Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những tác động không nhỏ đến ngành Dệt May Việt Nam khi tự động hóa ngày càng nâng cao khiến ngành Dệt May đứng trước những thách thức về thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, tốc độ sản xuất. Đây cũng là chủ đề chính thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt May – Da giầy (NSCTEX 2018) do Viện Dệt May – Da giầy và Thời trang, Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức vào ngày 10/10/2018.
Lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam, Hội nghị đã quy tụ hơn 100 nhà khoa học và chuyên gia đến từ hơn 50 trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp uy tín hàng đầu trong lĩnh vực Dệt May – Da giầy Việt Nam.
Gắn kết đào tạo nhân lực chất lượng cao với công nghiệp
Trong những năm gần đây, ngành Dệt May và Da giầy (DM&DG) Việt Nam đã không ngừng phát triển và đạt được những thành tựu to lớn với kim ngạch xuất khẩu đóng góp hơn 49 tỷ USD (bằng 22,9%) kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2017, tỷ lệ nội địa hóa của sản phầm DM&DG Việt Nam đã đạt hơn 50%, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, sự tác động của cuộc CMCN 4.0 với sự kích hoạt trên nền tảng cách mạng số như công nghệ mới in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT), vật liệu mới... đã tạo nên thách thức và cơ hội kinh doanh mới, cơ hội để đổi mới và đột phá cho các doanh nghiệp DM&DG. Để đạt được những thành quả bước đầu các doanh nghiệp đã không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất , trong đó có nhiều công trình khoa học được sáng tạo bởi các viện nghiên cứu, trường ĐH có đào tạo ngành DM&DG.
PGS Hoàng Minh Sơn nhân mạnh vai trò quan trọng của ngành DM&DG cũng như sứ mệnh của Trường ĐHBK Hà Nội nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của ngành
“Là Trường đại học uy tín hàng đầu tại Việt Nam, Trường ĐHBK Hà Nội có sứ mệnh sáng tạo tri thức và phát triển con người phục vụ KT-XH đất nước, trong đó, ngành DM&DG là một lĩnh vực quan trọng. Tuy nhiên sự tác động của CMCN 4.0 diễn ra nhanh chóng khiến ngành DMDG Việt Nam đứng trước những thời cơ và thách thức mới: Làm sao đổi mới, ứng dụng công nghệ để sản xuất sản phẩm với chi phí thấp hiệu quả cao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giải quyết bài toán lực lượng lao động, tăng tính cạnh tranh?” - PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội nhấn mạnh –“Hơn bao giờ hết, trường đại học và doanh nghiệp cần bắt tay xây dựng các đề tài nghiên cứu KHCN nhằm đề xuất các giải pháp hữu ích cũng như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của ngành DM&DG Việt Nam. Đó là nhu cầu khách quan gắn liền với thực tiễn, xuất phát từ lợi ích của các bên và xã hội”.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Ban điều hành CLB khoa học Dệt May - Da giầy Việt Nam
Trong bối cảnh đó, Câu lạc bộ khoa học Dệt May – Da giầy Việt Nam (Vietnam Institutions Association for Textile, Apparel and Leather – VIATAL) ra đời với ý nghĩa thiết thực nhằm tạo môi trường để các nhà khoa học, đồng nghiệp giao lưu, trao đổi thông tin, kiến thức khoa học công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giảng dạy, NCKH, định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực DM&DG. Thành quả đầu tiên của sự kiện ra mắt Câu lạc bộ DM&DG ngày 10/10 là Hội thảo (NSCTEX2018) lần thứ nhất được tổ chức tại Trường ĐHBK Hà Nội. Trong 50 đơn vị tham gia Hội nghị lần này, 26 đơn vị đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong lĩnh vực DM&DG đã đăng ký là thành viên của Câu lạc bộ.
Ứng dụng công nghệ mới trước làn sóng CMCN 4.0
Hội nghị NSCTEX 2018 bao gồm ba phân ban: Vật liệu và Hóa dệt, Công nghệ Dệt và Công nghệ May và Thời trang. Tại Hội nghị các nhà khoa học, chuyên gia đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực DM&DG.
Những báo cáo khoa học về Thông tin ứng dụng công nghiệp 4.0 trong ngành Dệt May; Ứng dụng plasma trong nhuộm và hoàn tất vật liệu Dệt May; Nghiên cứu khảo sát đặc trưng cấu trúc và các tính chất cơ lý của da đà điểu Việt Nam; Nghiên cứu ảnh hưởng của áp lực, nhiệt độ thời gian cán ép mex đến độ bền bám dính giữa mex và vải peco sau khi giặt; Nghiên cứu xác định áp lực của áo bó sát lên cơ thể nữ thanh niên Việt Nam…. đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
TS Hoàng Xuân Hiệp đưa ra những đề xuất cho các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam trước tác động của CMCN 4.0
Vấn đề sự tác động của CMCN 4.0 đến ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam cũng là một điểm nhấn tại Hội nghị. TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH công nghiệp Dệt May Hà Nội cho biết: “Trong xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới, ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đứng trước những thách thức về biến động lao động phúc tạp do ngành sử dụng nhiều lao ở mức độ đơn giản; đồng thời tồn tại hai xu thế là giảm lao động trình độ thấp, tăng lao động trình độ cao. CMCN 4.0 cũng mang tới những cơ hội trong việc ứng dụng tự động hóa, công nghệ thông tin góp phần nâng cao năng suất, tốc độ cũng như giảm số lao động”. Do vậy, TS Hoàng Xuân Hiệp đề xuất các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam nên tự động hóa dây chuyền sản xuất theo phương châm “không tự động hóa bằng mọi giá”, chuẩn bị nguồn lực (con người, vốn, công nghệ); thay đổi phương pháp kinh doanh, đổi mới cách quản lý sang xu hướng khai thác thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường hanmade; tập trung vào sản phẩm phức tạp, giá trị cao.
Đa số những báo cáo khoa học được trình bày tại Hội thảo đều được nghiên cứu, phát triển bởi các nhà khoa học đến từ các trường ĐH, viện nghiên cứu trên cả nước. Một số kết quả đã thương mại hóa, chuyển giao công nghệ cho các đối tác doanh nghiệp, có giá trị thực tiễn và ứng dụng cao trong cuộc sống.
Hội nghị NSCTEX 2018 đã tạo cơ hội cho các nhà khoa học, chuyên gia không chỉ giao lưu trao đổi học thuật, những vấn đề thời sự liên quan đến đào tạo, NCKH&CGCN; tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến, xu hướng đổi mới công nghệ trong lĩnh vực DM&DG trước tác động của cuộc CMCN 4.0, mà còn thúc đẩy mạng lưới hợp tác nghiên cứu giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu với đối tác doanh nghiệp trên cả nước./
Ban điều hành Câu lạc bộ khoa học Dệt May – Da giầy Việt Nam (VIATAL) nhiệm kỳ 2018 -2020
1. |
PGS.TS Phan Thanh Thảo |
Viện trưởng Viện Dệt May – Da giầy và Thời trang, Trường ĐHBK Hà Nội |
2. |
PGS. TS Vũ Thị Hồng Khanh |
Nguyên Viện trưởng Viện DM – DG&TT, Trường ĐHBK Hà Nội |
3. |
TS Nguyễn Văn Thông |
Nguyễn Viện trưởng Viện Dệt May Việt Nam |
4. | TS Nguyễn Sỹ Phương | Giám đốc Viện nghiên cứu Dệt May |
5. |
TS Hoàng Xuân Hiệp |
Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội |
6. |
PGS.TS Bùi Mai Hương |
Trưởng bộ môn Kỹ thuật Dệt May, Trường ĐH Bách khoa TP HCM |
7. | Ông Nguyễn Hải Trung | Viện trưởng Viện Nghiên cứu Da - Giầy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam, Phó CT Hội Da giầy Hà Nội |
Hoàng Anh
Ảnh: Kim Chi
Tác giả: TT TT & QHCC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn