Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển khoa học và kỹ thuật

Thứ tư - 14/05/2025 00:51

Hướng đến kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 và ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, với bài học từ tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật, cùng tinh thần đột phá của Nghị quyết 57-NQ/TW, để mang đến thông điệp phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam lần thứ I

 

Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam gắn liền với sự kiện Đại hội đại biểu Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã diễn ra ngày 18 tháng 5 năm 1963. Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự, phát biểu và phổ biến những quan điểm phản ánh thấu đáo các vấn đề của bối cảnh khi đó, đồng thời mang tầm nhìn lịch sử cho đến ngày nay.

Trước hết, Người khẳng định khoa học kỹ thuật là động lực phát triển đất nước, phụng sự cho đất nước và nhân dân. Người luôn coi trọng sự gắn kết giữa làm khoa học với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định khoa học và kỹ thuật là chìa khóa để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Các giải pháp khoa học và kỹ thuật không chỉ giải quyết vấn đề thực tiễn của một bộ phận cá biệt, mà phải giải quyết vấn đề thực tiễn của xã hội. Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật lần thứ nhất, Người chỉ rõ: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tính ứng dụng khoa học vào thực tiễn. Người yêu cầu các nhà khoa học tập trung nghiên cứu những vấn đề thiết thực, như cải tiến nông cụ, phát triển giống cây trồng, nâng cao năng suất lao động. Trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, Người khuyến khích tinh thần sáng tạo, “lấy ít được nhiều” để tận dụng nguồn lực hạn chế. Người khuyến khích các nhà khoa học gắn lý thuyết với thực tiễn, giải quyết các vấn đề cụ thể của đất nước như nông nghiệp, công nghiệp và quốc phòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học, kỹ thuật. Người nhấn mạnh “phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động… Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt”. Có như thế, các kết quả nghiên cứu, các giải pháp khoa học và kỹ thuật lan tỏa rộng rãi trong xã hội, tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của nhân dân. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực khoa học, nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường trong phát triển khoa học kỹ thuật. Người nhấn mạnh đến đào tạo đội ngũ trí thức, kỹ sư và công nhân lành nghề, đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu để làm chủ khoa học kỹ thuật. Người có niềm tin mãnh liệt rằng Việt Nam có thể dựa vào trí tuệ và sự sáng tạo của nhân dân để vượt qua khó khăn, từng bước làm chủ công nghệ và xây dựng nền khoa học độc lập. Tại buổi Lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân Việt Nam vào ngày 19 tháng 1 năm 1955, Người dạy rằng: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà”. Người cũng đề cao việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhưng phải phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm thu hút và phát huy vai trò của các nhà khoa học, nhà trí thức. Đặt niềm tin vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều tên tuổi lớn đã vượt gian khó, lập nên kỳ tích khoa học kỹ thuật trong kháng chiến như: Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ…

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là ĐHBK Hà Nội) lần thứ 1 (năm 1958)

 

Ngay sau Hiệp định Geneva 1954, Đảng và Chính phủ đã chủ trương củng cố lại hệ thống giáo dục đại học. Trong đó, Trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội) đã được thành lập, mang dấu ấn mở ra thời kỳ tự chủ đào tạo kỹ sư công nghiệp cho đất nước. Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm ba lần vào các năm 1958, 1960, 1962 và để lại nhiều lời căn dặn sâu sắc. Chính tại nơi đây Bác đã dạy “Học phải đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, học để phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân".

Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một chặng đường lịch sử đã qua, từ nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển khoa học, kỹ thuật đến Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị hiện nay, đó là tầm nhìn cho những bước phát triển đột phá, đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển phồn vinh.

Với tinh thần “làm theo lời Bác”, kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW, Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề số 86-NQ/ĐU ngày 31/3/2025 về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Đại học Bách khoa Hà Nội”. Đây là văn bản thể hiện sự quyết tâm của toàn Đại học, vươn mình cùng với sự thay đổi nhanh chóng, quyết liệt về thể chế, chính sách của Đảng và Nhà nước để thu hút nhân tài, tập trung trí tuệ trong đào tạo trình độ cao, sáng tạo các công nghệ chiến lược cho đất nước, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và của cả nước.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng

Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây