Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 08/03/2023 01:13
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) phối hợp với tổ chức CSAGA tổ chức tọa đàm “She leads here – Phụ nữ lãnh đạo”. Sự kiện được Đại sứ quán Canada tại Việt Nam hỗ trợ, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị và hình ảnh của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội, truyền cảm hứng cho các nữ sinh viên Bách khoa, khuyến khích tiếng nói và hành động của các nam sinh viên Bách khoa trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.
Mở đầu buổi tọa đàm, GS. Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội gửi lời chúc đến các vị khách mời, các cán bộ, giảng viên nữ, sinh viên nữ Đại học Bách khoa Hà Nội một ngày lễ 8/3 nhiều niềm vui, hạnh phúc; đồng thời bày tỏ mong muốn các sinh viên sẽ nhận được những kiến thức bổ ích sau buổi tọa đàm rất thú vị này.
Theo TS. Phạm Mạnh Hùng – Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, đây là hoạt động thường niên của Nhà trường, mỗi năm lại có một chủ đề khác nhau, rất được các sinh viên chờ đón. Để có được một hoạt động đúng – trúng với sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội thường xuyên tổ chức khảo sát, lắng nghe các mong muốn, ý kiến, khó khăn cần tháo gỡ của sinh viên…, từ đó tổ chức các hoạt động phù hợp để sinh viên vừa có thêm kiến thức, vừa có những sân chơi tinh thần bổ ích, định hướng cho các em về lối sống, văn hóa, ứng xử… hàng ngày. Buổi tọa đàm với chủ đề “Phụ nữ lãnh đạo” chính là một trong các hoạt động như vậy.
Các vị khách mời “hút” sinh viên HUST
Trước giờ diễn ra buổi tọa đàm, rất đông sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội xếp hàng để xin chữ ký vào những quyển sách của các khách mời tham gia chương trình. “Chỉ nghe tên diễn giả thôi em đã muốn xin chữ ký ngay rồi” – Nhiều sinh viên Bách khoa Hà Nội hào hứng chia sẻ.
Các khách mời là những người có thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực công việc khác nhau:
1. Nhà bảo tồn động vật hoang dã Trần Thị Yến – Điều phối Chương trình và Vận hành của Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã (WildAct), người thực hiện Dự án “Cùng em bảo vệ Pù Mát” thu hút hơn 5.000 học sinh vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát tham gia.
2. Vận động viên kiếm chém Lê Minh Hằng – Giành Huy chương Bạc Seagames 30, Huy chương vàng giải trẻ Đông Nam Á 2017, Huy chương Bạc cá nhân vô địch Đông Nam Á 2023 và Huy chương Vàng đồng đội vô địch Đông Nam Á 2023.
3. PGS. Trương Thu Hương – Phó Trưởng khoa, giảng viên cao cấp Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội – Thành viên của Futurre Internet Lab; Nhà giáo tiêu biểu năm 2022; Được Đại học Bách khoa Hà Nội vinh danh là 1 trong 3 “Tác giả công trình khoa học có ảnh hưởng” năm 2022.
4. Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc CSAGA, Top 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất do Forbes bình chọn năm 2017.
5. Đại sứ Canada tại Việt Nam, ông Shawn Steil - Nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm, bắt đầu công tác tại Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada năm 2002. Ông từng giữ các chức vụ ngoại giao ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2014, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Canada tại Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Ông Steil được cử làm Đại sứ Canada tại Việt Nam ngày 29/3/2022.
Những câu chuyện truyền cảm hứng
Những câu chuyện của các vị khách mời trong các lĩnh vực bảo tồn, thể thao, khoa học, hoạt động xã hội, hoạt động ngoại giao… đã truyền cảm hứng cho các sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, truyền cảm hứng và chia sẻ hình ảnh về vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội.
Như khi nghĩ đến bảo tồn động vật hoang dã, không ít người sẽ tưởng tượng ra những người to khỏe để bê, vác thậm chí là “đấu nhau” với các con thú lớn, mà ít ngờ rằng người phụ nữ nhỏ nhắn, dịu dàng như cô Trần Thị Yến – người phụ nữ là lãnh đạo cùng 5 nhân viên nam đã cứu sống, chăm sóc cho hàng trăm động vật hoang dã. Có lẽ sự dịu dàng, tỉ mỉ của phụ nữ là vũ khí đặc biệt để cô chăm sóc, yêu thương các con thú, giúp cô theo đuổi đam mê này.
Cô Trần Thị Yến đã rất tự hào kể với sinh viên Bách khoa Hà Nội những lãnh đạo nữ - như cô - đang rất thành công trong nhiều lĩnh vực vốn trước nay cứ mặc định là “lãnh địa của nam nhân”! “Không có khái niệm lĩnh vực của ai, của giới nào. Mọi lĩnh vực là của chung!” – cô Yến khẳng định.
Hay như vận động viên kiếm chém Lê Minh Hằng - cô gái xinh đẹp, tóc dài thướt tha lại là một vận động viên rất quyết liệt, mạnh mẽ cầm kiếm trên sàn đấu. Minh Hằng kể về cơ duyên đến với bộ môn kiếm chém, những vất vả cô đã vượt qua trong khi luyện tập. Minh Hẳng chia sẻ: “Nếu quyết tâm và đam mê, bạn sẽ đạt được thành công trong bất cứ lĩnh vực nào!”
Chuyên gia Nguyễn Vân Anh – Giám đốc CSAGA – rất được các sinh viên “tín nhiệm” đặt nhiều câu hỏi liên quan đến bình đẳng giới, định kiến giới. Mở đầu câu chuyện, cô hóm hỉnh kể mình trước đấy rất nhút nhát, có khi thấy 3 người là đã rụt lại, trốn luôn. Nhưng sau một hành trình dài (40 năm), giờ đây cô có thể đứng trước một hội trường đông đảo hàng trăm sinh viên Bách khoa Hà Nội để trò chuyện!
Một nam sinh viên tâm sự muốn tặng quà cho bà, cho mẹ, cho chị/em mình nhân dịp 8/3, nhưng không biết bày tỏ rằng mình yêu họ thì nói như thế nào, chuyên gia Vân Anh rất khuyến khích các sinh viên thể hiện tình cảm của mình với người thân, nếu nói ra được những tình cảm, suy nghĩ của mình thì tốt quá rồi; nhưng nếu chưa nói được thì món quà, sự quan tâm của họ đã thay cho những lời yêu thương muốn nói, những người thân yêu sẽ hiểu hết đó!
Nam sinh viên Bách khoa Hà Nội còn chờ gì nữa nhỉ, hôm nay 8/3 rồi, hãy thể hiện bằng hành động thôi!
Trải nghiệm của PGS. Trương Thu Hương – cô giáo Đại học Bách khoa Hà Nội – thật sự đặc biệt. Khi thực tập tại trụ sở nghiên cứu của Siemen tại Munich (Đức) ở bộ phận nghiên cứu về truyền dẫn quang, cả tòa nhà 4 tầng có mỗi mình cô Hương là nữ, nhưng cô gây ấn tượng đặc biệt với các đồng nghiệp về sự thông minh và tốc độ xử lý công việc siêu nhanh: Thầy đi công tác, giao việc cho cô với ước tính là việc hoàn thành trong 7 ngày. Nhưng cô chỉ làm 45 phút là xong việc rồi!
Tuy nhiên, làm việc trong môi trường rất đặc biệt như vậy, cô rất ngấm việc chênh lệch giới tính. PGS. Thu Hương cho rằng bình đẳng giới không phải là nam giới làm gì, phụ nữ cũng phải làm theo; mỗi người có một thế mạnh riêng, nếu kết hợp lại sẽ tạo thành sức mạnh, làm việc nhóm, phân vai phù hợp với năng lực, sở trường, vậy mới chính là bình đẳng.
Dư âm sau cuộc trò chuyện với sinh viên khiến PGS. Trương Thu Hương dậy lên nhiều cảm xúc. Cô chia sẻ: Buổi tọa đàm là cơ hội để tôi ôn lại những kỷ niệm và chặng đường cũ; những ước mơ trao gửi tới thế hệ trẻ cả nam lẫn nữ, cách xa thế hệ tôi tới hơn 20 năm. Cuộc sống là đồng hành, tôn trọng giá trị, và hỗ trợ nhau, từ hai nửa thế giới, mỗi ngày!
Trực tiếp đặt câu hỏi bằng tiếng Anh tới Đại sứ Shawn Steil, các sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội biết thêm về các hoạt động hỗ trợ phụ nữ của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam từ trước đến nay. Và càng thêm yêu mến ngài đại sứ khi ông chia sẻ ngay buổi đầu trò chuyện: Tôi rất hạnh phúc khi được làm việc với các đồng nghiệp nữ. Lãnh đạo của tôi hiện nay là nữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada Mélanie Joly.
“Tôi rất khâm phục những người phụ nữ làm lãnh đạo. Nếu tất cả Bộ trường Ngoại giao trên thế giới đều là nữ giới, có lẽ thế giới sẽ hòa bình hơn” – ông Shawn Steil dí dỏm nói.
Được biết, năm 2023, Việt Nam và Canada sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Sinh viên nào cũng nhận được những bài học bổ ích
Vốn chỉ tò mò muốn xem tọa đàm về lãnh đạo nữ là như thế nào, nhưng nhiều sinh viên nam đã bị “cuốn” theo các câu chuyện, để từ đó thu được những kiến thức bổ ích, những ấn tượng sâu đậm về các khách mời. Còn các sinh viên nữ thì khỏi phải nói – được truyền rất nhiều cảm hứng để tiếp tục theo đuổi đam mê và mạnh dạn “cầm cờ phất” nếu có cơ hội được làm lãnh đạo!
Sinh viên Ngô Việt Hải – K63 Cơ điện tử, Trường Cơ khí rất vui khi biết thêm được nhiều kiến thức về giới, bình đẳng giới, đặc biệt, “sau buổi tọa đàm, em sẽ mua quà tặng mẹ, mùng 8/3 rồi, em muốn nhắn gửi em yêu mẹ rất nhiều” – Hải tâm sự.
Sinh viên Ngô Khánh An – K65 Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho biết rất thú vị khi biết thêm về những quan điểm, suy nghĩ của những người có tầm ảnh hưởng về vấn đề giới, đặc biệt là chia sẻ của Đại sứ Canada tại Việt Nam. Những chia sẻ của cô Trương Thu Hương cũng làm An có thêm cảm hứng muốn tìm hiểu về lĩnh vực truyền dẫn quang.
“Những kiến thức em học cũng có nhiều cái gần với những gì cô Hương nói. Em rất mong có cơ hội để học thêm về lĩnh vực của cô Hương” – An nói.
Còn Nguyễn Việt Khánh – Sinh viên K66 Trường Cơ khí rất ấn tượng với câu nói của chuyên gia Vân Anh. “Em tâm đắc với lời khuyên của cô Vân Anh: Khi mình muốn lãnh đạo người khác thì phải lãnh đạo tốt bản thân mình đã. Trước nay em không biết tới điều này” – Việt Khánh chia sẻ.
Sinh viên Lê Thị Phương Quỳnh – K65, Viện Kinh tế và Quản lý thì nhớ mãi câu nói của chuyên gia Vân Anh về việc phải nói ra cho nam giới biết mình cảm nhận thế nào, mong muốn gì… Cùng đó, Quỳnh cảm thấy rất đồng cảm với câu chuyện của PGS. Trương Thu Hương về những khó khăn trong môi trường chênh lệch giới tính – “Cô Hương nói ra những điều trước nay em gặp phải. Nếu có cơ hội, em mong muốn được gặp để trò chuyện sâu hơn với cô!” – Quỳnh bày tỏ.
Đặng Thị Kim Oanh – Sinh viên K64, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm rất ấn tượng với cô giáo Bách khoa – PGS. Trương Thu Hương, về những khó khăn cô đã vượt qua để đạt được những thành công trong khoa học và cuộc sống. “Em mong sao mình được như cô” – Kim Oanh nói về “idol” của mình với ánh mắt rất khâm phục.
Buổi tọa đàm kết thúc trong không khí vui vẻ của các trò chơi với sự tương tác rất nhiệt tình từ các sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.