Không gian sáng tạo trẻ cho những kỹ sư tương lai ngành công nghệ

Chủ nhật - 13/07/2025 03:00
Không gian sáng tạo trẻ cho những kỹ sư tương lai ngành công nghệ
Sáng 10/7, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Workshop Khởi Động 2025 – Ngày hội thông tin chính thức mở màn cho hai sân chơi sáng tạo lớn nhất trong năm học: Sáng tạo trẻ và Sáng tạo xanh. Không đơn thuần là một sự kiện định hướng, 

Workshop Khởi Động 2025 – Ngày hội thông tin đã trở thành nơi truyền cảm hứng mạnh mẽ, nơi sinh viên Bách khoa nhìn thấy chính mình trong những hình mẫu thành công – những người từng bắt đầu từ một ý tưởng nhỏ nơi phòng thí nghiệm, để rồi từng bước hiện thực hóa thành những sản phẩm công nghệ có giá trị ứng dụng cao.
Workshop Khởi Động 2025 – Ngày hội thông tin thu hút đông đảo sự tham gia của sinh viên
Trong không khí sôi nổi của buổi workshop, hàng trăm sinh viên đến từ các trường, khoa, viện đã lắng nghe những câu chuyện từ chính những người đi trước. Không phải là những diễn giả "xa lạ", mà là những đàn anh, đàn chị từng ngồi chung giảng đường, trải qua các kỳ thi, bài tập, đồ án và giờ đây đang chạm tay đến ước mơ công nghệ của mình.

Hai câu chuyện truyền cảm hứng đặc biệt trong chương trình chính là chia sẻ từ đội DNA Mechatronics – quán quân Sáng tạo trẻ 2024, và CEO Trần Văn Lực – quán quân Sáng tạo trẻ 2023. Cả hai đại diện cho hai ngành học mũi nhọn tại Đại học Bách khoa Hà Nội: Cơ điện tử và Khoa học máy tính – những ngành học luôn nằm trong nhóm có điểm chuẩn cao, thu hút đông đảo thí sinh đăng ký mỗi mùa tuyển sinh.

Cơ điện tử và hành trình làm chủ công nghệ

Đội DNA Mechatronics gồm các bạn sinh viên năm ba, ngành Cơ điện tử, Trường Cơ khí, đã giành chiến thắng thuyết phục tại cuộc thi Sáng tạo trẻ 2024 với dự án “Hệ thống điều khiển cơ khí thông minh trong sản xuất tự động”. Điều đáng nói là toàn bộ quá trình nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm sản phẩm của nhóm đều được thực hiện trong các phòng thí nghiệm tại trường.
Đại diện thành viên của đội DNA Mechatronics chia sẻ hành trình dự thi
“Chúng tôi bắt đầu từ một môn học về điều khiển tự động, rồi nảy ra ý tưởng cải tiến một hệ thống trong xưởng. Từ đó, cả nhóm lên kế hoạch thiết kế, tích hợp cảm biến, lập trình vi điều khiển, rồi chế tạo mẫu thử,” – một thành viên của đội chia sẻ.

Ngành Cơ điện tử là một ngành học tích hợp giữa cơ khí, điện – điện tử và công nghệ thông tin. Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn được thực hành trực tiếp tại các phòng lab đạt chuẩn quốc tế, được hướng dẫn bởi các giảng viên là chuyên gia đầu ngành, từng tham gia nhiều dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Với 300 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025, ngành Cơ điện tử tiếp tục là một trong những lựa chọn hàng đầu của những học sinh yêu thích kỹ thuật, đam mê sáng tạo và mong muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thông minh, robot, ô tô điện hay nhà máy số.

Khi Khoa học máy tính không chỉ là phần mềm

Nếu DNA Mechatronics mang đến hình ảnh của những cỗ máy thông minh, thì câu chuyện của CEO Trần Văn Lực, sinh viên năm tư ngành Khoa học máy tính, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, lại là một minh chứng rõ ràng cho khả năng “đọc vị” trạng thái con người bằng công nghệ.

Dự án đạt giải quán quân Sáng tạo trẻ 2023 của Văn Lực là một thiết bị cảnh báo mất tập trung khi lái xe bằng sóng não – ý tưởng nghe có vẻ “viễn tưởng” nhưng đã được nhóm hiện thực hóa thành mô hình hoàn chỉnh, sẵn sàng bước vào giai đoạn thương mại hóa.

“Bọn mình sử dụng hệ thống EEG để thu tín hiệu sóng não, sau đó xử lý bằng thuật toán AI. Khi phát hiện người lái mất tập trung hoặc buồn ngủ, thiết bị sẽ phát ra cảnh báo tức thời. Đây là sản phẩm có thể tích hợp vào hệ thống xe thông minh trong tương lai,” – Văn Lực chia sẻ.

Lực cho biết, chính nhờ được học tập bài bản về hệ thống nhúng, xử lý tín hiệu, trí tuệ nhân tạo và thiết kế phần cứng, cậu cùng các cộng sự mới có thể phát triển được một sản phẩm mang tính liên ngành như vậy. Không chỉ học lý thuyết, sinh viên ngành Khoa học máy tính tại Bách khoa Hà Nội được tiếp cận rất sớm với các phòng lab chuyên sâu, được thử nghiệm dự án cá nhân, nghiên cứu nhóm và có thầy cô luôn đồng hành.
CEO Trần Văn Lực chia sẻ kinh nghiệm khi làm dự án 
“Bách khoa Hà Nội không chỉ dạy chúng tôi code, mà dạy cách tạo ra giải pháp thực sự. Chúng tôi được phép thử – sai – làm lại, có đủ không gian để sáng tạo mà không sợ thất bại,” – Văn Lực nhấn mạnh.

Ngành Khoa học máy tính tại Đại học Bách khoa Hà Nội hướng tới đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, có khả năng áp dụng thành thạo kiến thức cơ sở và chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề nghiệp vững vàng, cùng tư duy sáng tạo để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, sinh viên còn được phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu nhằm thích ứng với sự thay đổi không ngừng của khoa học – công nghệ hiện đại. 

Với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 là 300 sinh viên, đây là một trong những ngành học thu hút đông đảo thí sinh, thường xuyên nằm trong nhóm có điểm chuẩn cao toàn Đại học. Cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp rất rộng mở, từ kỹ sư phần mềm, chuyên gia trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kỹ sư hệ thống nhúng đến nhà sáng lập các startup công nghệ. 

Hai câu chuyện nhưng cùng chung một tinh thần. Cả nhóm DNA Mechatronics và CEO Trần Văn Lực đều là hiện thân của hình mẫu sinh viên kỹ thuật thế hệ mới tại Bách khoa: vững vàng về chuyên môn, chủ động học tập, giàu tư duy đổi mới và có khả năng hội nhập toàn cầu.

Không phải ngẫu nhiên mà Đại học Bách khoa Hà Nội được xem là “cái nôi” khởi nguồn của nhiều dự án công nghệ lớn, từ các startup cho đến những sáng chế đạt giải quốc tế. Bách khoa Hà Nội sở hữu hơn 100 phòng thí nghiệm hiện đại, các trung tâm nghiên cứu – sáng chế mở, và đặc biệt là mạng lưới doanh nghiệp hợp tác sâu rộng, giúp sinh viên có điều kiện thử nghiệm, tiếp cận thực tế và phát triển sản phẩm ngay từ khi còn học năm 2, năm 3.

Không chỉ đào tạo kỹ sư trình độ cao, Bách khoa Hà Nội còn chú trọng rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện, làm việc nhóm, quản lý dự án và giao tiếp chuyên nghiệp – những yếu tố nền tảng để sinh viên phát triển toàn diện và thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Bách khoa kiến tạo môi trường cho sinh viên sáng tạo với sự dẫn dắt của các giảng viên, chuyên gia xuất sắc, như thông điệp: “Nhà trường làm nền tảng – Người thầy là động lực, là chủ thể phát triển – Người học là trung tâm.” Sinh viên được rèn luyện cả chuyên môn lẫn kỹ năng tư duy phản biện, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề – những năng lực thiết yếu của kỹ sư toàn cầu.

Tác giá: Đinh Thu Trang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây