Đại học Bách khoa Hà Nội

https://hust.edu.vn


Nam sinh Trường Điện – Điện tử “chốt sổ” năm cuối với giải Nhì Giải thưởng Khoa học và Công nghệ cấp Bộ

Nam sinh Trường Điện – Điện tử “chốt sổ” năm cuối với giải Nhì Giải thưởng Khoa học và Công nghệ cấp Bộ
Bùi Trần Hiển, sinh viên K63 Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, dưới sự hướng dẫn của TS. Tạ Sơn Xuất, giảng viên Trường Điện – Điện tử, đã xuất sắc vượt qua rất nhiều nhóm sinh viên khác để giành giải Nhì Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở Giáo dục Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022.

Đam mê nghiên cứu nhưng không bỏ bê việc học

Khác với các nhóm sinh viên khác cùng tham gia phát triển chung một đề tài dự thi, chàng trai Bùi Trần Hiển “đơn thương độc mã” ẵm về giải Nhì cho bản thân. Hiển không cho rằng đây là bất lợi của cậu, thậm chí còn là lợi thế vì: “Tuy khối lượng công việc lớn hơn nhưng tôi sẽ trưởng thành hơn, biết được nhiều điều hơn”. Cậu cũng cho biết nghiên cứu độc lập là một điểm tương đối đặc thù của CRD lab (Communication Research and Development) của cậu.

Tham gia vào lab nghiên cứu từ năm 3 đại học, Hiển dành nhiều thời gian cho lab còn hơn trên lớp. Cậu say mê nghiên cứu và chăm chỉ tìm hiểu kiến thức chuyên ngành, định hướng sắp tới cho con đường học tập tiếp theo của mình. Chàng trai hy vọng có được nhiều công bố quốc tế để sau này đi học Thạc sĩ tại nước ngoài. Tuy không đặt nặng việc học trên lớp, thành tích của Hiển vẫn xuất sắc ở mức CPA 3.69.

Sau khi được thầy hướng dẫn giao đề tài “Nghiên cứu thiết kế Anten băng tần kép phân tập dạng đồ thị bức xạ và phân tập phân cực”, Hiển đã triển khai và ra được thành phẩm sau một năm miệt mài, nghiêm túc nghiên cứu.

Đề tài này nhắm đến thiết kế ra một loại ăng ten cho trạm truy cập vô tuyến trong nhà. Thông thường, một trạm cần 2 ăng ten, mỗi ăng ten hoạt động trên một băng tần. Hiển giải thích: Ví dụ như khi một chiếc điện thoại di động bắt wifi có 2 băng tần là 2.4-GHz và 5-GHz, ta cần dùng nhiều ăng ten để đảm bảo tín hiệu cho nhiều băng tần. Tuy nhiên, với sản phẩm này, chỉ cần dùng một ăng ten cũng có thể đảm bảo được 2 băng tần sử dụng cho trạm truy cập trong nhà.

Một ví dụ khác cụ thể hơn: Trong một sân vận động lớn, tình trạng điện thoại không thể kết nối mạng do có quá nhiều người/ quá nhiều thiết bị di động đang cùng hoạt động tại một điểm có thể xảy ra. Với thiết bị này, tình trạng ấy có thể được giải quyết.
Sinh viên Bùi Trần Hiển (đứng) giải thích với các thành viên trong CRD lab về đề tài nghiên cứu của mình. Ảnh: CCPR

Tóm lại, nghiên cứu của sinh viên Bùi Trần Hiển sẽ giúp tăng số lượng thiết bị và khả năng kết nối giữa các thiết bị di động trong nhà tới một trạm truy cập gốc. Thiết bị nhỏ gọn này có thể thay thế những ăng ten của cục phát wifi trong nhà. Khác với các thiết bị hình cột thường thấy, ăng ten băng tần kép này có dạng phẳng, có thể gắn trên tường hay trần nhà, đảm bảo tính thẩm mỹ hơn.

Trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm, khó khăn lớn nhất của Hiển là phải tìm hiểu rất nhiều kiến thức liên quan đến Toán, ngành ăng ten, siêu cao tần và trường điện từ, … “Tuy nhiên, có gì khó hiểu, tôi có thể hỏi thầy và các anh chị trên lab khá dễ dàng”, Hiển bộc bạch.

Đối với Bùi Trần Hiển nói riêng và các thành viên CRD lab nói chung, lab như một gia đình, mọi người luôn quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ nhau hết mình. Lần đầu tiên đạt được giải thưởng trong quãng thời gian sinh viên, cảm xúc của Hiển rất “mãnh liệt”. Hiển chia sẻ: “Nhận giải xong, tôi về lab luôn, được thưởng một số tiền nhỏ nên chiêu đãi cả lab đi ăn trưa ngay”.

“Tôi chọn vào CRD lab chỉ vì thầy Xuất”, Hiển tiết lộ. Cậu nhớ lại lần đầu tiên gặp thầy Xuất trong tiết học môn Trường điện từ. Tuy rằng khi ấy đang còn hoạt động tại một lab khác nhưng do thầy dạy “nhiệt” quá, cậu đã quyết vào được lab của thầy.

Nghiên cứu đúng hay sai đều có giá trị
“Vào được lab không hề khó, chỉ cần đam mê và chăm chỉ”, TS. Tạ Sơn Xuất, giảng viên Trường Điện – Điện tử, khẳng định. Anh cho biết, bản thân mình có xuất phát điểm thấp nên quan niệm rằng sinh viên chỉ cần đam mê và chăm chỉ, ắt sẽ thành công.

TS. Xuất là cựu sinh viên K48 của Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi sang Hàn Quốc học tập, lấy bằng Tiến sĩ và làm nghiên cứu sau tiến sĩ, anh quyết định trở về Việt Nam và ký hợp đồng làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Thực là nghề chọn người, tôi đam mê nghiên cứu nhưng không nghĩ mình sẽ trở thành giảng viên”, anh Xuất chia sẻ. Để được sống với đam mê của mình, anh Xuất xác định bản thân có hai hướng: Làm việc tại trường đại học hoặc viện nghiên cứu. Nhớ lại lời của thầy hướng dẫn đồ án ngày trước rằng “Cậu đi học đi, học xong về làm giảng viên, dạy cùng tôi!”, anh Xuất quyết định chọn Bách khoa Hà Nội.

Theo anh, Bách khoa Hà Nội bảo đảm cả về con người và cơ sở vật chất, có đủ điều kiện để một nhà khoa học phát triển tối đa thế mạnh của mình. TS. Xuất mong muốn mang những kiến thức mình đã học trong môi trường quốc tế về dạy lại cho sinh viên.
TS. Tạ Sơn Xuất hướng dẫn sinh viên Bùi Trần Hiển nghiên cứu tại CRD lab. Ảnh: CCPR
 
Anh Xuất cho biết, sinh viên ngày nay có nhiều thuận lợi hơn thế hệ mình ngày trước: Dễ dàng tiếp cận Internet; kho thông tin, kiến thức cũng mở hơn. Anh luôn cố gắng truyền lửa cho tất cả sinh viên, hy vọng các bạn sẽ tiếp thu một cách tốt nhất.

Vừa từng là sinh viên, vừa là giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội, TS. Tạ Sơn Xuất cho rằng người Bách khoa luôn có đam mê với nghiên cứu và học tập. “Chất Bách khoa luôn cháy trong mỗi thế hệ sinh viên và giảng viên Bách khoa Hà Nội”, anh khẳng định.

Giải thích kỹ hơn về đề tài đạt giải của sinh viên Bùi Trần Hiển, TS. Xuất cho biết đặc thù của thiết kế ăng ten cho thiết bị hướng tới các nguyên lý mới. Đề cập đến việc thương mại hóa các sản phẩm của nghiên cứu cơ bản, anh cho rằng: Người nghiên cứu chỉ đưa ra một ý tưởng, nguyên lý bức xạ mới và giải thích nó bằng lý thuyết, thực nghiệm nằm ở sản phẩm mẫu.

Theo quan điểm của TS. Tạ Sơn Xuất, nghiên cứu cơ bản có thể bị coi là những thứ “trên trời” nhưng thực tế, giá trị của chúng rất lớn lao. Một nghiên cứu có thể đúng hoặc sai, vì vậy luôn cần những nhà khoa học tiên phong “mò mẫm”, “dò đường”. Nếu đúng, nghiên cứu cơ bản sẽ làm tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng. Nếu sai, những người nghiên cứu sau sẽ biết mà tránh cho lần sau, tự rút ra những kiến thức và kinh nghiệm riêng.

CRD lab được PGS. Đào Ngọc Chiến, nguyên giảng viên Trường Điện – Điện tử thành lập năm 2006. Hiện nay, TS. Nguyễn Khắc Kiểm và TS. Tạ Sơn Xuất, giảng viên Trường Điện – Điện tử, cùng quản lý. Lab hoạt động hợp tác với nhiều trường đại học ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Úc, ... trong lĩnh vực Antenna, Microwave Engineering và Thuật toán ứng dụng.

Hạ San

Tác giả: Trần Thu Trang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây