Bách khoa Hà Nội triển khai quản trị đại học tiên tiến hướng tới tự chủ toàn diện, trở thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đa lĩnh vực với nòng cốt kỹ thuật và công nghệ, có vị thế cao trong khu vực và trên thế giới.
“Cơ chế tự chủ được xây dựng và vận hành, mang lại nhiều thành tựu tích cực trong sự phát triển và lớn mạnh của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội,” GS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường, khẳng định tại buổi Tọa đàm “Quản trị đại học trong bối cảnh chuyển đổi số và quốc tế hóa” được tổ chức ngày 28/6 với sự tham gia của gần 500 cán bộ quản lý của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tự chủ đại học là xu thế khách quan và tất yếu ở Việt Nam và trên thế giới. Sự ra đời của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định số 99 hướng dẫn thực hiện Luật 34 đã tạo hành lang pháp lý để thực hiện cơ chế tự chủ ở mức cao hơn. Đây là năm thứ 6 Bách khoa Hà Nội thực hiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2025 và cơ chế tự chủ đại học, đem đến nhiều chuyển biến tích cực.
Vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong nước cũng như quốc tế được nâng cao rõ rệt thể hiện qua các xếp hạng quốc tế; kết quả tuyển sinh thuộc nhóm đầu cả nước; tỉ lệ có việc làm của cử nhân, kỹ sư mới tốt nghiệp luôn đạt tỉ lệ cao; sản phẩm nghiên cứu từng bước tác động mạnh đến kinh tế, xã hội; tài chính tăng trưởng bền vững, thu nhập và động lực phát triển của đội ngũ được cải thiện rõ nét. Đại học Bách Khoa Hà Nội hiện nay xếp thứ 360 thế giới và số 1 Việt Nam về lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ trong Bảng xếp hạng đại học thế giới QS theo nhóm ngành.
GS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường, trình bày về Mô hình đại học và vận hành đại học tự chủ tại Việt Nam. Ảnh: Duy Thành
Theo GS. Lê Anh Tuấn, mục tiêu tổng quát cho chiến lược phát triển đến năm 2025 của Đại học Bách khoa Hà Nội là trở thành một đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đa lĩnh vực với nòng cốt kỹ thuật và công nghệ, tự chủ toàn diện, với môi trường học thuật sáng tạo, quốc tế hóa, chương trình đào tạo tiên tiến, trung tâm đổi mới sáng tạo xuất sắc, và có năng lực dẫn dắt hệ thống.
Xây dựng trường đại học đẳng cấp thế giới
GS. Iwan Davies, Hiệu trưởng Đại học Bangor, Anh, cho rằng trường đại học đẳng cấp thế giới là nơi có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, tiên phong trong nghiên cứu và góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức bền vững của quốc gia. “Để làm được điều đó, trường đại học cần có 3 yếu tố: nhân tài hội tụ, tài nguyên dồi dào và chính sách thuận lợi,” GS. Iwan nhận định.
Theo một báo cáo từ Ngân hàng thế giới, chi tiêu công cho giáo dục đại học ở Việt Nam năm 2016 chỉ đạt khoảng 0.33% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn 2 lần so với Thái Lan và 3.5 lần so với Malaysia. “Nếu chúng ta vượt qua một trường đại học nào đó ở Thái Lan hay Malaysia, điều đó thể hiện sự thay đổi vượt bậc về nội lực của chính Bách khoa Hà Nội,” GS. Lê Anh Tuấn khẳng định.
Một chiến lược vĩ mô cần cái nhìn hướng tới tương lai. GS. Iwan Davies cho biết, xây dựng chiến lược đại học cần có sự chung tay đóng góp của ban lãnh đạo cùng cộng đồng trường để hiểu những thông tin về tương lai, từ đó tự tạo tương lai cho chính đại học của mình. “Tôi vẫn thường nói, mỗi lựa chọn của tôi với tư cách là Hiệu trưởng Đại học Bangor đều được quyết định với tầm nhìn 18 năm, vì đứa trẻ sinh ra hôm nay sẽ vào đại học 18 năm nữa.”
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của gần 500 cán bộ quản lý Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành
“Quản trị chiến lược không chỉ bao gồm việc xây dựng các định chế và giám sát vận hành mà còn bao gồm các chức năng như quản trị rủi ro, quản trị thay đổi và thực hiện trách nhiệm giải trình,” GS. Lê Anh Tuấn kết luận về tầm quan trọng của xây dựng và quản trị chiến lược.
‘Chiến lược là một quá trình động’
“Chiến lược thể hiện khát vọng của những người làm ra nó”, ông Trần Mạnh Hùng, Thành viên Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn VNPT nhấn mạnh. Các nội dung của bản chiến lược cần đề cập đến phạm vi hoạt động, các dự án để đạt mục tiêu, bản phân tích và đánh giá năng lực, cơ chế và hệ thống quản trị, tiến độ thực hiện và hiệu quả kinh tế.
Các diễn giả đều thống nhất quan điểm “chiến lược là một quá trình động”. Trong quá trình triển khai, các giả thuyết và môi trường đều có thể thay đổi. “Chúng ta cần điều tiết tài nguyên, quản trị quá trình, liên tục tham vấn và chỉnh sửa phù hợp”, GS. Iwan Davies nói.
Tại buổi hội thảo, GS. Lê Anh Tuấn nêu rõ những chỉ tiêu chiến lược phát triển của Trường tới năm 2025 với cấu trúc gồm 6-7 trường thuộc, 3-5 viện và trung tâm nghiên cứu, và 3-5 khoa.
Về đội ngũ, số lượng giảng viên chiếm 65% tổng cán bộ, trong đó 25% có học hàm GS/PGS, 80% có học vị Tiến sỹ trở lên và 5% là giảng viên quốc tế.
Về tài chính, tỉ trọng nguồn thu từ khoa học công nghệ và doanh nghiệp-dịch vụ tăng để đáp ứng bền vững các mục tiêu về nguồn lực và duy trì năng lực thực hiện các mục tiêu hiện tại.
Về đào tạo, chất lượng đào tạo được nâng cao trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, với tỉ trọng 20%-25% học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Đối với chiến lược quốc tế hóa, điều quan trọng cần có là tầm nhìn toàn cầu. Học hỏi mô hình từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới, Bách khoa Hà Nội sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền dựa trên nền tảng số, nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm để khuyến khích đổi mới và sáng tạo, nhưng vẫn giữ tinh thần và truyền thống “Một Bách khoa”.
Tự chủ đại học cần hợp lực nội bộ
“Sức mạnh tập thể” là thông điệp được đề cập đến nhiều nhất trong buổi hội thảo vừa qua. “Quản trị chiến lược là vấn đề lớn nhưng tác động đến công việc hàng ngày của từng cán bộ,” PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, nêu quan điểm. Một nghiên cứu chỉ ra 30% lãnh đạo quản lý cho rằng hợp lực nội bộ là thách thức lớn nhất khi thực hiện chiến lược.
Đổi mới quản trị đại học dựa trên chuyển đổi số là quá trình quan trọng. Các công tác tuyển sinh, đào tạo hay trải nghiệm sinh viên của Bách khoa Hà Nội hiện nay đều đang trong quá trình chuyển đổi số và hướng tới sử dụng số hóa hoàn toàn.
Tuy nhiên, theo các lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều vướng mắc về quy trình và sự thiếu nhạy bén công nghệ của người dùng đang góp phần làm chậm tiến độ chuyển đổi số. “Quan trọng là quá trình không chỉ nằm ở sự nỗ lực của lãnh đạo, mà ở chính sự thấm, hiểu sâu sắc của tất cả cán bộ,” TS. Bùi Đức Hùng, Phó Bí thư Thường trực, điều hành Đảng ủy Trường thẳng thắn chia sẻ.
Ông Trần Mạnh Hùng, Thành viên Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn VNPT, trình bày Kinh nghiệm & bài học của VNPT trong xây dựng và quản trị chiến lược. Ảnh: Duy Thành
Ông Trần Mạnh Hùng chia sẻ kinh nghiệm “xương máu” khi xây dựng chiến lược của VNPT, đó là bài học về con người. “Phát triển nguồn nhân lực đồng bộ với các dự án, sáng kiến chiến lược là một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến thành công”, ông cho biết. Theo ông, xây dựng chiến lược phải có sự song hành nhiều cấp, khi đó mọi người đều quyết tâm thực hiện vì có niềm tin về tính khả thi và thành công của dự án.
Trong phần thảo luận tại hội nghị, nhiều lãnh đạo cấp 2, cấp 3 đồng tình với những chia sẻ và bài học hữu ích từ các mô hình doanh nghiệp và đại học trên thế giới. Quản trị đại học hướng tới tự chủ toàn diện là một quá trình cần sự đồng lòng, quyết tâm và dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới của một tập thể đoàn kết.
Giáo dục đại học đang thay đổi nhanh chóng với sự góp sức của công nghệ, và cạnh tranh trong giáo dục đại học là “một thách thức hiện hữu”. GS. Lê Anh Tuấn khẳng định, “bằng lòng với hiện tại tức là đồng nghĩa với tụt hậu. Nhưng để phát triển đột phá, một trong những điểm mấu chốt chính là nhận thức của đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt.”
Đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực, đặc biệt năng lực quản trị đại học, là nguồn lực cho sự phát triển của trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc xây dựng thành công mô hình đại học tự chủ hiện đại tiên tiến. Chương trình Tọa đàm “Quản trị đại học trong bối cảnh chuyển đổi số và quốc tế hóa” nằm trong chuỗi các hoạt động nâng cao năng lực quản trị đại học cho cán bộ Bách khoa Hà Nội do Hội đồng Trường tổ chức. Mục tiêu của buổi tọa đàm nhằm bồi dưỡng, thảo luận, trao đổi thông tin, nâng cao nhận thức của cán bộ về quản trị đại học trong bối cảnh chuyển đổi số và quốc tế hóa. Đồng thời, đây cũng là điều kiện cho đội ngũ cán bộ học hỏi kinh nghiệm, đóng góp ý kiến trong việc xây dựng mô hình quản trị chiến lược tiên tiến dựa trên nền tảng số, đổi mới tư duy đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Hà Kim. Nguồn: Hust
Tác giả: Nguyễn Kim Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn