Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ ba - 10/12/2024 21:53
Ngày 10/12, Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp cùng Quân chủng Phòng không - Không quân long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024).
Trong giờ phút trang nghiêm và tự hào đầu buổi lễ, lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân, Hội Cựu Chiến binh Thành phố Hà Nội và ĐHBK Hà Nội đã dâng hoa tưởng niệm tại Tượng đài “Cán bộ và sinh viên xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc”, tưởng nhớ và tri ân sâu sắc các anh hùng, liệt sĩ là cán bộ và sinh viên ĐHBK Hà Nội đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. ĐHBK Hà Nội – Ngôi trường gắn bó mật thiết với QĐND Việt Nam
Tại buổi lễ, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Phó Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc ĐHBK Hà Nội - tự hào nhắc lại những dấu mốc thể hiện quan hệ mật thiết giữa ĐHBK Hà Nội và QĐND Việt Nam:
Được thành lập năm 1956 từ yêu cầu lịch sử về tự chủ đào tạo kỹ sư công nghiệp cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng CNXH, với truyền thống 68 năm hình thành, xây dựng và phát triển, ĐHBK Hà Nội đã có nhiều cống hiến, đóng góp sức người và sức của cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Một điểm nhấn trong chặng đường phát triển của ĐHBK Hà Nội là sự kết nối với QĐND Việt Nam.
Giám đốc đầu tiên của Bách khoa Hà Nội là Thiếu tướng, GS.VS. Trần Đại Nghĩa, người có vai trò chủ chốt xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ thuở ban đầu. Trong QĐND Việt Nam, Thiếu tướng, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã từng đảm nhận vai trò Cục trưởng Cục quân giới, Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ).
Hiệu trưởng tiếp theo của Bách khoa Hà Nội là GS. Tạ Quang Bửu, người từng giữ vai trò Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, rồi về sau là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Đặc biệt, GS. Tạ Quang Bửu là người được phân công, đại diện phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết văn kiện Hiệp định Geneve 1954.
Kế nhiệm GS. Tạ Quang Bửu là Hiệu trưởng Hoàng Xuân Tùy, người từng giữ vai trò Trưởng ban tuyên huấn Mặt trận Điện Biên Phủ, Chủ nhiệm Báo Quân đội nhân dân, phụ trách công tác thông tin tuyên truyền trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Ngoài ra, trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước, cùng với các cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền và làm nghĩa vụ quốc tế, gần 3.000 cán bộ và sinh viên ĐHBK Hà Nội nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, có những tấm gương tiêu biểu như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (Anh hùng LLVTND) Bùi Ngọc Dương (CSV Ngành Cầu đường) và Anh hùng LLVTND Trần Thanh Hải (CSV Ngành Vô tuyến).
Hàng trăm cán bộ và sinh viên ĐHBK Hà Nội tham gia chiến đấu trong các binh chủng Tên lửa, Pháo binh, Không quân, Ra đa và các đơn vị kỹ thuật của Quân chủng Phòng không – Không quân. Trong đó có những tấm gương tiêu biểu như Anh hùng LLVTND Nguyễn Tiến Sâm, về sau trở thành Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân và Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Đặc biệt là gương dũng cảm hy sinh của Anh hùng LLVTND Vũ Xuân Thiều (CSV Ngành Vô tuyến) để hạ pháo đài bay B52, bảo vệ bầu trời Thủ đô năm 1972.
Thời chiến, thế hệ đi trước đã mang theo tinh thần và trí tuệ Bách khoa nhanh chóng học tập nắm vững và làm chủ khí tài quân sự, sáng tạo khai thác và phát huy tối đa hiệu quả của khí tài chiến đấu góp phần vào chiến thắng của QĐND Việt Nam. Chiến tranh đi qua, “người Bách khoa” lại xếp chiến bào về mái trường xưa với khát vọng xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong đợi.
Bên cạnh mối liên hệ về con người, ĐHBK Hà Nội còn có sự liên hệ, phối hợp chặt chẽ về đào tạo và nghiên cứu khoa học để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh. Năm 1966, phân hiệu 2 của ĐHBK Hà Nội được thành lập, trở thành Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự) vào năm 1968.
Năm 2000, ĐHBK Hà Nội vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và năm 2006 đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chính phủ trao tặng. Năm 2001, nhân dịp Kỷ niệm 45 năm thành lập, ĐHBK Hà Nội vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Niềm tự hào của người Bách khoa chính là các phẩm chất ưu tú, khiêm nhường, thế hệ nối tiếp thế hệ. Những cán bộ, giảng viên, sinh viên Bách khoa là “gạch nối” giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, để thế hệ giảng viên, sinh viên Bách khoa hôm nay luôn tâm niệm gìn giữ và phát huy bốn tính cách đặc trưng, giá trị cốt lõi của người Bách khoa: “Trách nhiệm, Sáng tạo, Chính trực, Xuất sắc”.
Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ
PGS. Huỳnh Quyết Thắng xúc động bày tỏ: “Hôm nay, trong niềm phấn khởi và tự hào đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài và người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, người sáng lập và rèn luyện Quân đội ta đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông đất nước; tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà lãnh đạo quân sự xuất chúng, người Anh Cả của QĐND Việt Nam và các thế hệ tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ QĐND Việt Nam.
Chúng ta kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ và tri ân sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nền hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc.
Chúng ta dành tình cảm chân thành, cảm tạ sự cống hiến của lực lượng Thanh niên xung phong đã dành trọn tuổi thanh xuân trên những con đường ra mặt trận, âm thầm góp sức cho chiến thắng trên chiến trường.”
Thế hệ trẻ ngày nay được sinh ra trong hòa bình, trong sự ổn định mà các thế hệ cha ông đã hy sinh, đã đổ máu, đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời để có được. Giám đốc ĐHBK Hà Nội nhắc nhở sinh viên Nhà trường trân trọng thành quả mà các thế hệ cha anh đã gìn giữ và phát triển, mong sinh viên cảm nhận niềm tự hào “Người Bách khoa” và sẽ tiếp nối truyền thống của “người Bách khoa”: luôn mộc mạc, giản dị, chân thành, luôn làm việc với sự tôn trọng cá nhân, với sự đoàn kết, với tinh thần tận tâm, tận lực, đổi mới, với khát vọng sáng tạo và đột phá.
Rất nhiều thế hệ “người Bách khoa” đã dùng kiến thức, trí tuệ và công nghệ để góp phần giải quyết những trăn trở, những thách thức lớn của đất nước. PGS. Huỳnh Quyết Thắng đặt niềm tin vào thế hệ sinh viên Bách khoa ngày này có thể tiếp nối truyền thống cha anh đi trước, đam mê học tập và nghiên cứu, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến.
ĐHBK Hà Nội luôn là nền tảng, là nơi “Vì thành công của người học - Để người thầy tỏa sáng” - sẽ tạo điều kiện tối đa để các thế hệ sinh viên phát huy tinh thần Trách nhiệm – Sáng tạo – Chính trực - Xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Lãnh đạo ĐHBKHN trao giải cho các sinh viên, nhóm sinh viên đoạt giải cuộc thi "Màu cờ dưới ánh bình minh" tổ chức lần thứ 3
Khép lại Lễ kỷ niệm, kết quả cuộc thi tìm hiểu về 80 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân mang tên “Màu cờ dưới ánh bình minh” đã được công bố. Đây là năm thứ 3 cuộc thi được tổ chức, thu hút hơn 200 bài dự thi từ sinh viên trong toàn Đại học, thể hiện tình yêu nồng nàn của sinh viên Bách khoa với Tổ quốc.