Đó là chủ đề Hội thảo do Hội Cựu giáo chức Trường ĐHBK Hà Nội được tổ chức ngày 25/7/2019 tại phòng Hội thảo C2.
Đến dự Hội thảo có PGS Lê Minh Thắng – Chủ tịch Hội đồng Trường; TS Bùi Đức Hùng – Chủ tịch Công đoàn Trường; PGS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo; PGS Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch Hội cựu giáo chức và hơn 50 hội viên hội cựu giáo chức.
Thay mặt lãnh đạo Trường, PGS Lê Minh Thắng đánh giá cao chủ đề của Hội thảo mà Hội Cựu giáo chức tổ chức. Nhân dịp này, Chủ tịch Hội đồng Trường đã điểm qua một số hoạt động của Trường trong thời gian qua và khẳng định, sẽ lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu và báo cáo, trao đổi với Ban lãnh đạo Trường.
PGS Nguyễn Minh Hiển phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, tập trung vào 7 nội dung chính: (1) Việc Trung ương phải ban hành Nghị quyết về đổi mới văn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam có ý nghĩa như thế nào? (2) Mục tiêu cụ thể của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thường xuyên? Những nội dung nào mới so với mục tiêu lâu nay đã xác định? (3) Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo cần đảm bảo các yêu cầu gì? (4) Vì sao cần phân định và phân định như thế nào công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo với công tác quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo? (5) Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục có vai trò như thế nào trong việc thực hiện Nghị quyết? Các giải pháp cơ bản để xây dựng và phát triển đội ngũ này trong thời gian tới? (6) Những đổi mới về kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục. Vì sao đổi mới, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được coi là giải pháp đột phá đổi mới giáo dục? (7) Những hạn chế chủ yếu của giáo dục và đào tạo của ĐHBK Hà Nội trong những năm qua?
Hội thảo thu hút đông đảo hội viên Hội cựu giáo chức tham dự
Là một trong các đại biểu tham dự Hội thảo, GS Thái Thanh Sơn – nguyên giảng viên Viện Toán ứng dụng và Tin học đã thẳng thắn bày tỏ những suy nghĩ, tâm huyết của một nhà giáo, gắn bó với Trường ĐHBK Hà Nội từ những ngày đầu. Theo GS, Trường cần phải có những giải pháp, trách nhiệm đón đầu công nghiệp 4.0. Trong bài tham luận, GS đã điểm lại thời kỳ đầu của giáo dục và đào tạo nước ta trong nền kinh tế kế hoạch hóa; Kinh tế thị trường và sự điều tiết đối với giáo dục và đào tạo; Chất lượng – yếu tố quyết định sản phẩm của giáo dục và đào tạo; Đổi mới để đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; Trân trọng tri thức phải là chiến lược quốc gia vĩnh viễn. Đồng thời, GS cùng đưa ra một vài kiến nghị về sự nghiệp đổi mới giáo dục tại Trường. Cụ thể: Đã đến lúc những cơ sở đào tạo hàng đầu trong nước như ĐHBK Hà Nội cần chuyển mạnh sang mục tiêu bồi dưỡng nhân tài; Hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo là yếu tố quyết định trong việc phát hiện nhân tài; muốn phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, phải tạo điều kiện làm việc và có sự tôn trọng với toàn hệ thống giáo dục và đào tạo từ thấp cấp nhất.
Còn theo quan điểm của PGS Nguyễn Minh Hiển – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội cũng đã đưa ra một số giải phát, kiến nghị nhằm đổi mới giáo dục và đào tạo của Trường. Theo Thầy, trong thời gian tới, Trường cần phải đánh giá khách quan, thế mạnh, vị thế của ĐHBK Hà Nội hiện nay; tiếp tục, nâng cao đời sống, thu nhập cũng như môi trường làm việc cán bộ, viên chức; rà soát, đánh giá lại chương trình đào tạo của tất cả các hệ đào tạo, quy mô cũng như chất lượng đầu ra; có giải pháp mạnh mẽ, phát triển nghiên cứu khoa học, liên kết doanh nghiệp…
Vũ Thơm
Ảnh: Ninh Nam
Tác giả: Trần Ngọc Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn