PGS. Nguyễn Văn Liễn và con trai, PGS. Nguyễn Tùng Lâm, từng cùng làm việc tại bộ môn Tự động hóa, nay là Khoa Tự động hóa, Trường Điện – Điện tử. “Ở Bách khoa Hà Nội, chúng tôi vừa là người thân, vừa là thầy trò, vừa là đồng nghiệp”.
Nghề giáo cũng rất… hay ho
“Tôi vẫn nhớ hồi đó ngồi học ở Bách khoa oai lắm”, cựu sinh viên K12 Khoa Điện nhớ về những ngày ông bắt đầu vào trường. Bách khoa Hà Nội thời ấy đã là đại học có tiếng bởi đây là trường kỹ thuật đầu tiên ở Việt Nam, lại có khuôn viện đẹp và rộng nhất nhì nước.
Năm 1967, Bách khoa Hà Nội sơ tán lên Lạng Sơn trong 2 năm. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của thầy Liễn là ngày nhập trường. Sinh viên các khóa phải đi tàu lên Đồng Đăng, rồi đi bộ vào khu sơ tán. Các tân sinh viên khóa đặc biệt này phải ngồi nhờ xe tải của một đơn vị bộ đội để vào khu.
Thầy Liễn nghĩ lại, “hồi đó thanh niên, tôi không coi những khó khăn vật chất là gì”. Mùa gió lạnh, sinh viên nào đến trước kiếm củi đốt khói mù mịt trong lớp học. Giảng viên và sinh viên cùng chịu rét trong giảng đường tự xây từ tre nứa.
Năm 1972, khi ông sắp ra trường, Mỹ vẫn đang ném bom miền Bắc. Là một trong hai sinh viên giỏi nhất lớp, ông được mời về làm giảng viên tại Trường. Không có nhiều người chọn theo nghề sư phạm khi ấy, bởi mức lương làm việc ngoài công nghiệp cao hơn nhiều, đặc biệt trong thời kỳ đất nước đổi mới.
Nhiều khó khăn, nhưng ông thấy nghề phấn bảng “cũng rất hay ho”. Sau này ngẫm lại, ông nhận ra dạy học đối với ông còn hơn một nghề. Nó giúp định hình cả tính cách và nhân sinh quan người thầy: “Con người khi ở một vị trí quá lâu sẽ dễ bị trì trệ. Nhưng môi trường đại học rất khác.”
PGS. Liễn cho rằng, người thầy năng động hơn vì luôn tiếp xúc và đối thoại với nhiều lứa sinh viên trẻ. Bên cạnh đó, giảng viên cần phải cập nhật kiến thức để làm tốt công việc của mình. Vì vậy, bản thân cũng được thường xuyên trau dồi và làm mới.
Điều quan trọng là, làm việc trong trường đại học không cho phép người giảng viên tham nhũng hay sa ngã vào cám dỗ ngoài xã hội. “Đó là cái may. Ở Bách khoa, giảng viên sống với sinh viên hay với đồng nghiệp đều rất trung thực”, ông khảng khái nói.
Sau này, ông cũng định hướng cho con trai học tại Trường. Trong thời gian học đại học, anh Lâm từng học một môn của bố. “Ngày trước, sinh viên nào nhìn thấy thầy cũng sợ. Tôi cũng không nằm ngoài số đó”, anh Lâm cười kể lại.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Lâm muốn tiếp tục làm nghiên cứu sinh. PGS. Liễn đồng hành cùng con trai trong quá trình nộp học bổng chính phủ và học cao học. “Những việc gì mình tin con làm được, mình cố gắng vun vén cùng con.”
Môi trường học tập ở Bách khoa rất nghiêm túc và áp lực. Ông vẫn thường nói với các nghiên cứu sinh: Nếu đã tốt nghiệp Bách khoa, chắc chắn em sẽ làm được tiến sỹ.
Nhiều sinh viên cũ của ông ở lại nước ngoài sau khi đi du học. Thỉnh thoảng, có cậu học trò lâu năm về thăm thầy vẫn khiến ông xúc động bởi sự chỉn chu, chững chạc trong phong thái, nghề nghiệp.
“Bách khoa Hà Nội đào tạo cẩn thận, không nửa vời, tạo nền tảng vững chắc cho sinh viên”, đó là lý do tất cả sinh viên Bách khoa học cao học tại nước ngoài đều hoàn thành thuận lợi và thành công.
Bách khoa Hà Nội là sợi dây gắn kết gia đình
Gia đình của PGS. Tùng Lâm có 3 đời gắn bó với Bách khoa Hà Nội. Ông ngoại của anh Lâm, thầy Trần Văn Tảo cũng từng giữ chức Phó Chủ nhiệm Khoa Điện tại Bách khoa Hà Nội.
Nhờ Bách khoa Hà Nội, đại gia đình có thêm nhiều điểm chung để chia sẻ và gắn bó. Những cuộc trò chuyện ít khi nhắc về công việc, mà phần lớn xoay quanh những câu chuyện, con người bình dị ở Bách khoa.
PGS. Nguyễn Văn Liễn rất ít khi đưa góp ý về công việc vì quan điểm của ông là phải ở trong môi trường đó mới có cái nhìn đúng đắn và toàn diện. “Về công tác của anh ý, tôi nghĩ là tốt”, thầy khiêm tốn chia sẻ, ánh mắt không giấu được niềm tin tưởng và tự hào.
Trước kia, các giảng viên chỉ cho sinh viên năm 3 – năm 4 được tham gia các nhóm nghiên cứu. Nhưng hiện nay, các giảng viên trẻ như PGS. Lâm nhận sinh viên vào nhóm làm việc từ năm 2.
“Tôi thấy phương pháp này hiệu quả hơn thời chúng tôi”, PGS. Liễn đánh giá cao công tác tổ chức nhóm nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu hay xin tài trợ học bổng cho nghiên cứu sinh. “Cách làm việc này tiệm cận với phong cách của các nước phát triển”.
Bố là người đi trước và cũng là nguồn cảm hứng của anh Lâm trên con đường theo đuổi nghề giáo. Từ bé, anh đã quá quen thuộc với những hình ảnh người thầy giáo tỉ mỉ chỉ dạy cho sinh viên mọi lúc, mọi nơi.
“Tính cách của tôi và bố rất khác: Một người trầm tính – Một người sôi nổi. Nhưng có một điểm rất giống nhau, đó là sự tận tâm hết mình với sinh viên”, PGS. Lâm chia sẻ.
Đây cũng là điều khiến PGS. Liễn tự hào ở con trai. Ông đánh giá con trai mình có tác phong tỉ mỉ, trung thực, và rất gần gũi với sinh viên. Nghề gì cũng cần sự cẩn thận, nhưng làm thầy giáo phải cẩn thận đến mức cầu toàn.
Món quà ý nghĩa nhất nghề giáo
PGS. Nguyễn Văn Liễn nhận định, nếu coi Bách khoa Hà Nội là một con người, đây chắc hẳn sẽ là người chỉn chu trong đào tạo và cẩn trọng trong nghiên cứu. Bách khoa từ xưa đến nay thích dạy “nhiều”. Những giảng viên bị cắt số tín chỉ đều rất “khổ sở”, “phản ứng dữ dội” bởi mỗi môn học đều cần thời lượng nhất định để định hình và phát triển.
Thời ông còn công tác quản lý ở khoa và bộ môn, cứ 2 năm một lần, các giảng viên phải cập nhật giáo trình. Việc xây dựng chương trình đào tạo cẩn thận sẽ tạo nền tảng kiến thức vững chắc cho sinh viên.
PGS trẻ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng thay đổi lớn nhất của Trường trải qua khoảng thời gian dài phát triển là sự năng động, thể hiện trong việc chủ động thay đổi từ tuyển sinh đến tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học. “Năng động và chủ động nhưng Bách khoa luôn có sự bình tĩnh nhất định để không bị cuốn theo trào lưu nhất thời.”
Đối với các giảng viên, người học luôn là trung tâm của mọi quyết định, hoạt động. “Tôi yêu sinh viên lắm”, thầy Liễn nói. Một lớp học đến gần 80 người, ông có thể nhớ tên từng học viên. Sau mấy chục năm từ ngày tốt nghiệp, nhiều cựu sinh viên gặp lại thầy giáo cũ mà thấy xúc động vì vẫn được thầy nhớ tên.
Hai thầy giáo Bách khoa gần như không bỏ lỡ những dịp gặp gỡ cựu sinh viên vào các ngày quan trọng như Ngày Thành lập Trường 15/10 hay Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Có lẽ đối với mỗi giảng viên, chứng kiến học trò trưởng thành và thành đạt chính là món quà ấm áp và ý nghĩa nhất trong sự nghiệp trồng người.
Hà Kim. Ảnh: Duy Thành
Tác giả: Hà Kim
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn