Hành trình 25 năm ý nghĩa của Chương trình Đào tạo Kỹ sư chất lượng cao PFIEV

Thứ bảy - 16/11/2024 04:15
Hành trình 25 năm ý nghĩa của Chương trình Đào tạo Kỹ sư chất lượng cao PFIEV
Ngày 15/11, tại Đại học Bách khoa Hà Nội - đơn vị điều phối tổ hợp PFIEV tại Việt Nam - diễn ra Lễ Kỷ niệm 25 năm Chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam PFIEV.

Buổi lễ là dấu mốc ý nghĩa, thể hiện mối quan hệ hợp tác bền chặt, lâu dài giữa các trường đại học Việt Nam và Pháp từ khi Nghị định thư được ký kết vào ngày 12/11/1997 giữa Chính phủ Cộng hòa Pháp và Chính phủ Việt Nam.

Dự buổi lễ có đoàn đại biểu Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam do Ngài Đại sứ Olivier Brochet dẫn đầu; ông Thibaut Skrzypek - Phát ngôn viên của tổ hợp PFIEV-Pháp; bà Nguyễn Thị Thanh Minh - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT; đại diện các trường thuộc Tổ hợp các trường ĐH Pháp và Việt Nam cùng các giảng viên, đại diện doanh nghiệp, CSV, sinh viên chương trình PFIEV.
 
20241115 CBO 0304
Ngài Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Duy Thành
Mọi thứ bắt đầu từ năm 1983…

Dự và phát biểu tại buổi lễ, Ngài Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet bồi hồi nhắc lại lịch sử của chương trình PFIEV, trong đó Pháp và Việt Nam đã hợp tác chia sẻ tri thức và chuyên môn khoa học.

Mọi thứ bắt đầu từ năm 1983 với dự án đào tạo tiến sĩ do Trường Đại học Bách khoa Quốc gia Grenoble (INPG) khởi xướng. Dần dần, nhiều trường kỹ thuật uy tín khác của Pháp cũng bắt đầu hợp tác với các cơ sở đào tạo khoa học công nghệ tại Việt Nam.

Năm 1997, một thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ đã được ký kết để tạo ra chương trình PFIEV, nhằm cung cấp đào tạo khoa học tiên tiến kết hợp với kiến thức kinh tế và quản lý. Chương trình chính thức được khai trương vào tháng 11/1999 tại Đà Nẵng với sự tham gia của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Đại sứ Pháp Serge Degallaix.

Chương trình PFIEV được triển khai tại 4 trường đại học của Việt Nam là: Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng); Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG Tp.HCM) và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cùng với sự tham gia, hợp tác, giúp đỡ của các Trường đào tạo kỹ sư nổi tiếng của Pháp.

Theo Ngài Đại sứ Olivier Brochet, PFIEV là chương trình đào tạo kỹ sư độc nhất ở châu Á được đồng thời công nhận bởi Ủy ban Văn bằng Kỹ sư Pháp - CTI và Tổ chức Kiểm định uy tín được công nhận bởi Hiệp hội Đảm bảo chất lượng Giáo dục đại học châu Âu - HCERES. Điều này minh chứng cho chất lượng đào tạo xuất sắc và tiêu chuẩn học thuật nghiêm ngặt của chương trình.
 
20241115 CBO 0203
Các đại biểu quốc tế tham dự buổi lễ. Ảnh: Duy Thành
PFIEV hoạt động như một mạng lưới các trường kỹ thuật lớn của Việt Nam tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, với cơ cấu tương đồng với hệ thống đào tạo kỹ sư của Pháp và phương pháp tiếp cận châu Âu. Sự hỗ trợ của chính phủ Pháp, bao gồm vai trò của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu, đã đóng vai trò quan trọng trong thành công của chương trình.

Đại sứ nhấn mạnh rằng PFIEV không chỉ là một chương trình đào tạo kỹ sư mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị giữa Pháp và Việt Nam, đóng vai trò là động lực cho phát triển kinh tế và công nghệ, và là nguồn đổi mới cho tương lai. Chương trình này nằm trong khuôn khổ của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia, được quyết định bởi lãnh đạo cấp cao hai nước vào tháng 10/2024, thể hiện cam kết chung của Pháp và Việt Nam đối với hợp tác giáo dục đại học xuất sắc, hướng đến các vấn đề xã hội, đổi mới và phát triển bền vững.

Cảm nhận PFIEV từ “người trong cuộc”

Tại buổi lễ, các nhà quản lý giáo dục, cựu sinh viên – nay đã trở thành giảng viên, nhà khoa học... đã chia sẻ những cảm nhận của họ khi trực tiếp tham gia chương trình PFIEV.
 
20241115 CBO 0341
PGS. Nguyễn Cảnh Lương – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường ĐHBK Hà Nội - phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Duy Thành
PGS. Nguyễn Cảnh Lương – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội), đã tham gia Chương trình PFIEV – cho rằng Chương trình  PFIEV có những đóng góp rất lớn, hiệu quả cho sự phát triển của hệ thống GD Việt Nam, đặc biệt vào thời điểm năm 1999 – khi Việt Nam chưa có nhiều cơ hội để hòa nhập vào giáo dục quốc tế, đó là:

1. Lần đầu tiên, có một chương trình học tại Việt Nam được quốc tế công nhận;

2. Lần đầu tiên, nhờ PFIEV, các trường ĐH được mở mang "tầm mắt" được nhìn, được hiểu thế nào là đảm bảo và kiểm định chất lượng chương trình, đó là kiểm định của Ủy ban văn bằng kỹ sư CTI của Pháp, kiểm định cơ sở giáo dục HCERES;

3. Lần đầu tiên, nhờ việc nhìn nhận văn bằng kỹ sư 5 năm tương đương master, đã mở ra 1 con đường mới ở Việt Nam là tích hợp bằng đại học và thạc sĩ;

4. PFIEV đã giới thiệu, tạo tiền đề cho công nhận tín chỉ giũa Việt Nam và các nước; 

5. PFIEV đóng góp mạnh mẽ vào cơ hội quốc tế hóa cho giáo dục Việt Nam trong giai đoạn đầu: Trao đổi giảng viên, sinh viên, mời GS Pháp giảng dạy tại Việt Nam, giảng viên Việt Nam sang Pháp học tập, nghiên cứu trong khuôn khổ PFIEV để phục vụ PFIEV.

“Có thể nói rằng PFIEV đã thúc đẩy sự phát triển cho GD ĐH tại Việt Nam. Để từ đó Việt Nam bắt đầu hội nhập thật sự vào nền GD ĐH hiện đại của thế giới” - PGS. Lương phát biểu.
 
20241115 CBO 0439
PGS. Lê Minh Thùy (hàng trên, thứ 6 từ trái sang) - giảng viên ĐHBK Hà Nội cùng các sinh viên Chương trình PFIEV dự buổi lễ. Ảnh: Duy Thành
PGS. Lê Minh Thùy là một giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, trở về Việt Nam năm 2013 sau nhiều năm học tập tại Pháp. Trong 11 năm làm việc tại IPH, cô đã chứng kiến chương trình PFIEV phát triển, vượt qua những thách thức mới và không ngừng nỗ lực để đạt được những tiêu chuẩn xuất sắc ngày càng cao. Phát biểu tại buổi lễ, PGS. Minh Thùy đã nhấn mạnh thông điệp “Cùng nhau”.

Cô chia sẻ: “Cùng nhau, chúng ta đã định hình một di sản về sự đổi mới đào tạo, hợp tác quốc tế, tạo ra ảnh hưởng không chỉ trong khuôn viên trường đại học hay lĩnh vực nghiên cứu mà còn lan tỏa đến những cộng đồng lớn hơn bên ngoài. Mà trong đó, các sinh viên và cựu sinh viên chính là trái tim của chương trình, và họ cũng chính là tương lai để cùng nhau duy trì, phát triển chương trình PFIEV.”.

CSV PFIEV, TS Phạm Huy Hiệu - Giảng viên Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Giám đốc Khoa học, Trung tâm Khởi nghiệp Elab, Trường ĐH VinUni, Trưởng ban Nghiên cứu Mạng lưới Đổi mới sáng tạo các trường ĐH, CĐ Việt Nam – trong bài phát biểu đã đề cập đến niềm tự hào khi cộng đồng cựu sinh viên PFIEV đã xây dựng nên một cộng đồng gắn kết và kiên định, cùng nhau hợp tác để phát triển và đóng góp cho xã hội. 
 
20241115 CBO 0283
Toàn cảnh buổi lễ. Ảnh: Duy Thành
“PFIEV không đơn thuần là một chương trình đào tạo, PFIEV còn là nơi ươm mầm, phát triển nhiều thế hệ kỹ sư tài năng, nơi trau dồi tri thức, rèn luyện bản lĩnh và thúc đẩy các sinh viên với tầm nhìn vươn ra thế giới” – TS. Hiệu nhận định.

Cùng nhau hướng tới giai đoạn tiếp theo

Với vai trò là đơn vị điều phối tổ hợp PFIEV tại Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - tự hào cho biết trong suốt 25 năm qua, với hơn 9000 sinh viên của 25 khóa đào tạo, chương trình PFIEV đã đóng góp cho Việt Nam đội ngũ kỹ sư tài năng, có kiến thức chuyên sâu và kỹ năng hội nhập quốc tế. Các kỹ sư PFIEV hiện đang đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước, khẳng định uy tín và chất lượng của chương trình.
 
20241115 CBO 0265
PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc ĐHBK Hà Nội - phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Duy Thành
Nhìn về tương lai, trước những cơ hội và thách thức của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, của sự phát triển rất nhanh chóng của công nghệ, càng cần phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ sự tin tưởng các trường đại học Việt Nam và Pháp sẽ tiếp tục phát triển những sáng kiến mới, tìm kiếm các phương thức hợp tác đa dạng hơn, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và tạo dựng môi trường học tập tiên tiến, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Một trong những mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh hợp tác trao đổi sinh viên giữa các trường đại học của hai nước, kết nối sinh viên với doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam, tại Pháp và tại các nước nói tiếng Pháp. Việc tăng cường trao đổi sinh viên và thực tập tại các doanh nghiệp không chỉ giúp các em phát triển kỹ năng chuyên môn và năng lực hội nhập quốc tế, mà còn là cầu nối văn hóa, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa Việt Nam và cộng đồng các quốc gia nói tiếng Pháp.

“Hướng đến giai đoạn tiếp theo, chúng ta sẽ không chỉ tập trung vào đào tạo kỹ sư có chất lượng, mà còn mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức. Đại học Bách khoa Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Tổ hợp PFIEV để tăng cường kết nối, trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và phát huy tối đa năng lực của sinh viên và giảng viên hai nước. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái giáo dục và nghiên cứu sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.
 
Sáng cùng ngày, tại Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra kỳ Họp Hội đồng Hoàn thiện Quốc gia PFIEV năm 2024. Với sự thống nhất luân phiên điều hành công tác của Tổ hợp, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò điều phối trong nhiệm kỳ 2025 - 2026.

Gia Hân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây