Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tham dự Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hungary

Thứ hai - 27/06/2022 21:13

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary, chiều 27/6 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Budapest, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hungary. Diễn đàn cho thấy tinh thần sẵn sàng và mong muốn hợp tác, những cơ hội, định hướng hợp tác rộng mở trong thời gian tới, tập trung vào một số lĩnh vực về Y học, dược học, khoa học cơ bản, khoa học nông nghiệp, chuyển đổi số, về trao đổi giảng viên và trao đổi sinh viên.

Cùng dự sự kiện, về phía Việt Nam có các ông: Lê Văn Thành - Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Vũ Hải Hà - Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc hội; Hà Kim Ngọc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Thị Bích Thảo - Đại sứ Việt Nam tại Hungary và đại diện một số trường đại học trên cả nước, trong đó có PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Về phía Hungary có các ông: Balazs Hanko - Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa và Đổi mới Hunggary; László Borhy - Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Hungary.

Phát biểu chào mừng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: Mặc dù cách xa về địa lý nhưng Việt Nam và Hungary là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về truyền thống văn hóa, lịch sử.

Trải qua hơn 72 năm quan hệ hợp tác và phát triển, hai nước Việt Nam và Hungary đều đã đạt được những thành tựu quan trọng, vượt bậc trên tất các lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp đặc biệt ở lĩnh vực hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Hungary. 

Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Chính phủ Hungary và Việt Nam năm 2013 là một minh chứng rõ ràng cho những cam kết nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai bên, nhất là từ khi hai bên nâng cấp quan hệ hợp tác lên đối tác toàn diện nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2018. 

PGS. Huỳnh Quyết Thắng (thứ 2 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu Hungarry tham dự Diễn đàn

Hiện nay, có hơn 600 du học sinh Việt Nam đang học tập, công tác tại Hungary; trong đó, mỗi năm Hungary dành cho Việt Nam 200 suất học bổng.

Tới nay,  Hungary đã đào tạo cho Việt Nam hơn 4.000 du học sinh có trình độ về khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế và các lĩnh vực, trong đó, nhiều người đã trở thành các nhà lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị của Việt Nam, các nhà khoa học trong các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nhân thành đạt trên các lĩnh vực. 

Phó Thủ tướng cho biết: Việt Nam là quốc gia có gần 100 triệu dân, đang ở thời điểm dân số vàng; luôn coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu. Trong những năm qua, Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Trên cơ sở Quốc hội ban hành Luật Giáo dục năm 2019 và Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, Chính phủ đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo. Chất lượng giáo dục của Việt Nam có nhiều chuyển biến rất tích cực.

Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Đã có nhiều trường đại học của Việt Nam được xếp hạng trong 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới tại các bảng xếp hạng uy tín năm 2022.

Hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo được mở rộng tới hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. 

Theo Phó Thủ tướng, kết quả chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu tới Hungary và các văn kiện được ký kết tại Diễn đàn sẽ mở ra thời kỳ mới, đẩy nhanh hơn nữa, hiện thực hóa các cam kết, các mục tiêu trong hợp tác phát triển giáo dục Việt Nam – Hungary.

Về một số nội dung cần tập trung cho thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết: Trước mắt, các cơ quan của Việt Nam và Hungary cần thúc đẩy hợp tác để thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận về giáo dục đã ký kết.

Hungary là quốc gia có thế mạnh về đào tạo các ngành như: Y dược, Điện tử, Năng lượng, Văn học nghệ thuật, nhất là lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao, Công nghiệp chế biến nông sản, Pháp luật… Đây cũng là những ngành, những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu cao về nguồn nhân lực cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Do vậy, về lâu dài, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu cần xây dựng các giải pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác giáo dục giữa hai nước trong những lĩnh vực trên.

Đặc biệt là tăng cường tổ chức các chuyến công tác, các đoàn của các trường đại học, các viện nghiên cứu để khảo sát thực tế, học hỏi lẫn nhau; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, tiến độ hợp tác của từng ngành, từng lĩnh vực, từng trường đại học đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả...

Cảm ơn những người bạn Việt Nam đã có sự hợp tác tốt với các đối tác Hungary trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, ông Balazs Hanko - Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa và Đổi mới Hungary tin tưởng hợp tác này sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển trong tương lai.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng (thứ 5 từ trái qua) và các đại biểu đoàn Việt Nam

GS.TS. László Borhy - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Hungary cho biết: Các cơ quan đại diện của Hungary ở trong và ngoài nước, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng của Hungary coi trọng hợp tác với các trường đại học quốc tế để thúc đẩy quan hệ hợp tác.

Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hungary lần thứ ba được tổ chức là cơ hội để các trường đại học hai nước mở rộng quan hệ, trao đổi kinh nghiệm, gợi mở những hợp tác lâu dài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo hai nước.

Tại Diễn đàn, đại diện các trường đại học của Việt Nam và Hungary đã trình bày tham luận, trao đổi một số chủ đề như: Chuyển đổi số trong giáo dục đại học; Hợp tác trong y dược giữa Việt Nam và Hungary; Đổi mới và số hóa; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các trường đại học Hungary…

Phát biểu đánh giá cao các ý kiến trao đổi của các trường đại học 2 bên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các ý kiến đều khẳng định tinh thần sẵn sàng và mong muốn hợp tác, cho thấy những cơ hội, định hướng hợp tác rộng mở trong thời gian sắp tới, tập trung vào một số lĩnh vực về y học, dược học, khoa học cơ bản, khoa học nông nghiệp, chuyển đổi số, về trao đổi giảng viên và trao đổi sinh viên…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tin tưởng, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa hai nước sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới. 

PGS. Huỳnh Quyết Thắng và đại diện Trường Đại học Obuda trao biên bản ghi nhớ

Tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Hungary đã chứng kiến lễ trao 9 biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa các trường đại học của hai nước.

Đó là các trường: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường đại học Obuda; Đại học Quốc gia Hà Nội với Đại học Eotvos Lorand, Đại học Szeged;Trường Đại học kinh tế quốc dân và Trường đại học Obuda; Trường Đại học Mỏ địa chất và Trường đại học Obuda; Trường Đại học Y dược Hồ Chí Minh và Trường Đại học Semmelweis; Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Corvinus, Budapest; Trường Đại học Bách khoa - Đại học quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đại học Eötvös Loránd; Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Trường Đại học Eötvös Loránd.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có hợp tác truyền thống với nhiều trường đại học mạnh của Hungary như Trường ĐH kỹ thuật và Kinh tế Budapest, Đại học Szeged.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có nhiều các cán bộ giảng dạy đã từng học tập và nghiên cứu ở Hungary. Nhiều giáo sư, các nhà khoa học gốc Việt đang làm việc tại các Trường ĐH ở Hungary trước đây là cựu sinh viên, cựu giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đây là điều kiện thuận lợi để kết nối các nhóm nghiên cứu, hình thành các nhóm nghiên cứu hỗn hợp giữa các trường mà các giáo sư, các nhà khoa học này làm hạt nhân. 

Tham gia Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, PGS. Huỳnh Quyết Thắng -  Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - tin tưởng bày tỏ: "Tôi tin chắc rằng chiến lược quốc tế hoá các nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội, trong các nhóm có sự tham gia của các nhà khoa học nước ngoài, sẽ được Bách khoa Hà Nội triển khai thành công với các đối tác ở Hungary.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ chủ trì Mạng lưới các Trường đại học kỹ thuật và công nghệ của Việt Nam để hợp tác chặt chẽ với Hội trí thức các nhà khoa học Việt Nam tại Hungary và châu Âu".

 

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây