Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 26/07/2024 20:00
Xúc động bồi hồi kể lại chuyện vào sinh ra tử, TS. Nguyễn Đăng Tuấn - Giảng viên Khoa Toán - Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội - người từng tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978 - cũng cảm động khi tâm sự về tình thầy – trò, tình đồng nghiệp gắn bó tại Bách khoa Hà Nội - động lực để người thầy khiếm khuyết đôi chân không lỡ buổi giảng nào suốt 27 năm qua.
“Tôi thường mơ thấy mình cầm súng lao vào màn bom rơi đạn lạc…”
TS. Nguyễn Đăng Tuấn sinh ra trong gia đình có truyền thống màu xanh áo lính. Bố thầy là bác sĩ quân y, tham gia kháng chiến chống Pháp, các chú đều là bộ đội chiến đấu trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sống trong thời kỳ chiến tranh, 5 anh em trong gia đình thầy Tuấn đều sẵn sàng tâm thế chiến đấu vì đất nước bất kỳ lúc nào.
Đầu năm 1978, chàng thanh niên xứ Thanh khi đó 19 tuổi, lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Năm ấy, TS. Nguyễn Đăng Tuấn là sinh viên năm nhất của Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học KHTN).
Thầy Tuấn được cử tham gia khóa huấn luyện tân binh 3 tháng tại Phủ Lý (Hà Nam), sau đó gia nhập Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên, đóng quân ở vùng Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh) để chi viện cho vùng đất "phên dậu" Tây Nam.
Đầu năm 1979, sau khi kết thúc chiến dịch phản công, quân ta bước vào giai đoạn truy quét tàn quân Khmer Đỏ. Những lần cầm súng lao vào đạn lửa, chứng kiến khoảnh khắc sinh tử của đồng đội đã khiến người lính trẻ càng quyết tâm đương đầu với kẻ địch.
Ngày 26/3/1979, trong một trận truy quét, tiểu đội của TS. Nguyễn Đăng Tuấn cùng 2 tiểu đoàn đặc công luồn sâu vào trận địa địch để đánh cửa mở. Nhưng không may sự cố đã xảy ra, thầy Tuấn dẫm phải mìn, mất đi chân trái.
“Tiếng nổ to đến mức khiến tôi váng đầu, rồi khi cảm giác đau đớn ập đến, tôi dần mất đi ý thức.” - TS. Nguyễn Đăng Tuấn nhớ lại khoảnh khắc mất mát lớn của cuộc đời.
Sau khi bị thương, chàng chiến sĩ trẻ được đồng đội sơ cứu, rồi chuyển về phẫu thuật cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Quân Y 175 (TP. Hồ Chí Minh). Khi tỉnh lại, thầy Tuấn đã nằm trong bệnh viện, để lại một phần cơ thể nơi chiến trường khốc liệt.
Thầy Tuấn trở thành thương binh hạng 2/4, thương tật 61%. TS. Nguyễn Đăng Tuấn chia sẻ: “Đang là thanh niên trai tráng, đi lại, chạy nhảy bình thường lại trở thành người khiếm khuyết, tôi khó chấp nhận được sự thật.”
Sau này, khi đã ổn định cảm xúc, thầy Tuấn dần nhận ra trường hợp của mình vẫn còn rất may mắn. Có những người đồng đội của thầy đã bỏ mạng nơi đất khách, có những người có thể trở về nhưng lại phải nằm trên giường suốt đời.
Xốc lại tinh thần, thầy Tuấn bắt đầu tập luyện phục hồi chức năng cùng chân giả. Ban đầu, vết thương cũ chưa quen với bộ phận mới nên nứt ra, đau đớn vô cùng. Không bỏ cuộc, thầy tiếp tục tập luyện, lâu dần vết thương trở thành vết chai, chiếc chân giả cũng đã có thể giúp thầy đi lại được.
Thầy giáo thương binh một đời “trồng người"
Xuất ngũ, TS. Nguyễn Đăng Tuấn tiếp tục học đại học. Sau khi tốt nghiệp, thầy Tuấn là 1 trong 2 sinh viên xuất sắc được đặc cách chuyển tiếp lên hệ Tiến sĩ, cử đi học tập tại Liên Xô.
Năm 1997, sau khi về nước, TS. Nguyễn Đăng Tuấn nhận lời mời của PGS. Nguyễn Cảnh Lương, khi đó là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - mời về giảng dạy tại Khoa Toán (nay là Khoa Toán - Tin). Hành trình gần 30 năm “trồng người”, gắn bó với Bách khoa Hà Nội của TS. Nguyễn Đăng Tuấn cũng bắt đầu từ đây.
Thầy Tuấn phụ trách giảng dạy học phần Đại số, Giải tích và “độc diễn” môn Lý thuyết nhận dạng (môn chuyên đề cho chương trình cao học).
Thầy chia sẻ, hai môn đại cương Đại số và Giải tích khá trừu tượng, kiến thức không được nối liền từ phố thông nên sinh viên thường khó nắm bắt, nếu học không tốt còn thường có tâm lý e dè, lo sợ. Do đó, thầy luôn cố gắng đơn giản hóa lý thuyết, lấy những ví dụ thực tế nhất để sinh viên dễ nắm bắt. Các bài giảng của TS. Nguyễn Đăng Tuấn cũng không theo giáo trình mà được thầy biên soạn lại với phương châm “không thể đã khó còn làm khó hơn”.
Suốt 27 năm qua, dù mưa hay nắng, người thầy nhiệt huyết với đôi chân khiếm khuyết vẫn luôn lên lớp đúng giờ.
“Mặc dù có thể đi lại được nhưng những khi trái gió trở trời, vết thương vẫn khiến tôi đau đớn. Tuy vậy, nghĩ đến sinh viên vẫn đang chờ mình trên giảng đường, tôi vẫn cố gắng không bỏ lỡ tiết giảng nào.”
Để đến trường thuận tiện hơn, thầy Tuấn cố gắng tập đi xe đạp, sau này tập đi xe máy. Nếu chỉ nhìn bên ngoài, ít ai biết được đây là người thương binh hạng 2 phải sử dụng chân giả. Có thể nói, trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu, TS. Nguyễn Đăng Tuấn đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều.
Cuối năm 2021, TS. Nguyễn Đăng Tuấn nhận quyết định về hưu sau nhiều năm cống hiến cho Đại học Bách khoa Hà Nội. Thay vì lựa chọn nghỉ ngơi, an hưởng tuổi xế chiều, thầy Tuấn lại mong muốn tiếp tục đóng góp cho Khoa Toán - Tin, gắn bó với các sinh viên thế hệ sau và được Khoa và được Đại học tạo điều kiện để tiếp tục cống hiến.
TS. Nguyễn Đăng Tuấn luôn tâm niệm đã là người chiến sĩ thì rời chiến trường vẫn phải tiếp tục chiến đấu, thời chiến thì cầm súng, thời bình cầm phấn: “Ngày nào còn được lên lớp giảng dạy là ngày ấy tôi vẫn cảm thấy bản thân mình có ích. Khi sức khỏe vẫn tốt, bộ não vẫn minh mẫn, tôi vẫn muốn được truyền thụ những kiến thức của mình tới sinh viên.”
Thầy Tuấn bày tỏ, những học trò đã ra trường 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm nhưng khi trở về vẫn luôn nhớ đến người thầy năm xưa cũng là nguồn động lực to lớn để thầy tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
Nặng chữ TÌNH với Bách khoa Hà Nội
27 năm gắn bó với Bách khoa Hà Nội, TS. Nguyễn Đăng Tuấn trải qua biết bao kỷ niệm buồn, vui nơi cánh cổng Parabol. Bách khoa Hà Nội cũng như ngôi nhà thứ hai, chứng kiến tuổi trẻ, sự trưởng thành của người thanh niên thương binh giàu nhiệt huyết trở thành người thầy nhiệt tâm, được nhiều thế hệ sinh viên yêu mến.
“27 năm qua, Đại học Bách khoa Hà Nội đã từng bước phát triển rất toàn diện, từ hệ thống đào tạo, cơ sở vật chất, đến chất lượng sinh viên.”
TS. Nguyễn Đăng Tuấn nhớ lại những ngày còn giảng dạy trong giảng đường cấp 4, mùa hè oi bức mồ hôi thấm ướt lưng áo, chớp mắt đã thay thế bằng lớp học khang trang với điều hòa mát rượi, hệ thống máy chiếu, âm thanh hiện đại.
Nhưng dù cảnh quan, vật chất có thay đổi, tình người Bách khoa vẫn không hề đổi thay.
Thầy Tuấn luôn dành tình cảm đặc biệt cho những người đồng nghiệp của mình ở Khoa Toán - Tin. Dù là những giảng viên cùng thế hệ hay các thầy cô giáo trẻ hiện nay đều có chung lửa đam mê với nghề, rất hòa đồng nên dường như không có khoảng cách. Thầy bảo: “Người Bách khoa mình là vậy, luôn chan hòa và ấm áp.”
Bên cạnh đó, những người đồng chí trong Hội Cựu Chiến binh Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có ý nghĩa lớn với TS. Nguyễn Đăng Tuấn. Có những thầy cô đã tham gia kháng chiến chống Mỹ, có người chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, có cả những người cao tuổi đã đi ra từ kháng chiến chống Pháp.
Hàng năm, cứ mỗi dịp 27/7, người Bách khoa đã từng tham gia chiến đấu lại ngồi lại với nhau để ôn lại những chiến tích vẻ vang khi xưa và tưởng nhớ những người đồng đội đã khuất. Nhờ có những hoạt động của Hội mà những người chiến sĩ năm xưa thường xuyên có cơ hội nhắc nhớ về những kỷ niệm cũ, càng thêm tự hào về những gì mình đã đóng góp được cho nền độc lập của dân tộc ngày nay.
Trở về từ chiến trường với những mất mát, TS. Nguyễn Đăng Tuấn và rất nhiều người chiến sĩ Bách khoa vẫn nỗ lực vươn lên tỏa sáng giữa đời thường. Các thầy cô chính là niềm cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Bách khoa Hà Nội nói riêng không ngừng phấn đấu, khát khao cống hiến cho đất nước, trân trọng và gìn giữ thành quả của cha ông.
ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ
Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), đại diện Ban Lãnh đạo Nhà trường, Hội Cựu Chiến binh, Hội Cựu Sinh viên, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội dâng hoa tưởng niệm và tri ân các anh hùng, liệt sỹ vào sáng ngày 26/07/2024 tại Tượng đài Cán bộ, Sinh viên lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Tập thể Đại học Bách khoa Hà Nội đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ và sẽ phấn đấu, nỗ lực hết mình để giữ gìn thành quả của cha ông, góp phần dựng xây đất nước.