Bách khoa Hà Nội đặt mục tiêu đầu ra chuẩn quốc tế cho ngành vi mạch bán dẫn

Thứ sáu - 26/04/2024 10:46

Hôm nay (26/4/2024), tại Bách khoa Hà Nội diễn ra hội thảo Chương trình đào tạo cho ngành Công nghiệp Vi mạch bán dẫn đến năm 2030 - Thách thức và Giải pháp.

Hiện nay, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho đến năm 2030.

Để xây dựng và triển khai được chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng mục tiêu này – Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) và Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) phối hợp tổ chức Hội thảo "Chương trình đào tạo cho ngành Công nghiệp Vi mạch bán dẫn đến năm 2030 - Thách thức và giải pháp").

Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu từ các Đại học/ Trường/ Viện trong cả nước (trên 30 cơ sở) và Trường Arizona State University (ASU), các Trung tâm đào tạo/ nghiên cứu, các Tập đoàn/ Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ thông tin và Truyền thông cũng đến tham dự Hội thảo.

Hội thảo được kỳ vọng sẽ mở ra diễn đàn cho các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp để cùng nhau trao đổi quan điểm và định hình giải pháp cho những thách thức như: Yêu cầu kiến thức và kỹ năng cần thiết từ doanh nghiệp đối với kỹ sư thiết kế vi mạch; Mô hình đào tạo và phương pháp tổ chức chương trình học phù hợp cho ngành; Các cấp độ đào tạo trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sự liên thông giữa các ngành học liên quan; Yêu cầu về cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm cho đào tạo và nghiên cứu vi mạch.

Qua Hội thảo, BTC sẽ tổng hợp được các kiến nghị xác đáng để có thể báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền và tạo một diễn đàn chung cho các cơ sở đào tạo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và các nguồn tài nguyên trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn; góp phần đưa ra các giải pháp để triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho đến năm 2030.
 
TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam phát biểu tại Hội thảo ngày 26/4. Ảnh: Duy Thành
Khai mạc hội thảo, TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam cho biết: Việt Nam đang thực hiện chiến dịch chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, một số lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng như AI, IoT, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ 5G, 6G, … Tất cả đều trên nền tảng quan trọng và không thể thiếu là vi mạch bán dẫn. Chính phủ Việt Nam cũng xác định phát triển vi mạch bán dẫn là mũi nhọn. Để thực hiện thành công chiến dịch này, ngoài chiến lược và chính sách phát triển đúng, đầu tư thích đáng, có trọng tâm, trọng điểm để phát triển hạ tầng thì pahst triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách.

Việt Nam đang đứng thứ 9 toàn cầu về xuất khẩu hàng điện tử và được quốc tế đánh giá là nước có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh. Có thể khẳng định công nghiệp bán dẫn là công nghiệp nền tảng, sẽ là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30 – 50 năm tới vì khi con người còn phát triển dựa trên thông tin, dựa trên cơ sở dữ liệu như một yếu tố đầu vào của sản xuất thì chip bán dẫn sẽ còn đóng vai trò trọng yếu, còn có nhu cầu về xử dữ liệu tức là còn có nhu cầu về bán dẫn.

Tại hội thảo, TS. Trần Đức Lai tóm tắt kết luận của Thủ tướng Chính phủ: Về nhận thức, muốn phát triển nhanh thì phải dựa vào khoa học công nghệ. Phát triển bán dẫn phải dựa vào yếu tố khách quan kéo theo sự phát triển cho các ngành khác. Trụ cột của công nghệ bán dẫn gồm 5 trụ cột: Hạ tầng (điện, nước, công nghệ thông tin, …); xây dựng chính sách; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; huy động các nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái. Về quan điểm chỉ đạo, đào tạo phải đột phá, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tận dụng và phát huy những gì đã có.
 
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS. Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo ngày 26/4. Ảnh: Duy Thành
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS. Hoàng Minh Sơn cho biết: Ngay khi Bộ GD&ĐT đang dự kiến tổ chức một hội thảo về chủ đề này thì Bách khoa Hà Nội phối hợp cùng Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam tổ chức hội thảo "Chương trình đào tạo cho ngành Công nghiệp Vi mạch Bán dẫn đến năm 2030 - Thách thức và Giải pháp" với sự quan tâm đông đảo của các trường đại học và doanh nghiệp trong khu vực.

Ông nhận định: “Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy chủ trương tự chủ đại học là đúng đắn, giúp các trường chủ động trong việc liên kết, cùng nhau phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta thấy được sự thay đổi mạnh mẽ trong giáo dục Đại học Việt Nam”.

PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐHBK Hà Nội khẳng định tại hội thảo: “Trong lĩnh vực này, Bách khoa Hà Nội đối mặt với thách thức: Các kỹ sư ra trường cần đạt chuẩn quốc tế, có thể tham gia ngay vào thị trường lao động”.
 
PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐHBK Hà Nội phát biểu tại Hội thảo ngày 26/4. Ảnh: Duy Thành
Phát triển chương trình đào tạo cho ngành Công nghiệp Vi mạch bán dẫn có 6 vấn đề cốt lõi cần giải quyết: Người học; đội ngũ nhân lực; nội dung và chương trình đào tạo; trang thiết bị về thí nghiệm, thực hành; hợp tác doanh nghiệp; cơ chế phối hợp đào tạo và nghiên cứu. Bên cạnh đó, một yếu tố vô cùng quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến 6 vấn đề trên là đảm bảo những cử nhân, kỹ sư ra trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt.

Mở đầu phiên thảo luận, PGS. Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử, ĐHBK Hà Nội trình bày Báo cáo đề dẫn. Ngay sau đó, PGS. Nguyễn Đức Minh, Trường Điện – Điện tử cũng đưa ra tham luận Phát triển chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù “Thiết kế vi mạch” dựa trên Ngành đào tạo Điện tử - Viễn thông, đưa ra những thông tin hữu ích tới các trường đại học và doanh nghiệp quan tâm tham gia Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu (SUN EDU) ký biên bản ghi nhớ hợp tác cùng ĐHBK Hà Nội trong đào tạo; nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác.
 
Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu (SUN EDU) ký biên bản ghi nhớ hợp tác cùng ĐHBK Hà Nội ngày 26/4. Ảnh: Duy Thành
Là ĐH về kỹ thuật, khoa học và công nghệ hàng đầu Việt Nam, ĐHBK Hà Nội là đối tác các doanh nghiệp luôn mong muốn xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện, lâu dài trong việc đào tạo, tuyển dụng, tạo nguồn nhân lực và giới thiệu cơ hội việc làm cho sinh viên của BKHN.

SUN EDU cam kết tăng cường phát triển nghề nghiệp và tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội thực hành, gắn kết những lý thuyết đã học với môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế trong các doanh nghiệp. Việc liên kết, hợp tác này được kỳ vọng sẽ đào tạo ra những kỹ sư có khả năng làm việc thực tiễn, cạnh tranh cao trên thị trường thiết kế vi mạch/chip bán dẫn và điện tử nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp, mang lại lợi ích tối ưu cho các bên.

Bên cạnh đó, việc hợp tác này sẽ phát huy thế mạnh của mỗi bên, xây dựng mối liên kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả trong nghiên cứu, triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phù hợp với nhu cầu, chức năng, nhiệm vụ của cả Doanh nghiệp và Nhà trường.
Hạ San
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây