Đẩy mạnh xu hướng số hoá đào tạo tại Đại học Bách khoa Hà Nội

Chủ nhật - 30/03/2025 21:00
Toàn cảnh lớp học Giải tích 2 theo mô hình OMO
Toàn cảnh lớp học Giải tích 2 theo mô hình OMO
Ngày 27/3, Khoa Toán - Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu thử nghiệm mô hình OMO (Online-Merge-Offline) - mô hình lớp học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp trong tiết học Giải tích 2, do TS. Nguyễn Cảnh Nam - Trưởng Khoa Toán - Tin giảng dạy.

Giảng viên nhiệt huyết, sinh viên hào hứng trải nghiệm mô hình mới

Tiết học Giải tích 2 của thầy, trò TS. Nguyễn Cảnh Nam đầy sôi nổi, hào hứng. 

105 sinh viên học trực tiếp chăm chú theo dõi thầy giáo viết công thức, phân tích phương trình trên bảng tương tác thông minh. Hình ảnh từ bảng được truyền đến màn hình LED "cực đại". Hệ thống loa cũng được nâng cấp để đảm bảo chất lượng âm thanh trong hội trường lớn.

103 sinh viên học trực tuyến qua Teams có trải nghiệm không khác là bao so với các bạn học trực tiếp. Các em nhìn rõ, nghe rõ bài giảng, thậm chí còn nhìn rõ từng chuyển động của thầy trên bục giảng thông qua hệ thống camera thông minh!
 
20250327 CBO 8530
TS. Nguyễn Cảnh Nam say sưa giảng giải, viết bài trên bảng tương tác thông minh
Lương Thị Hồng Nhung - sinh viên K69 Trường Hoá và Khoa học sự sống - rất thích mô hình học tập mới: “Cách học này trực quan hơn so với hình thức bảng phấn truyền thống, thầy giảng bài đến đâu sẽ viết/vẽ đến đấy, sử dụng nhiều màu bút để làm nổi bật các nội dung chúng em cần chú ý.” 

“Em cảm thấy tập trung vào bài giảng hơn! Đây là môn học được trải nghiệm nhiều thiết bị công nghệ nhất em đã được học!” - Sinh viên K69 Trường Điện - Điện tử Lê Thu Uyên cho biết.

Cùng quan điểm với Thu Uyên, cô bạn cùng trường, cùng bàn Vũ Như Nguyệt chấm điểm tuyệt đối cho tiết học đầu tiên môn Giải tích 2: “Em thích nhất là màn hình LED “siêu khủng”, các bạn “team 4 mắt” như em dù ngồi bàn cuối cũng có thể nhìn rõ bảng!”

Chuông hết giờ vang lên, TS. Nguyễn Cảnh Nam tận tình hỏi sinh viên có vấn đề gì chưa hiểu, hướng dẫn các bạn quét mã QR nhận tài liệu, không quên lời hẹn: “Thứ bảy chúng ta lại gặp nhau nhé!” 

Thầy Nam đánh giá tiết học đầu tiên của mô hình OMO diễn ra thành công. 

“Thuận lợi nhất của OMO là khả năng truyền đạt một lượng kiến thức giống nhau đến số lượng sinh viên lớn đồng thời. Khối kiến thức đại cương là khối kiến thức nền tảng và không có quá nhiều thay đổi từ xưa đến nay nên phù hợp khi truyền đạt cho nhiều người cùng lúc.” - TS. Nguyễn Cảnh Nam bày tỏ.

Về chuyên môn nghiệp vụ, thực chất đây vẫn là một lớp học bình thường, do đó yêu cầu về trình độ và phương pháp sư phạm không có gì đặc biệt. Theo thầy Cảnh Nam, khó khăn lớn nhất là nhiều giảng viên thường “ngại” khi chuyển từ môi trường quen thuộc với phấn, bảng, máy chiếu để sang một môi trường hiện đại, ứng dụng nhiều thiết bị công nghệ hơn. 
 
20250327 CBO 8563
Sinh viên chăm chú lắng nghe, ghi chép bài học
Là người tiên phong trải nghiệm hình thức mới, Trưởng Khoa Toán - Tin khẳng định với kinh nghiệm dạy học trực tuyến các thầy, cô đã tích luỹ giai đoạn Covid-19, giảng viên có thể thích ứng với mô hình OMO chỉ sau vài tuần.

Sau thời gian triển khai thử nghiệm với các lớp đại cương Toán, Ban Đào tạo và Khoa Toán-Tin sẽ khảo sát lấy phản hồi của người học về lớp học OMO, đối sánh điểm thi giữa lớp học offline truyền thống và lớp OMO để có những đề xuất điều chỉnh, cải thiện và mở rộng diện triển khai lớp OMO.

Thiết thực hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số”

Ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã yêu cầu phát động, thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số".

Trong bối cảnh Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển bằng đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Đại học Bách khoa Hà Nội đã triển khai những hoạt động thiết thực thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số", nổi bật trong hoạt động đào tạo. Việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy sẽ giúp giảng viên, sinh viên Nhà trường nâng cao năng lực số và khả năng sử dụng công nghệ, thiết bị, ứng dụng số.

Vừa qua, lớp học hybrid tại Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã diễn ra thành công với 596 sinh viên cùng tham gia lớp học, trong đó 40 sinh viên học offline, 558 sinh viên học online, giảng viên đứng lớp là PGS. Tạ Hải Tùng – Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Thay vì cần tối thiểu 8 giảng viên đứng lớp khi triển khai giảng dạy trực tiếp, hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến chỉ cần 1 giảng viên đảm nhiệm và 2 trợ giảng hỗ trợ, giúp tối ưu nguồn lực, phát huy triệt để vai trò của công nghệ số trong học tập.
 
485418324 1011635901090260 4976970511688797266 n
596 sinh viên Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông cùng tham gia lớp học hybrid
Bắt đầu từ tháng 3/2025, mô hình OMO (Online-Merge-Offline) chính thức được thử nghiệm cho các học phần đại cương, bắt đầu tại Khoa Toán - Tin.

Theo PGS. Nguyễn Xuân Quyền - Phó Trưởng Ban Đào tạo, để triển khai mô hình lớp học OMO, Ban Đào tạo đã cùng các Khoa đại cương, các đơn vị chức năng xây dựng Đề án đề xuất đổi mới phương pháp, nội dung và hình thức giảng dạy các môn học đại cương; phát triển phương án tổ chức lớp học, thời khóa biểu online/offline; lên phương án thiết kế layout phòng học, trang bị các thiết bị, nền tảng công nghệ giảng dạy kết hợp; truyền thông đến sinh viên;...

Lý giải lý do thử nghiệm mô hình đào tạo mới cho các học phần đại cương, PGS. Nguyễn Xuân Quyền chia sẻ: Các học phần đại cương hiện được triển khai dạy trực tiếp cho sinh viên toàn Đại học với quy mô 100-200 sinh viên/lớp, một lớp lớn học chung lý thuyết được chia thành nhiều lớp bài tập nhỏ hơn. Việc tổ chức các lớp học lý thuyết quy mô lớn sẽ có những điểm hạn chế như: Giảng viên khó quản lý, khó đánh giá mức độ tiếp thu của từng sinh viên; Sinh viên ít cơ hội đặt câu hỏi, thảo luận; Không đồng đều về tốc độ học; Phòng học, thiết bị không đủ để đáp ứng số lượng lớn;...

Thử nghiệm mô hình OMO trong các học phần đại cương được kỳ vọng: 

Thứ nhất, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất phòng học: Lớp quy mô lớn có thể được chia thành các nhóm nhỏ hơn để xoay vòng học trực tiếp và trực tuyến, trong thời gian nhóm này học trực tiếp, các nhóm khác có thể học trực tuyến và tuần tự;

Thứ hai, cá nhân hóa lộ trình học tập: Sinh viên có thể học trực tuyến – lớp lý thuyết để nắm kiến thức cơ bản, sau đó tham gia lớp trực tiếp – lớp bài tập để thực hành và thảo luận. Sinh viên có thể đặt câu hỏi online, tham gia thảo luận nhóm trên nền tảng học tập số. Giáo viên sử dụng công cụ hỗ trợ như quiz trực tuyến, khảo sát để kiểm tra mức độ hiểu bài;

Thứ ba, tối ưu thời gian và không gian: Giảm thời gian di chuyển khi sinh viên có thể tự học online tại nhà. Lớp học trực tiếp tập trung vào thực hành, ứng dụng thay vì dạy lý thuyết.

Thứ tư, hỗ trợ sinh viên theo năng lực: Sinh viên chưa hiểu bài có thể xem lại bài giảng online nhiều lần. Sinh viên đã nắm vững kiến thức có thể học thêm tài liệu nâng cao, không bị giới hạn bởi tốc độ lớp học.
 
Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng và phát triển mô hình đại học số chia sẻ
 
HUST 120158
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh kỷ niệm cùng lãnh đạo Nhà trường sau khi nghe giới thiệu hệ sinh thái đại học số Bách khoa Hà Nội tại Lễ Phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số" tổ chức ngày 26/3/2025
Xây dựng và phát triển mô hình đại học số chia sẻ là một trong các nhiệm vụ và giải pháp triển khai Đề án phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 663/QĐ-TTg ngày 25/03/2025. 

Việc triển khai lớp học B-learning trên nền tảng hệ thống LMS; xây dựng học liệu số; triển khai các lớp học hybrid, OMO tại Đại học Bách khoa Hà Nội là những minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của Nhà trường hướng đến xây dựng mô hình đại học số chia sẻ.

Định hướng đến năm 2035, Đại học Bách khoa Hà Nội là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo xuất sắc đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, được xếp hạng trong nhóm 100-150 khu vực châu Á theo các bảng xếp hạng quốc tế uy tín.

Đến năm 2045, Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm 100 trường hàng đầu châu Á trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, có danh tiếng trong khu vực và thế giới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Ảnh: Duy Thành

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây