Dự án SAHEP đồng hành cùng quá trình tự chủ của Bách khoa Hà Nội

Thứ hai - 18/04/2022 23:08

PGS. Huỳnh Quyết Thắng khẳng định dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học là nguồn lực tài chính mạnh hỗ trợ cho công cuộc tự chủ của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Ngân hàng thế giới (World Bank) cùng họp tổng kết cho Báo cáo giám sát dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) trong ngày 18-19/4.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định SAHEP là dự án rất quan trọng đối với Trường. Theo ông, dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho cán bộ, giảng viên và sinh viên Bách khoa Hà Nội.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng (trái), Hiệu trưởng nhà trường, tại Buổi tổng kết ngày 19/4. Ảnh: Duy Thành

Về nghiên cứu, nhiều nhóm nghiên cứu được xây dụng và phát triển trong các lĩnh vực robot và thiết bị thông minh, hệ thống năng lượng thông minh và vật liệu tiên tiến.

Về đào tạo, các chương trình đào tạo được thường xuyên cập nhật và điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của người học và xã hội. Các chương trình mới cũng được xây dựng.

Từ năm 2021 đến nay, 6 chương trình được kiểm định bởi Mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) và Ủy ban văn bằng kỹ sư Pháp (CTI). Đồng thời, 11 chương trình đào tạo trong dự án SAHEP được dự kiến sẽ kiểm định trong năm nay.

Nhiều hình thức hỗ trợ người học được triển khai bao gồm thành lập Quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa, ban hành chính sách quản lý và trao học bổng, thành lập các bộ phận tư vấn tâm lý cho cán bộ và sinh viên...

Đoàn giám sát Ngân hàng thế giới tham quan công trường xây dựng tòa nhà C7. Ảnh: Duy Thành

Đặc biệt, dự án tập trung đầu tư cho cơ sở vật chất và các thiết bị đào tạo và nghiên cứu. Khi công trình hoàn thành cuối năm nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có một toà nhà mới (tòa nhà C7), 15 phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu cho các lĩnh vực Điện, Điện tử, Cơ điện tử và Khoa học vật liệu, những lĩnh vực thế mạnh của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hiện nay.

Công trình xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị Tòa nhà C7 với tổng diện tích xây dựng gần 35.000 m2 được chính thức khởi công ngày 23/3/2021. Theo đánh giá chung, chất lượng công trình thi công đảm bảo chất lượng theo đúng thiết kế đã được phê duyệt và tiêu chuẩn hiện hành.

Đoàn giám sát Ngân hàng thế giới tham quan Phòng thí nghiệm trường Điện-Điện tử. Ảnh: Duy Thành

Trong quá trình thi công, công tác an toàn lao động và phòng chống cháy nổ được đảm bảo. Một lối đi riêng ra vào khu công trình nằm trên đường Trần Đại Nghĩa được bố trí để việc thi công không ảnh hưởng đến quá trình hoạt động đào tạo của Trường.

Tuy nhiên, dịch bệnh phức tạp và kéo dài cùng chiến tranh tại Ukraina đã ảnh hưởng đến nhân sự, vật tư và tiến độ thi công nhìn chung. Với sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường, Ngân hàng thế giới và các Bộ ban ngành, cùng sự nỗ lực của các nhà thầu, bất chấp các khó khăn về nhân lực và vật lực, công trình đang được theo dõi triển khai và cố gắng hoàn thiện trong năm nay.

Về năng lực quản lý, các hoạt động đào tạo ngắn hạn được tổ chức định kỳ cho cán bộ nhà trường. Trong năm 2021, Bách khoa Hà Nội ra mắt Hệ thống Quản trị đại học trực tuyến eHUST, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong đại học.

Ngân hàng thế giới đánh giá cao Báo cáo về An toàn môi trường – Xã hội của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong giai đoạn vừa qua. Ông Micheal Drabble, Chuyên gia Giáo dục cao cấp của Ngân hàng thế giới, khẳng định sự minh bạch và rõ ràng giữa hai bên là điều cần thiết để hai bên cùng thành công.

Dự án thành phần tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có tổng mức đầu tư 50 triệu đô-la Mỹ, với thời gian thực hiện từ 2018 đến 2022.

Ông Micheal Drabble cho biết, “SAHEP sẽ đồng hành cùng sự phát triển của Bách khoa Hà Nội thông qua các hoạt động đầu tư vào cơ sở vật chất, phòng học, giảng đường và phòng thí nghiệm. Những trang thiết bị mới cho sinh viên và giảng viên được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy và học. Đây là ưu tiên hàng đầu của Bách khoa Hà Nội cũng như của SAHEP.”

Mới đây, nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử và nhóm ngành Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo của Bách khoa Hà Nội được đánh giá tốt nhất Việt Nam và xếp vào nhóm 301-350 tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng đại học thế giới QS theo nhóm ngành năm 2022. Cũng trong bảng xếp hạng, nhóm ngành Khoa học Vật liệu lần đầu tiên được xếp hạng nhưng đã chiếm vị trí cao nhất trong số các trường đại học tại Việt Nam, nằm trong nhóm 401-410 thế giới.

Đây đều là những nhóm ngành trọng điểm và được ưu tiên trong dự án SAHEP. PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho rằng đây là những minh chứng cho hướng đi đúng đắn của trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời gian qua.

CCPR

Tác giả: Hà Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây