Trường đại học có vai trò quan trọng trong nghiên cứu và phát triển các sản phẩm KHCN ứng dụng vào sản xuất công nghiệp, thúc đẩy gắn kết đào tạo với thực tiễn sản xuất đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động. Nắm bắt được xu thế đó, sáng 14/10, Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy quốc tế hóa và liên kết trường đại học – doanh nghiệp” nhân dịp 60 năm thành lập.
Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu, doanh nhân, diễn giả đến từ Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT; Mạng lưới các trường ĐH kỹ thuật Đông Nam Á AUN/SEED-net; Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA; các trường đại học, tập đoàn, công ty, tổ chức quốc tế và Việt Nam.
PGS Huỳnh Quyết Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo
Một trong những chủ đề thảo luận chính của Hội thảo là “Làm thế để liên kết trường đại học và doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu và mang lại lợi ích cho cả hai bên trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và quốc tế hóa hiện nay?”. Theo PGS Huỳnh Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội, liên kết ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng, đó là sự liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, liên kết đa dạng các ngành nghề, liên kết với nước ngoài, với doanh nghiệp và cơ quan chính phủ. Đồng thời, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang trên đà hội nhập mạnh mẽ và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm 2015 đã đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. Điều này đã đặt nhiều cơ hội và thách thức đối với Việt Nam – một trong những thành viên của ASEAN. Sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực quản lý, cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, trường đại học cũng cần hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ (CGCN) đóng góp vào sự phát triển KHCN và kinh tế của đất nước. Liên kết trường đại học – doanh nghiệp được coi là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của hai phía, đồng thời là chiến lược mà Trường ĐHBK Hà Nội ưu tiên phát triển.
Hội thảo đã tạo diễn đàn, cơ hội cho các thành viên chia sẻ thông tin, ý tưởng, các vấn đề cũng như các giải pháp nhằm thực hiện kết nối trường đại học – doanh nghiệp và khởi động các ý tưởng khởi nghiệp, hợp tác trong khu vực. Hội thảo gồm 3 phiên thảo luận chính với 8 báo cáo tiêu biểu được trình bày, tập trung vào các chủ đề chính: giới thiệu, chia sẻ về cơ hội hợp tác trong các dự án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện đang được Chính phủ Việt Nam và các quốc gia Châu Á hỗ trợ; trao đổi về một số mô hình và hoạt động hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp tại Việt Nam và Châu Á; thảo luận giữa các bên liên quan.
Đại diện các công ty tài trợ
Các diễn giả, doanh nhân, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đại diện từ cơ quan chính phủ, các trường đại học, doanh nghiệp Châu Âu và Châu Á cũng đã thảo luận về chiến lược hợp tác trường đại học – doanh nghiệp trong NCKH &CGCN; học bổng và cơ hội thực tập cho sinh viên; đánh giá chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo từ Trường ĐHBK Hà Nội; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên...
Theo giới chuyên môn, Việt Nam nên chú trọng hình thành các nhóm đặt hàng, cần có sự đầu tư chất xám từ các kết quả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng của giảng viên, sinh viên từ các trường đại học để hoàn thiện công nghệ, đẩy mạnh sản xuất thông qua các bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D); ngoài ra cần hình thành các mạng lưới, áp dụng các mô hình liên kết hợp tác đào tạo, NCKH & CGCN đổi mới và sáng tạo từ quốc tế nhằm kết nối chặt chẽ, mở ra triển vọng hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp trong tương lai.
Hoàng Anh
Ảnh: Kim Chi
Tác giả: TT TT & QHCC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn