Đánh giá 3 chương trình tiên tiến theo chuẩn AUN-QA hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Thứ ba - 19/04/2016 17:02

Báo cáo kết quả tự đánh giá 3 Chương trình tiên tiến (CTTT) năm học 2014-2015 gồm Cơ điện tử, KH&KT Vật liệu và Kỹ thuật Y Sinh; trao đổi những khó khăn tồn tại cần khắc phục trong quá trình triển khai đánh giá chất lượng và xây dựng kế hoạch cải tiến báo cáo tự đánh giá của các CTTT theo chuẩn AUN-QA là ba nội dung chính được các giảng viên, cán bộ đề cập đến trong buổi họp do Trung tâm Đảm bảo Chất lượng (TTĐBCL) tổ chức vào ngày 20/04/2016, tại phòng Hội thảo C1 – 222, Trường ĐHBK Hà Nội.

Chuẩn kiểm định chất lượng (KĐCL) AUN-QA đang là cái đích mà nhiều trường ĐH tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á hướng tới, không chỉ khẳng định chất lượng đào tạo và dần tiến tới là việc xây dựng văn hóa chất lượng của một trường ĐH hội nhập quốc tế. Quá trình đánh giá chất lượng theo chuẩn AUN-QA thường trải qua ba giai đoạn chính: tìm hiểu bộ tiêu chuẩn, tự đánh giá và đánh giá ngoài.

Thực hiện theo Đề án đào tạo CTTT ở một số trường ĐH ở Việt Nam giai đoạn 2008-2015 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Trường ĐHBK Hà Nội được giao 3 CTTT gồm: Cơ điện tử, KH&KT Vật liệu, Kỹ thuật Y sinh. Tính đến thời điểm hiện nay, Trường ĐHBK Hà Nội đã có 3 CTTT tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA năm học 2014-2015 tiến tới cải tiến sau tự đánh giá, đánh giá đồng cấp nhằm chuẩn bị tốt nhất cho đánh giá ngoài.

Theo báo cáo của PGS Nguyễn Tiến Dũng –Viện trưởng Viện Đào tạo Liên tục, kết quả tự đánh giá các CTTT lần lượt là: Cơ điện tử: 4,5/7 điểm; Khoa học và Kỹ thuật vật liệu: 4,7/7; Kỹ thuật Y sinh: 4,1/7 điểm. Với thang điểm này, có hai CTTT của Trường đạt chuẩn tốt (trên 4,5 điểm); trong đó chương trình Kỹ thuật Y sinh cần chú trọng cải thiện những mặt còn tồn tại để nâng cao chất lượng chương trình đào tạo hơn nữa trong thời gian tới.

Đại diện TTĐBCL đã đề cập đến những điểm mạnh, tiềm năng và những mặt cần cải tiến theo yêu cầu tiêu chuẩn AUN-QA của ba chương trình được đề xuất đánh giá ngoài. Báo cáo tự đánh giá của TTĐBCL đánh giá cao tính hội nhập quốc tế của các chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên, chất lượng sinh viên được đào tạo, tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm… Bên cạnh đó, nhiều đại biểu của các chương trình tham gia buổi họp đã thảo luận về những liên quan đến báo cáo tự đánh giá cần được cải tiến như: đảm bảo tiến độ hoàn thành, bổ sung minh chứng, tăng cường công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho sinh viên…

PGS Trần Văn Tớp phát biểu tại buổi làm việc

Theo PGS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội, việc lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN-QA nhằm giúp Trường biết chương trình đào tạo đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực. Do đó, các cán bộ quản lý, giảng viên kiêm nhiệm cần tập trung đầu tư thời gian cho hoạt động tự đánh giá chương trình của đơn vị mình, cần đưa ra các minh chứng rõ ràng cụ thể trong báo cáo tự đánh giá, phát hiện chương trình còn tồn tại những điểm gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN; đồng thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Dựa trên cơ sở cơ sở kết quả tự đánh giá các CTTT năm học 2014-2015, TS Lê Huy Tùng – Giám đốc TT ĐBCL đã kiến nghị, đề xuất kế hoạch cải tiến các báo cáo tự đánh giá của ba CTTT. Trong đó, Giám đốc nhấn mạnh đến những vấn đề chung còn tồn tại và biện pháp cải tiến trong 3 báo cáo tự đánh giá như: đưa chuẩn đầu ra cũng như bản mô tả các CTĐT lên trang web, cách thức kiểm tra đánh giá đạt chuẩn đầu ra, đóng góp của các môn học trong CTĐT vào chuẩn đầu ra cần rõ ràng; khảo sát các bên liên quan theo định kỳ để đảm bảo CTĐT luôn được rà soát, cập nhật cho phù hợp thực tế; khuyến khích SV làm việc theo nhóm và yêu cầu SV thuyết trình bằng tiếng Anh nhiều hơn; bổ sung minh chứng và đưa ra khung/thang điểm đánh giá chi tiết; đưa ra hệ thống khảo sát phản hồi từ các bên liên quan…

Theo kế hoạch, trước 20/05/2016 các Viện cần hoàn thành báo cáo tự đánh giá bổ sung; tháng 6/2016 phản biện và duyệt các báo cáo bổ sung; tháng 8 mời đánh giá đồng cấp, sau đó hoàn tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện trên cơ sở kết quả đánh giá đồng cấp và dịch sang tiếng Anh để tiến tới tháng 9/2016 Trường ĐHBK Hà Nội sẽ gửi hồ sơ cho AUN-QA để đánh giá ngoài. Dự kiến việc đánh giá ngoài sẽ tiến hành vào quý I năm 2017.

Với mục đích phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục ĐH trong khu vực ASEAN, năm 1995, Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (ASEAN University Network – AUN) đã được thành lập.

 

Nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng các trường ĐH trong khu vực, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục ĐH theo những tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN, gọi chung là AUN-QA (Quality Assurance). Bộ tiêu chuẩn AUN – QA bao gồm 15 tiêu chuẩn, 68 tiêu chí (1. Chuẩn đầu ra, 2. Bản mô tả chương trình, 3. Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo, 4. Chiến lược dạy và học, 5. Đánh giá người học, 6. Chất lượng đội ngũ giảng viên, 7. Chất lượng đội ngũ phục vụ, 8. Chất lượng người học; 9. Hoạt động tư vấn và hỗ trợ người học; 10. Trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, 11. Đảm bảo chất lượng quá trình dạy và học, 12. Hoạt động phát triển đội ngũ, 13. Ý kiến phản hồi của các bên liên quan, 14. Kết quả đầu ra, 15. Sự hài lòng của các bên liên quan).

 

Đây cũng là cách mà AUN nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các trường trong khu vực cũng như với các trường ĐH đối tác trên thế giới, từng bước góp phần nâng cao vị thế giáo dục ĐH của các nước Đông Nam Á, tiến tới hội nhập về chất lượng giáo dục với các nước tiên tiến trên thế giới.

Hoàng Anh
Ảnh: Kim Chi

Tác giả: TT TT & QHCC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây