Sáng nay (24/7), tại Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng Đại học Connecticut (Mỹ), phối hợp với Đại học Đà Nẵng và VASE Global tổ chức Hội thảo quốc tế về Khoa học và Công nghệ Sức khỏe (International Conference on Health Science and Technology - ICHST) lần thứ 2, nhằm thúc đẩy hợp tác và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực sức khỏe.
Phát biểu tại hội thảo, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học và công nghệ sức khỏe trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và kháng kháng sinh.
“Đại dịch COVID-19 là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của khoa học. Nhờ các tiến bộ trong công nghệ gen, cộng đồng khoa học toàn cầu đã có thể nhanh chóng nhận diện virus, từ đó phát triển các phương pháp chẩn đoán và vắc-xin hiệu quả. Đây là minh chứng sinh động về vai trò thiết yếu của khoa học trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng – hiện tại và trong tương lai." - PGS. Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.
Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội kỳ vọng hội thảo là diễn đàn học thuật uy tín, kết nối các nhà khoa học, chuyên gia và tổ chức quốc tế cùng chia sẻ tri thức, tăng cường kết nối và thúc đẩy các giải pháp đổi mới vì sức khỏe cộng đồng.
“Hội thảo ICHST 2025 được tổ chức đúng thời điểm, đúng sứ mệnh - phù hợp với định hướng phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như khát vọng vươn tầm quốc tế của cộng đồng khoa học Việt Nam và toàn cầu." - PGS. Huỳnh Quyết Thắng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đối tác đồng tổ chức, các nhà tài trợ, các giảng viên, nhà nghiên cứu, học giả đã đồng hành cùng sự kiện.
Với định hướng trở thành đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực, Đại học Bách khoa Hà Nội đã xác định Khoa học và Công nghệ Sức khỏe là một trong bốn lĩnh vực trọng điểm chiến lược, bên cạnh Công nghệ Dữ liệu và Hệ thống thông minh, Năng lượng bền vững và Môi trường và Vật liệu tiên tiến.
Khoa học công nghệ sức khỏe là một lĩnh vực liên ngành, tích hợp kiến thức và công nghệ từ nhiều ngành như Sinh học, Hóa học, Y học, Công nghệ thực phẩm, Điện tử, Khoa học vật liệu, Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ chế tạo và Tự động hóa. Mục tiêu chính của lĩnh vực này là nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các công nghệ, thiết bị và giải pháp kỹ thuật phục vụ chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người.
Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang triển khai nhiều sáng kiến nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn cao, đóng góp vào các chính sách y tế quốc gia và các nỗ lực ứng phó tình huống khẩn cấp về sức khỏe. Đặc biệt, việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Sức khỏe là bước đi chiến lược nhằm tập trung nguồn lực, kết nối chuyên gia, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Trên cơ sở phân tích những xu hướng phát triển của thế giới, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, định hướng và nguồn lực của Đại học Bách khoa Hà Nội, trên yêu cầu thực tiễn, Nhà trường đã quy hoạch định hướng nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Sức khỏe với 7 vấn đề lớn: Công nghệ và thiết bị Y tế; Công nghệ phân tích và chẩn đoán phân tử; Vật liệu Y sinh; Công nghệ Y sinh phục vụ Y – Dược; Công nghệ Dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; Y tế số và y tế từ xa; Môi trường sức khoẻ.
Hội thảo ICHST 2025 diễn ra trong 2 ngày 24-25/7 tại Đà Nẵng, chào đón hơn 350 nhà khoa học đến từ 16 quốc gia, cùng sự hiện diện của hai chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học y tế: GS. Samir Mitragotri (Đại học Harvard) và GS. Kam Leong (Đại học Columbia). Số lượng bài báo khoa học gửi tới hội thảo là 104 bài.
Các chủ đề chính của Hội thảo đề cập đến các nội dung trọng tâm như: Vật liệu sinh học và kỹ thuật tái tạo; Thiết bị y tế và công nghệ tạo ảnh y sinh; Công nghệ dẫn thuốc và dược phẩm; Y tế số và y tế từ xa; Kỹ thuật tế bào và thần kinh… và các khía cạnh có liên quan.
Tác giả: Nguyễn Thu Huệ
Những tin cũ hơn