

Bách khoa Hà Nội đã hoàn thành khoảng 80% dự án SAHEP

Ngày 7/11, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức buổi Báo cáo giám sát dự án SAHEP - Dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học tới Ngân hàng Thế giới (WB).

Dự án SAHEP giúp tăng cường cơ sở vật chất làm việc, giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho cán bộ giảng viên nhà trường với các phòng làm việc và nghiên cứu khang trang, hiện đại và rộng rãi tại toà nhà C7 với diện tích gần 35000m2, cùng các trang thiết bị tiến tiến và hiện đại nhất hiện nay trang bị cho 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu và 15 phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo thuộc các lĩnh vực mũi nhọn, công nghệ cao như: Vật liệu tiên tiến, công nghệ nano, công nghệ cơ điện tử, công nghệ điều khiển và tự động hoá, công nghệ năng lượng hiệu năng cao, năng lượng thông minh, công nghệ điện tử, điện tử y sinh... chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng trong đào tạo và nghiên cứu của cán bộ, giảng viên nhà trường trong thời gian tới. 

Đặc biệt, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội học tập trải nghiệm và nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường với các thầy cô là các nhà khoa học giỏi và xuất sắc, trang thiết bị hiện đại mà không phải sinh viên trường kỹ thuật nào cũng có được hiện nay.

20221107 DSC6661

Micheal Drabble, Chuyên gia Giáo dục cao cấp của Ngân hàng thế giới phát biểu tại cuộc họp ngày 7/11. Ảnh: Duy Thành

Được biết, học phí tại các trường công lập hiện nay còn hướng tới việc hỗ trợ người học. Do đó, để có thể đầu tư được cơ sở vật chất như toà nhà C7 và trang thiết bị đào tạo và nghiên cứu vô cùng hiện đại như 30 phòng thí nghiệm vừa được dự án SAHEP đầu tư là rất khó khăn, đặc biệt là với các trường tự chủ như Đại học Bách khoa Hà Nội khi Nhà trường phải tự cân đối tài chính, đảm bảo chi thường xuyên. 

Đây là bài toán rất khó giải với các đơn vị sự nghiệp công lập mới tự chủ và có quy mô lớn như Đại học Bách khoa Hà Nội khi vừa phải đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị tương xứng với vị thế và kì vọng của người học và của xã hội, khi vừa phải đảm bảo chi phí vận hành, chi phí thường xuyên rất lớn để giữ chân các cán bộ giảng dạy, nhà khoa học giỏi và xuất sắc trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các cơ sở giáo dục đại học phi lợi nhuận hoặc có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp mạnh. 

Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học được xem là sự hỗ trợ nguồn lực tài chính vô cùng kịp thời và có ý nghĩa với Đại học Bách khoa Hà Nội trong giai đoạn hiện nay và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Nhà trường trong tương lai. 

Mở đầu buổi họp, ông Micheal Drabble, Chuyên gia Giáo dục cao cấp của Ngân hàng thế giới, cho biết: “Mỗi lần đến kiểm tra Dự án tại Bách khoa Hà Nội, tôi lại thấy vui mừng hơn”.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội phát biểu tại cuộc họp ngày 7/11. Ảnh: Duy Thành

Đại diện phía WB đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của Nhà trường bởi Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị duy nhất trong 4 đơn vị thuộc dự án hoàn thành đúng thời hạn, nộp báo cáo tài chính giữa kỳ, báo cáo kiểm toán của dự án, cũng như báo cáo kiểm toán của trường đúng hạn. 

Tại buổi họp, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội, phát biểu: “Trong giai đoạn khởi động của dự án, chúng tôi đã rất lo lắng, nhưng hiện nay dự án đã hoàn thiện khoảng 80%”. 

Chỉ còn 20% cuối để gia hạn trong 6 tháng và hoàn thành tất cả các hạng mục như lần kiểm tra trước đã nêu và việc hoàn thành tòa nhà C7 là một nhiệm vụ rất thách thức đối với Nhà trường do ảnh hưởng của đợt dịch kéo dài, gây trì trệ các hoạt động thi công.

Tuy nhiên, những kết quả được ghi nhận sau 6 tháng làm việc vừa qua là minh chứng cho sự nỗ lực của tất cả các cán bộ giảng viên Bách khoa Hà Nội tham gia trực tiếp vào dự án với 15 phòng thí nghiệm đào tạo, 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu, các hoạt động liên quan đến xây dựng; ban quản lý dự án SAHEP; các đối tác, cán bộ của WB đã giúp đỡ trong thời gian vừa qua.

20221107 dsc6708

Đoàn giám sát Ngân hàng thế giới tham quan công trường xây dựng tòa nhà C7. Ảnh: Duy Thành

Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Niềm vui cuối cùng bao giờ cũng là nhiềm vui lớn nhất và trọn vẹn nhất. Hy vọng chúng ta sẽ có được niềm vui đó vào tháng 6/2023”. Như vậy, dự định dự án sẽ hoàn thiện vào tháng 6 năm sau, muộn hơn so với dự kiến ban đầu nửa năm.

PGS. Trần Ngọc Khiêm, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, báo cáo sơ bộ về tiến độ, những kết quả đã đạt được và những vấn đề còn tồn tại của dự án.

Kể từ cuộc họp gần nhất là 6 tháng trước, Bách khoa Hà Nội đã có những cố gắng nỗ lực sau khi nghe ý kiến đánh giá, tư vấn của WB.

Nổi bật nhất, Nhà trường đã triển khai được gói hoàn thiện hạ tầng và 15 phòng thí nghiệm đào tạo đưa vào hoạt động rất tốt. Sinh viên Trường được thực hành trên các thiết bị đã lắp đặt trong các lĩnh vực Điện – Điện tử và Khoa học Vật liệu, ... Gói thầu 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu hiện nay đã về 70%, cũng đang trong quá trình lắp đặt và hướng dẫn cán bộ sử dụng. Tòa nhà C7 về cơ bản đã hoàn thành phần thô, hiện nay đang tiến hành hoàn thiện.

Đối với hoạt động nâng cao quản trị đại học, trong 6 tháng vừa rồi, Bách khoa Hà Nội đã có nhiều hoạt động trong quản trị hành chính như triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị, giảng dạy và nghiên cứu. Điển hình, phần mềm D-office, ký số, … trong hệ thống quản trị tương đối tốt.

Nhà trường cũng thực hiện đồng bộ giải pháp quốc tế hóa, đẩy mạnh công tác trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường đại học trong và ngoài nước.

Đoàn giám sát Ngân hàng thế giới tham quan phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo. Ảnh: Duy Thành

Các chỉ số cơ bản đã hoàn thành, chỉ có một chỉ số đối với Bách khoa Hà Nội tương đối khó là tỷ lệ nữ sinh trên tổng số sinh viên. Nhà trường có nhiều chính sách thu hút sinh viên nữ và hiện nay vẫn đang cố gắng nỗ lực để đạt được như kỳ vọng.

Nhìn chung, kết quả trong 6 tháng qua của Bách khoa Hà Nội đã được ghi nhận. Sắp tới, Nhà trường tập trung đẩy mạnh sử dụng các phòng thí nghiệm hiệu quả thông qua học trải nghiệm tăng cường qua các nhóm nghiên cứu.

Ông Micheal Drabble chia sẻ: “Những trang thiết bị mới cho sinh viên và giảng viên được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao kỹ năng thực hành của sinh viên, đưa Bách khoa Hà Nội trở thành một môi trường học tuyệt vời”.

Hạ San

Tác giả: Trần Thu Trang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây