Câu hỏi 198. Thế nào là tranh chấp về sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Tranh chấp, như một số từ điển đã định nghĩa “ Là giành nhau một cách giằng co cái không rõ thuộc về bên nào; Đấu tranh giằng co khi có ý kiến bất đồng thường là trong vấn đề quyền lợi của giữa hai bên “(Từ điển Tiếng Việt trang 898, Trung tâm từ điển học, 1994)”; “Tranh chấp dân sự là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự” (“Tạp chí Dân chủ và Pháp luật”); “Tranh chấp là những mâu thuẩn, bất hoà về quyền và nghĩa vụ hợp pháp giữa các chủ thể tham gia vào một quan hệ pháp luật, trong đó có tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. (“Sổ tay thuật ngữ pháp lý thông dụng, trang 382, Nhà xuất bản Giáo dục, 1996”).
Tranh chấp về sở hữu công nghiệp chủ yếu là các tranh chấp trong việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, quyền ưu tiên, sử dụng trước một số đối tượng sở hữu công nghiệp, tranh chấp quyền tác giả, các nghĩa vụ giữa chủ sở hữu và tác giả một số đối tượng sở hữu công nghiệp và một số tranh chấp khác.
Câu hỏi 199. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp?
Trả lời: Quyền sở hữu công nghiệp thuộc lĩnh vực dân sự. Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp về sở hữu công nghiệp cũng theo những nguyên tắc của gỉải quyết tranh chấp dân sự, gồm:
Thương lượng, tự dàn xếp giữa các bên tranh chấp tại nơi phát sinh tranh chấp.
Hoà giải trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của nhà nước, của các bên, tôn trọng lợi ích chung của xã hội về sở hữu công nghiệp, tuân theo quy định về sở hữu công nghiệp và pháp luật dân sự.
Đảm bảo công khai, khách quan, kịp thời, đúng pháp luật, có thể có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.
Trường hợp không tự thương lượng, hoà giải được và một bên có đơn yêu cầu giải quyết, hoặc một bên từ chối thương lượng, hoà giải thì việc giải quyết tranh chấp về sở hữu công nghiệp được tiến hành tại Toà án.
Câu hỏi 200. Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tranh chấp về sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Trong quá trình giải quyết tranh chấp về sở hữu công nghiệp, các bên tranh chấp có quyền và nghĩa vụ:
Trực tiếp hoặc thông qua tổ chức, hoặc người đại diện của mình để tham gia quá trình giải quyết tranh chấp.
Cung cấp chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, yêu cầu cá nhân, tổ chức, cơ quan lưu giữ chứng cứ cung cấp mình để giao nộp tòa án. Đề nghị tòa án xác minh, thu thập chứng cứ mà mình không tự thu thập, được ghi chép, sao chụp tư liệu chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc toàn án thu thập. Đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạo thời, tự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, tham gia hoà giải do tòa án thi hành và nhiều quyền hạn khác. (Điều 58.2 Bộ luật tố tụng dân sự).
Câu hỏi 201. Nghĩa vụ chứng minh của các chủ thể tham gia tranh chấp thể hiện như thế nào?
Trả lời: Để thực hiện nghĩa vụ chứng minh, các chủ thể tham gia tranh chấp về sở hữu công nghiệp cần phải gửi cho cơ quan có trách nhiệm giải quyết tranh chấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Các tài liệu, chứng cứ này phải đảm bảo chính xác, sự thật và bên cung cấp phải chịu trách nhiệm về các tài liệu này.
Câu hỏi 202. Khiếu nại trong quá trình xác lập quyền, bổ sung, sửa đổi, huỷ bỏ văn bằng bảo hộ, kết luận thẩm định, giám định và các nội dung khác là gì?
Trả lời: Khiếu nại hành chính về sở hữu công nghiệp là việc cá nhân, tổ chức yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, cơ quan khác có thẩm quyền của nhà nước xem xét lại các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, công chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp trong quá trình xác lập quyền, bổ sung, sửa đổi, huỷ bỏ văn bằng bảo hộ, kết luận thẩm định và các nội dung khác, khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính đó trái pháp luật về sở hữu công nghiệp, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và các quy định về sở hữu công nghiệp, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cá nhân, tổ chức nhận được thông báo, quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ liên quan đến quá trình xác lập, bổ sung, sủa đổi, huỷ bỏ văn bằng bảo hộ và các nội dung khác họ có quyền khiếu nại lần đầu tiên vơi Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Điều 14.1.2 Nghị định 103/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 203. Trong quá trình nộp đơn, bị từ chối chấp nhận đơn có quyền khiếu nại không?
Trả lời: Trong quá trình tiếp nhận, xét nghiệm đơn và xác lập quyền sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ đối chiếu với các quy định và có thể có quyền từ chối chấp nhận đơn. Trong những trường hợp này, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đối với những lý do mà Cục Sở hữu trí tuệ đã căn cứ để không chấp nhận đơn.
Người nộp đơn cũng có quyền khiếu nại liên quan đến việc từ chối yêu cầu bảo hộ, phê duyệt hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, gia hạn văn bằng bảo hộ, giấy phép đại diện (Điều 14 Nghị định 103/2006/NĐ-CP)
Câu hỏi 204. Những người khác có quyền khiếu nại, yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ liên quan đến sở hũu công nghiệp không?
Trả lời: Trong suốt thời gian có hiệu lực của văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, bất kỳ người nào cũng có thể gửi đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị xem xét huỷ bỏ văn bằng nếu có chứng cứ cho rằng văn bằng đó không đảm bảo các điều kiện theo quy định với điều kiện phải nộp lệ phí (Điều 96 Luật SHTT).
Cá nhân, tổ chức bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ vì lý do trùng, hoậc tương tự với đốí tượng sở hữu công nghịêp đang được bảo hộ thường khiếu nại, đề nghị huỷ bỏ văn bằng đã cấp. Việc đề nghị huỷ bỏ sẽ tạo điều kiện cho họ đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp của mình.
Câu hỏi 205. Tổ chức, cá nhân bị thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về sở hữu công nghiệp có quyền khiếu nại quyết định, kết luận và quyết định xử phạt vi phạm hành chính không?
Trả lời: Tổ chức, cá nhân là đối tượng của hoạt động thanh tra, kiểm tra về sở hữu công nghiệp có quyền khiếu nại quyết định thanh tra, kiểm tra kết luận của Đoàn thanh tra, kiểm tra, thanh tra viên, kiểm soát viên, cảnh sát khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại cơ sở mình nếu có căn cứ cho rằng các quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra không đúng quy định.
Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp có quyền khiếu nại với người ra quyết định xử phạt về căn cứ xử phạt, áp dụng hành vi, mức phạt và các biện pháp khác đã áp dụng đối với mình (Điều 53 Luật Thanh tra).
Câu hỏi 206. Đề nghị cho biết thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại về sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Việc giải quyết khiếu nại hành chính theo nguyên tắc: Người đã ra quyết định hành chính giải quyết lần thứ nhất (lần đầu). Thủ trưởng cấp trên trực tiếp hoặc Toà Hành chính giải quyết lần tiếp theo.
Thủ tục, thẩm quyền giải quyết lần thứ nhất: Tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến việc cấp, huỷ bỏ, đình chỉ hiệu lực văn bằng bảo hộ, két luận giám định đều có quyền nộp đơn khiếu nại lần đầu đến Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ để khiếu nại việc cấp hoặc từ chối cấp, đình chỉ, huỷ bỏ văn bằng bảo hộ về sở hữu công nghiệp. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền khiếu nại với người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sơ hữu công nghiệp.
Thời hạn khiếu nại lần đầu là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính của Cục Sở hữu Trí tuệ hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ hoặc người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm giải quyết và trả lời cho tổ chức, cá nhân có đơn khiếu nại.
Thủ tục, thẩm quyền giải quyết lần thú hai: Trong trường hợp cá nhân, tổ chức có đơn khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về sở hữu công nghiệp không đồng ý với kết quả giải quyết lần đầu của người đã ra quyết định thì có quyền khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện ra Toà án.
Trường hợp tiếp tục khiếu nại quyết định của Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ thì gửi đơn cho Bộ trưởng Bộ KH&CN.
Trường hợp khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp thì tuỳ thuộc người đã ra quyết định xử phạt mà gửi cho đơn cho Chánh Thanh tra Bộ hoặc Sở Khoa học và Công nghệ (đối với quyết định của Thanh tra viên), gửi đơn cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (trường hợp Chánh Thanh tra Bộ, Sở quyết định xử phạt). Nguyên tắc này cũng áp dụng khi các lực lượng khác xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp khởi kiện với Toà Hành chính theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính như sau:
Toà án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện đối với các quyết định hành chính của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ của Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh Thanh tra và Thanh tra viên Bộ và Sở Khoa học và Công nghệ.
Trường hợp cá nhân, tổ chức vừa khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án, vừa gửi đơn khiếu nại lên cấp trên của người đã ra quyết định giải quyết lần đầu thì việc giải quyết thuộc về trách nhiệm của Toà án. Cơ quan đã giải quyết khiếu nại lần đầu chuyển hồ sơ cho Toà án.
Trường hợp nhiều người có cùng hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp và những người này đã bị xử phạt hành chính. Do không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của người ra quyết định xử phạt nên có người khiếu nại lên cấp trên của người ra quyết định xử phạt, có người lại khởi kiện vụ án hành chính ra Toà án. Trường hợp này thẩm quyền giải quyết thuộc về cấp trên trực tiếp của người ra quyết định xử phạt (Điều 14 Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Điều 32 Nghị định 106/2006/Nđ-CP).
Thời hạn gửi đơn khởi kiện đến Toà án là 30 ngày tính từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Trường hợp có trở ngại khách quan thì có thể chậm hơn.
Câu hỏi 207. Đề nghị cho biết một số nội dung chính của đơn khởi kiện quyết định hành chính, quyết định xử phạt hành chính về sở hữu công nghiệp và địa chỉ gửi đơn?
Trả lời: Người bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện phải làm đơn với các nội dung sau: Ngày tháng, năm làm đơn; tên cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tên Toà án mà mình gửi đơn; Tên dịa chỉ người khởi kiện; Nội dung quyết định hành chính về sở hữu công nghiệp hoặc nội dung xử phạt về sở hữu công nghiệp; Nội dung văn bản trả lời khiếu nại của người đã ra quyết định hành chính hoặc quyết định xử phạt; Các yêu cầu giải quyết; Ký tên và gửi kèm các tài liệu cần thiết.
Câu hỏi 208. Vai trò của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ chế giải quyết khiếu nại trong quá trình xác lập, huỷ bỏ văn bàng bảo hộ sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm trong việc giải quyết các khiếu nại hành chính trong quá trình xác lập, huỷ bỏ văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như sau:
Tiếp nhận đơn, thư khiếu nại. Trong trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ), thì thông báo cho các bên biết việc chấp nhận thụ lý.
– Thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại. tổ chức đối thoại trực tiếp giũa các bên (trong trường hợp cần thiết), hoặc tham khảo ý kiến của tổ chức, cá nhân tư vấn hoặc đề xuất thành lập hội đồng tư vấn.
– Lập tờ trình, đề xuất phương án giải quyết trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trên cơ sở Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, phương án giải quyết khiếu nại trong quá trình xác lập, huỷ bỏ, sửa đổi văn bằng bảo hộ, có thể từ các nguồn sau:
Đề xuất của chính Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ
Đề xuất tư vấn của Hội đồng tư vấn do Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập,
Đề xuất tư vấn của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Các đề xuất trên được Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ xử lý và thể hiện trong Tờ trình trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Câu hỏi 209. Đề nghị cho biết các nguyên tắc giải quyết khiếu nại hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Việc giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng tuân theo các nguyên tắc giải quyết khiếu nại quy định tại Luật khiếu nại, tố cáo và theo cac quy định trong các văn bản cam kết với quốc tế về sở hữu công nghiệp, đó là:
Việc giải quyết chủ yếu dựa trên các chứng cứ do các bên liên quan cung cấp. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan giải quyết có thể tìm các chứng cứ độc lập và có thể xác minh tính chân thực của các chứng cứ do các bên cung cáp để việc giải quyết đảm bảo chính xác.
Khách quan trong quá trình đánh giá chứng cứ, đưa ra các phương án giải quyết,
Chính xác, công khai, minh bạch (thể hiện trong việc công khai các chứng cứ do các bên cung cấp, công khai lập luận, công khai các kết luận của cơ quan giải quyết)
Dân chủ: Trong qúa trình giải quyết lần thứ nhất, cơ quan giải quyết phải tiếp xúc trực tiếp với cac bên khiếu nại và bên liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ, nghe họ trình bày, bảo vệ lập luận của mình trước cơ quan thụ lý hoặc trước hội đồng tư vấn giải quyết khiêu nại.
Quá trình tiếp xúc, kết quả giải quyết phải thông báo cho các bên biết bằng văn bản.
Câu hỏi 210. Đề nghị cho biết kết quả giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ theo các phương án nào?
Trả lời: Kết quả giải quyết khiếu nại về sở hữu công nghiệp của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ theo một trong các phương án sau:
– Giũ nguyên quyết định của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành, nếu quá trình giải quyết cho thấy quyết định này là có căn cứ pháp luật. Nội dung khiếu nại thiếu cơ sở.
– Thay đổi một số nội dung trong quyết định hành chính của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.
– Thay đổi toàn bộ nội dung quyết định của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.
Căn cứ trên cơ sở quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ban hành văn bản hành chính (trong trường hợp thay đổi một số nội dung hoặc thay đổi toàn bộ nội dung quyết định hành chính cua Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.
Xí nghiệp phụ tùng X thành phố HCM nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá “YAMASHITA”. Cục Sở hữu trí tuệ từ chối cấp văn bằng bảo hộ vì không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, dẫn tới làm hiểu sai lệch xuất xứ hàng hoá. Xí nghiệp khiếu nại lần thứ nhất với Cục Sở hữu trí tuệ và Cục trưởng đã ra quyết định giải quyết là án giữ nguyên quyết định.
Xí nghiệp khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Trên cơ sở quy định của pháp luật, Bộ trưởng đã ra quyết định giữ nguyên quyết định từ chối bảo hộ của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.
Công ty GFAH Ltd. (Singapore) khiếu nại việc Cục Sở hữu trí tuệ tư chối bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá “GOURMET & Hình”. Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định giải quyết giữ nguyên quyết định từ chối bảo hộ đối với nhãn hiệu này vì cho rằng phần chữ tương tự với một nhãn hiệu đã đăng ký trước đó. Công ty khiếu nại lần thứ hai với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Côngnghệ. Quyết định của Bộ trưởng cho rằng phần chữ không tương tự tới mức là không phân biệt được giữa hai nhãn hiệu này và thay đổi toàn bộ nội dung Cục Sở hữu trí tuệ đã giải quyết. Cục Sở hữu trí tuệ đã ra quyết định bảo hộ cho nhãn hiệu hàng hoá “GOURMET& Hình” cho Công ty GFAH Ltd theo kết luận của Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ.
Occidental Petroleum Corporation (Hoa Kỳ) khiếu nại quyết định từ chối bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá “OXY” và “OXY& Hình”. Kết quả giải quyết lần thứ nhất của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ là giữ nguyên quyết định từ chối. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghẹ giải quyết lần thứ hai với kết luận: giữ nguyên quyết định từ chối bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá “OXY” và chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá “OX & hình” vì có khả năng phân biệt.
Câu hỏi 211. Trường hợp không đồng ý với kết luận giải quyết khiếu nại lần cuối của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, có thể khiếu nại với cấp nào?
Trả lời: Theo quy định cỉa Luật Khiếu nai, tố cáo, việc giả quyết khiếu nại hành chính được thực hiện như sau. Trước hết là khiếu nại với Cục Sở hữu trí tuệ. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết lần thứ nhất của Cục, hoặc quá thời hạn giải quyết mà không nhận được quyết định giải quyết của Cục Sở hữu trí tuệ thì có thể chọn một trong hai phương án: Khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc khởi kiện với Toà Hành chính Toà án nhân dân.
Trường hợp khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nếu đương sự không đồng ý với kết quả giải quyết của Bộ trưởng, hoặc trong trường hợp người khiếu nại cho rằng quá trình giải quyết của Bộ Khoa học và Công nghệ vi phạm pháp luật thì có thể có đơn khởi kiện tại Toà Hành chính Toà án nhân dân cấp tỉnh.
Kết luận cuối cùng của các vụ khiếu nại hành chính về sở hữu công nghịêp thuộc thẩm quyền của Toà án.
Câu hỏi 212. Thế nào là tố cáo hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Tố cáo hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là việc tổ chức, cá nhân có đơn thư báo cho các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan hành chính (Toà án, cơ quan Cảnh sát, cơ quan Hải quan, cơ quan Quản lý thị trường, cơ quan Thanh tra khoa học và công nghệ, cơ quan có thẩm quyền khác của nhà nước) các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân khác, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình
Việc gửi đơn đến cơ quan nào tuỳ thuộc nội dung, hoàn cảnh vi phạm, nơi có cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm đóng trụ sở hoặc có nơi hàng hoá có yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và hàng giả.
Cá nhân, pháp nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam hoặc không có đại diện hợp pháp và không có có sở hoạt động sản xuất, kinh doanh thực sự tại Việt Nam phải thực hiện việc tố cáo thông qua Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp Việt Nam.
Câu hỏi 213. Cần gửi cho cơ quan thực thi những tài liệu nào khi tố cáo, yêu cầu xử lý hành vi vi phạm, xâm phạm về sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Hồ sơ tố cáo gửi đến các cơ quan có thẩm quyền bao gồm: Đơn tố cáo có các nội dung: Tên tổ chức, cá nhân tố cáo, địa chỉ liên hệ; tên tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị tố cáo (trường hợp biết rõ đối tượng sở hữu công nghiệp bị vi phạm, hoặc địa chỉ ghi trên hàng hoá có yếu tố vi phạm); nội dung vi phạm, các tài liệu, văn bằng về sở hữu công nghiệp là bản sao có công chứng (nếu tổ chức, cá nhân tố cáo là chủ văn bằng), xác định chủ thể, đối tượng, phạm vi, nội dung quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ và có liên quan đến vụ việc vi phạm; các chứng cứ (bao bì sản phẩm, hàng hoá chứa đựng yếu tố vi phạm, ảnh chụp, tờ rơi quảng cáo…) để chứng minh có hành vi vi phạm.
Trường hợp tố cáo thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp cần có giấy uỷ quyền hợp pháp trong đó có nội dung uỷ quyền bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp trước cơ quan có thẩm quyền; Kết quả giám định (nếu đã giám định); yêu cầu, đề nghị bao gồm đề nghị xử phạt vi phạm hành chính (ghi rõ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ tách ra để giải quyết sau bằng thủ tục tố tụng dân sự tại Toà án), các nội dung giải trình, các đề nghị về các biện pháp xử lý thích hợp khác nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của mình; các cam kết về nguồn gốc hàng hoá khi đề nghị tịch thu hàng hoá vi phạm.
Người tố cáo chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo và các chứng cứ đã cung cấp. Trường hợp sau khi thẩm tra, xác minh cơ quan có thẩm quyền kết luận không đúng sự thật, tổ chức, cá nhân bị tố cáo không có hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp thì người tố cáo phải bồi thường thiệt hại đã gây ra cho người bị tố cáo và người có liên quan. Trường hợp cố ý có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tuỳ theo mức độ.
Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Sở Khoa học và Công nghệ (và người có thẩm quyền khác tiếp nhận đơn) trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn (ngày làm việc) sẽ trả lời cho tổ chức, cá nhân có đơn việc có thụ lý đơn hay không. Trường hợp thụ lý thì có yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ khác không. Trường hợp không thụ lý, trả lại đơn, hoặc chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền khác cũng nêu rõ lý do.
Câu hỏi 214. Trong trường hợp nào thì đơn tố cáo hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị trả lại?
Trả lời: Trong một số trường hợp đơn tố cáo hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp sẽ bị trả lại trong các trường hợp: Hành vi vi phạm thực hiện tại thời điểm ngoài (hết) thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp; quyền sở hữu công nghiệp của đối tượng sở hữu công nghiệp bị tố cáo vi phạm ngoài thời hạn, phạm vi bảo hộ ghi trong văn bằng bảo hộ; tổ chức, cá nhân tố cáo đồng thời khởi kiện tại Toà án và vụ việc đã được Tòa án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án của Toà án (Điều 21 Nghị định 106/NĐ-CP)
Thông báo kết quả giải quyết: Kết quả thẩm tra, xác minh sẽ được thông báo đến tổ chức, cá nhân có đơn tố cáo. Trường hợp phải áp dụng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp để xử phạt vi phạm hành chính thì quyết định xử phạt và áp dụng các biện pháp khác cũng sẽ được thông báo cho tổ chức, cá nhân tố cáo biết.
Câu hỏi 215. Đề nghị cho biết đối với đơn tố cáo vi phạm pháp luật, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình tiến hành các thủ tục xác lập văn bằng bảo hộ sở hữu công nghịêp, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp thì gửi cho cơ quan nào?
Trả lời: Trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình tiến hành các thủ tục xác lập văn bằng bảo hộ sở hữu công nghịêp, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp của công chức nhà nước ở các ơ quan có thẩm quyền liên quan, thì tổ chức, cá nhân phát hiện gửi đơn đến cho thủ trưởng của công chức đó. Trường hợp công chức đó là Thủ trưởng đơn vị thì gửi đơn cho Thủ trưởng cấp trên của người đó (Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng).
Tác giả: Phòng Khoa học Công nghệ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn