Bách khoa Hà Nội bàn giải pháp cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức

Thứ năm - 05/11/2020 15:03

Hội thảo quốc tế về những thách thức kinh tế mới nổi năm 2020, do Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội đồng tổ chức, xoay quanh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những giải pháp cho doanh nghiệp. 

 

Hội thảo quốc tế ICECH 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 dù chưa kết thúc nhưng đã để lại hậu quả nặng nề lên kinh tế thế giới. Nền kinh tế của Việt Nam với quy mô 260 tỷ USD liên tục tăng trưởng trên 6% kể từ năm 2012, theo Tổng cục Thống kê. Và dịch Covid-19 đã buộc chính phủ Việt Nam điều chỉnh lại dự doán tăng trưởng cho cả năm 2020 xuống còn 2,5%-3%, theo thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9. Ngân hàng Phát triển Châu Á ACB thậm chí còn đưa ra kịch bản xấu hơn cho Việt Nam với mức tăng trưởng chỉ 1,8% trong năm nay.

Tiến sĩ Nguyễn Danh Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội, phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế ICECH 2020 ngày 2/11 tại Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: SEM.

Trình bài tham luận tại hội thảo ICECH 2020, các nhà nghiên cứu của Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội đào sâu nhu cầu định hình lại chuỗi cung ứng của Việt Nam dưới tác động của dịch Covid-19. Các ngành sản xuất như may mặc, da giầy, điện, điện tử, sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước đều chịu áp lực lớn vì hầu hết các nguyên vật liệu, phụ trợ, phụ tùng, hay thiết bị đầu vào cho quá trình sản xuất đều phải nhập từ Trung Quốc.  

Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam năm 2019 nhập khoảng 40 tỉ USD các linh kiện điện tử, trong đó nhập từ Trung Quốc gần 14 tỉ USD; nhập khẩu trên 23 tỉ USD bông, xơ, sợi, vải, phụ liệu da giầy, trong đó từ Trung Quốc là trên 11 tỉ USD.

Các nhà nghiên cứu đề xuất, để tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào những chiến lược nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu như phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp cần định hình lại chuỗi cung ứng, bao gồm phần nội bộ (Internal Supply Chain) và phần liên kết với đối tác bên ngoài (External Supply Chain) nhằm ổn định nguồn cung, từ đó, dần dần thay đổi quy trình sản xuất và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa 100 triệu dân.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Hòa, Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội tại Hội thảo quốc tế ICECH 2020 ngày 2/11 tại Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: SEM. 

Nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế và Quản lý của Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh các doanh nghiệp bị tác động bởi COVID-19 cần sự hỗ trợ của chính phủ do hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sụt giảm trong khi chi phí vẫn phát sinh từ các khoản vay ngân hàng và nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Dù Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước triển khai gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng và Bộ Tài chính cũng công bố gói 30 nghìn tỷ đồng, các nhà khoa học gợi ý thêm các hình thức hỗ trợ khác như gia hạn nợ, giảm lãi suất, điều chỉnh linh hoạt thời điểm thanh toán nợ hay lãi, khoanh nợ, giãn nợ, lùi thời gian nộp các khoản nghĩa vụ với ngân sách để giảm bớt một phần gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Hơn nữa, chính phủ có thể giúp cung cấp thông tin và hỗ trợ thủ tục hành chính để giúp các doanh nghiệp điều chỉnh điều khoản hợp đồng với các đối tác cung ứng đầu vào ở nước ngoài hoặc tìm nguồn cung ứng thay thế.  

Bên cạnh sản xuất, du lịch là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá Covid-19 có thể kéo ngược ngành du lịch toàn cầu lại 20 năm với 120 triệu việc làm biến mất và thiệt hại lên tới 1 nghìn tỉ USD. Tính riêng 5 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực châu Á Thái Bình Dương giảm hơn 60%, theo ước tính của Liên Hợp Quốc. Và Việt Nam không phải là ngoại lệ khi mà doanh thu từ du khách nước ngoài đóng góp đến 6% GDP của cả nước.

Trong tham luận tại Hội thảo quốc tế ICECH 2020, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Ngân hàng bàn về những giải pháp đổi mới trong ngành du lịch và khách sạn nhằm đối phó với khủng hoảng dịch bệnh. Theo đó, đẩy mạnh hợp tác nội địa và đổi mới công nghệ có thể giúp các doanh nghiệp hạn chế thiệt hại và vượt qua khủng hoảng.

Bên cạnh việc tăng cường dịch vụ nhắm vào dịch vụ du lịch nội địa, trong khủng hoảng do dịch bệnh, đổi mới công nghệ trở nên cấp thiết để giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành và nâng cao, đa dạng hóa dịch vụ.

Trước kia, các doanh nghiệp trong ngành du lịch như các hãng hàng không và khách sạn thường phụ thuộc các công ty lữ hành để thu hút du khách. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, du khách ngày này chỉ cần vài cú lướt trên điện thoại thông minh cũng có thể dễ dàng tiếp cận mọi thông tin về dịch vụ du lịch do vậy công nghệ chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn. Ví dụ một hãng hàng không có thể giới thiệu sản phẩm vé máy bay giá rẻ bằng cách tận dụng tối đa sự hỗ trợ của công nghệ, theo đó, khách hàng chủ động đặt vé qua ứng dụng điện thoại, tự làm thủ tục lên máy bay và ký gửi hành lý, các dịch vụ kèm theo như tích dặm bay cũng đều được thực hiện trên ứng dụng điện thoại.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Will Martens, Đại học RMIT, phát biểu tại Hội thảo quốc tế ICECH 2020 ngày 2/11 tại Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: SEM.

Hội thảo quốc tế ICECH 2020 thu hút được trên 120 bài nghiên cứu của rất nhiều các nhà nghiên cứu, học giả đến từ trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước, cũng như từ các quốc gia khác trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Australia, Nhật, Tunisie, Nigeria và Malaysia.

Nội dung các bài nghiên cứu xoay quanh các chủ đề đương đại trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh như: môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, tài chính và kế toán, quản trị nhân lực, quản trị marketing, quản trị tác nghiệp, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong số các bài báo gửi về tham gia hội thảo, Ban tổ chức và Hội đồng khoa học của Hội thảo đã chọn đăng và giới thiệu gần 90 bài nghiên cứu trên kỷ yếu Hội thảo.

Bên cạnh việc tham dự hội thảo và thảo luận về các nghiên cứu đương đại, các bài nghiên cứu tham dự ICECH 2020 với chất lượng tốt  còn có cơ hội được chọn đăng trên hai tạp chí khoa học uy tín thuộc nhóm Scopus - Q2, và tạp chí khoa học lớn trong nước.

Hội thảo nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia NAFOSTED, Hiệp hội Kế toán Australia (CPA Australia), Viện Kế toán Công Chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) cùng hai nhà cung cấp dịch vụ hội nghị trực tuyến Netnam, DQN và Quickom.

Hồng Hạnh

TIN LIÊN QUAN:

Mạng lưới giúp sinh viên tìm việc, khởi nghiệp ra mắt trong bối cảnh Covid-19

Bách khoa Hà Nội và UNDP xây dựng bộ chỉ số đánh giá môi trường

Tác giả: Phạm Hồng Hạnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây