Quảng trường Trần Đại Nghĩa – Biểu tượng của tri ân, sáng tạo và khát vọng tuổi trẻ

Thứ ba - 20/05/2025 03:20
Quảng trường Trần Đại Nghĩa – Biểu tượng của tri ân, sáng tạo và khát vọng tuổi trẻ
Ngày 19/5, nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Lễ bàn giao công trình Quảng trường Trần Đại Nghĩa cho Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên.

Phát biểu tại Lễ bàn giao công trình, PGS. Huỳnh Đăng Chính – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội – khẳng định Quảng trường Trần Đại Nghĩa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, khởi nguồn cho các phong trào sinh viên, đồng thời trở thành không gian kết nối và lan toả giá trị văn hoá, học thuật trong toàn Đại học.
PGS. Huỳnh Đăng Chính – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - phát biểu tại Lễ bàn giao công trình
Các chi tiết trong thiết kế của Quảng trường Trần Đại Nghĩa đều mang ý nghĩa biểu tượng rõ nét. Mặt sân được mô phỏng theo hình ảnh một bản mạch điện tử – gợi nhắc đến tinh thần khoa học, đổi mới sáng tạo – trong khi những cây nến tri ân phát sáng vào ban đêm là hình ảnh ẩn dụ về sự ghi nhớ và biết ơn đối với những thế hệ nhà giáo đã âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Quảng trường Trần Đại Nghĩa mang nhiều ý nghĩa biểu tượng bởi thiết kế hiện đại và bởi sự đồng hành, đóng góp từ cộng đồng. Công trình được tài trợ bởi Tập đoàn FPT và gia đình Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa – như một sự tri ân sâu sắc đối với những cống hiến to lớn của ông cho nền giáo dục và khoa học nước nhà.

Sự chung tay của doanh nghiệp và gia đình GS. Trần Đại Nghĩa góp phần khẳng định vai trò của xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, nghiên cứu và phát triển toàn diện cho thế hệ trẻ.

Đại học Bách khoa Hà Nội lựa chọn phát triển một không gian mở – nơi sinh viên được trao quyền chủ động sử dụng, tổ chức, tạo dựng không khí riêng cho các hoạt động của mình, mà vẫn đảm bảo sự trang nghiêm và tập trung tại các khu học thuật truyền thống.
ThS. Nguyễn Minh Đức – Phó Ban xúc tiến đầu tư và phát triển hạ tầng chia sẻ ý nghĩa thiết kế của Quảng trường
“Quảng trường mang tên một nhà khoa học lớn, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều ấy khiến chúng ta không thể chỉ nhìn nơi đây như một hạ tầng vật chất, mà cần nhận diện đầy đủ giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần giáo dục” -ThS. Nguyễn Minh Đức – Phó Ban xúc tiến đầu tư và phát triển hạ tầng – chia sẻ.

Không gian của tuổi trẻ

Điều đặc biệt hơn cả là khi công trình chính thức được bàn giao cho Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên. Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng mà còn trao quyền quản lý, sử dụng và phát huy giá trị quảng trường cho những người trẻ.

Đây không đơn thuần là sự phân công chức năng, mà là hành động cụ thể hóa tinh thần “trao cơ hội để trưởng thành”, một triết lý mà Bách khoa đã theo đuổi suốt nhiều năm qua.
PGS. Huỳnh Đăng Chính bàn giao công trình Quảng trường Trần Đại Nghĩa cho Đoàn thanh niên và Hội sinh viên 
“Chúng tôi không bàn giao một công trình, mà trao đi một niềm tin. Niềm tin rằng các bạn sinh viên có thể biến nơi đây thành không gian kết nối, phát triển, truyền cảm hứng và lan tỏa văn hóa Bách khoa một cách sáng tạo và tự chủ,” PGS. Huỳnh Đăng Chính chia sẻ trong buổi lễ.

Sinh viên Nguyễn Kim Quý, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội xúc động chia sẻ: “Đối với chúng em, quảng trường không chỉ là nơi tổ chức sự kiện, mà là nơi khơi dậy tinh thần trách nhiệm, nơi thắp sáng niềm tin và lý tưởng”.
Sinh viên Nguyễn Kim Quý, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ tại buổi Lễ
Còn sinh viên Nguyễn Quý Dương, Lớp CTTT Kỹ thuật Ô tô 01, Trường Cơ khí cũng đầy hào hứng: “Mỗi đường nét thiết kế của quảng trường như khắc họa tinh thần Bách khoa: kết nối tri thức, thắp sáng lý tưởng. Đối với chúng em, nơi đây không chỉ là địa điểm tổ chức sự kiện mà còn là không gian văn hoá, là một sân chơi đầy cảm hứng kết nối sinh viên Bách khoa”.

Quảng trường Trần Đại Nghĩa là một công trình mới trong tổng thể kiến trúc Bách và là biểu tượng cho sự giao thoa của tri ân, sáng tạo và khát vọng thanh niên. Nó không chỉ tồn tại bằng bê tông, bản vẽ hay ánh sáng; nó tồn tại trong sự thay đổi cách nghĩ về không gian giáo dục, trong lòng tin của người thầy, và trong bước đi của người trẻ đang nối dài những ước mơ học thuật giữa đời sống hôm nay.
 Đoàn thanh niên
Ảnh: Duy Thành
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây