Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 21/04/2023 07:30
Đây là chia sẻ của PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội – trước gần 400 cán bộ Nhà trường về phương châm hành động của cán bộ, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn tới tại Hội nghị tập huấn công tác Đảng - Chính quyền - Công đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023, tổ chức sáng nay (21/4/2023) tại Đà Nẵng.
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh Bách khoa Hà Nội có những bước tiến quan trọng trong quá trình tái cấu trúc. Ngày 2/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký QĐ số 1512/QĐ-TTg chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày 17/3/2023, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn công bố Quyết định chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời trao các Quyết định công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch Hội đồng đại học, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.
Cùng 3 Trường: Cơ khí, Điện – Điện tử, CNTT&TT thành lập tháng 10/2021, ngày 29/3/2023, Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đã ra Nghị quyết thành lập 2 trường mới là Trường Hóa và Khoa học sự sống và Trường Vật liệu. 5 trường, 5 lĩnh vực mũi nhọn nghiên cứu sẽ đẩy mạnh hơn nữa năng lực nghiên cứu, năng lực giảng dạy của giảng viên, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội
Đây là mốc dấu quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội, thực hiện xây dựng mô hình tổ chức quản trị đại học.
3 chân kiềng phát triển bền vững
Tại Hội nghị, PGS. Huỳnh Quyết Thắng chỉ rõ 3 chân kiềng để Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thứ nhất, PGS. Huỳnh Quyết Thắng khẳng định Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục phát triển bền bỉ, bền vững, chất lượng các hoạt động đào tạo, NCKH, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo; Trong đó, công tác đào tạo đặt chất lượng và quy chuẩn lên hàng đầu. Nhà trường sẽ tiếp tục đồng hành với các đơn vị để thực hiện rà soát chương trình đào tạo, tìm giải pháp để phát triển nghiên cứu tốt hơn, cân nhắc vai trò của 3 trung tâm và 2 viện nghiên cứu hiện nay tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Hướng đi đột phá của Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời gian tới sẽ đến từ hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Hợp tác doanh nghiệp để đưa những ứng dụng, những nghiên cứu có hàm lượng chất xám cao của Bách khoa Hà Nội vào thẳng thực tế cuộc sống. Hợp tác doanh nghiệp tốt hơn sẽ nâng thêm tiếng vang đã, đang và sẽ có về thương hiệu Đại học Bách khoa Hà Nội. Hợp tác quốc tế là cơ hội để học hỏi những bí quyết, định hướng, công nghệ mới mà có thể đưa vào ở Việt Nam; nâng cao năng lực nội hàm của chính người Bách khoa (ngoại ngữ, cách làm việc…). Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng như hiện nay, những kinh nghiệm quốc tế sẽ rất tốt cho Đại học Bách khoa Hà Nội” - PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhận định.
Thứ hai, trong giai đoạn từ 2023-2025, Đại học Bách khoa Hà Nội được góp mặt trong các chỉ đạo của Chính phủ đã được thể hiện bằng các Nghị quyết:
1) Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nội dung Nghị quyết chỉ rõ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước. Theo đó, vai trò của Đại học Bách khoa Hà Nội rất cần thiết, cần bám sát một trong những nhiệm vụ của Nghị quyết 29.
2) Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một trong những nội dung của Nghị quyết chỉ rõ Đại học Bách khoa Hà Nội và ĐHQG Hà Nội là 2 cơ sở giáo dục ĐH được đầu tư tập trung, trọng điểm, chú trọng nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, tập trung đào tạo chất lượng cao cho vùng và cả nước. Nghị quyết số 30 đã chỉ rõ vai trò rất quan trọng của Đại học Bách khoa Hà Nội, ĐHQG HN với phát triển đồng bằng sông Hồng.
3) Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một trong những nội dung của Nghị quyết số 14 “đặt hàng”: Giai đoạn 2023-2025, phải xây dựng Đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhóm các cơ sở Giáo dục Đại học hàng đầu châu Á trình Chính phủ phê duyệt. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Vào thời điểm hiện tại, chúng ta đã “đặt được một chân” vào trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ. Đây là một cơ hội rất lớn cho Đại học Bách khoa Hà Nội. Mỗi người Bách khoa chúng ta phải nghĩ lớn, làm lớn và nghĩ chúng ta làm được, chúng ta kết nối với các đồng nghiệp ở các trường khác để thực hiện trách nhiệm với đất nước. Đó cũng là cách nghĩ của tập thể lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội hôm nay” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ quyết tâm.
Thứ ba, các tham luận trình bày tại hội nghị, các đóng góp ý kiến, để xuất… của lãnh đạo, cán bộ các Trường/phòng đều khẳng định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt với triết lý Một Bách khoa. PGS. Huỳnh Quyết Thắng khẳng định: Công việc ở trong Nhà trường đã thành một hệ thống, rất cần các đơn vị có tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nhà trường sẽ tối ưu quy trình đó thành một hệ thống chung để đảm bảo quy trình đó được tối ưu, hiệu quả nhất, làm sao để đảm bảo tính chất Một Bách khoa nhưng phát huy được tính năng động, sáng tạo của từng bộ phận. Đây cũng là phương châm hành động của chúng ta trong giai đoạn tới.
Lãnh đạo Đại học Bách khoa bày tỏ sự vui mừng khi 3 Hội nghị tập huấn Đảng – Chính quyền – Công đoàn gần đây, những nội dung chia sẻ kinh nghiệm, tham luận trình bày của lần tập huấn sau vẫn theo mạch của lần tập huấn trước, theo mạch của đường hướng phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2025, đảm bảo nhìn thấy một sự tăng trưởng rất tốt của từng người, từng đơn vị cụ thể, đảm bảo Đại học Bách khoa Hà Nội đang phát triển.
Hình dung việc quy hoạch chỗ làm việc các đơn vị và quy hoạch các lĩnh vực nghiên cứu
Tại Hội nghị, PGS. Trần Ngọc Khiêm – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội – đã trình bày tham luận: Định hướng sắp xếp chỗ làm việc các đơn vị trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Tham luận phân tích thực trạng về diện tích, vị trí làm việc hiện tại, những hạn chế… của các Trường, phòng/ban… từ đó đưa ra đề xuất vị trí của các đơn vị: Trường Cơ khí và Trường Điện – Điện tử: C7; Trường CNTT&TT: B1; Trường Hóa và Khoa học sự sống: C4+C4-5 C3+C3-4; Trường Vật liệu: C5, C10, C5-10; Phòng thí nghiệmVLĐC, Viện VLKT, Viện ngoại ngữ, Viện Toán ứng dụng -Tin học, Viện Sư phạm kỹ thuật, Khoa lý luận chính trị: Khu nhà C; Khối phòng, ban: C1.
Còn GS. Huỳnh Trung Hải – Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu – trình bày tham luận: Quy hoạch các lĩnh vực nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ những kết quả trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội, những căn cứ về Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, chiến lược, đề xuất quy hoạch các lĩnh vực nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội, tham luận đưa ra những nét chính trong kế hoạch Quy hoạch các lĩnh vực nghiên cứu của Bách khoa Hà Nội với 5 kết luận:
Quy hoạch nguồn lực để phát triển KHCN & ĐMST theo các lĩnh vực ưu tiên;
Nghiên cứu và phát triển công nghệ và sản phẩm theo chuỗi giá trị;
Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp mà cụ thể là hợp phần ươm tạo và hình thành doanh nghiệp;
Gắn kết chặt chẽ với các đối tác chiến lược;
Khai thác lợi thế được Đảng và Chính phủ quan tâm.
Bài học kinh nghiệm từ các Trường thuộc sau gần 2 năm hoạt động
Tại Hội nghị, Hiệu trưởng 3 Trường: Cơ khí, CNTT&TT, Điện – Điện tử đã có 3 báo cáo tham luận về những kinh nghiệm khi triển khai các hoạt động trong trường mới. Đây là những bài học kinh nghiệm quý báu cho các trường đã và sắp thành lập tham khảo, học hỏi trong quá trình triển khai hoạt động tại đơn vị mình.
PGS. Trương Hoành Sơn – Hiệu trưởng Trường Cơ khí trình bày tham luận “Sắp xếp sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của Trường Cơ khí”. Lãnh đạo Trường Cơ khí đã phân tích đặc điểm nhân lực; Đặc thù chuyên môn; Thực trạng sử dụng nhân lực khi thành lập Trường Cơ khí, từ đó đưa ra phương án sắp xếp sử dụng nhân lực về: Cơ cấu tổ chức, cán bộ kỹ thuật, cán bộ giảng dạy, cán bộ hành chính, bố trí nhân lực đảm bảo hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Đây là những bài học kinh nghiệm quý giá của Trường Cơ khí sau gần 2 năm thành lập, đã đảm bảo khối lượng giờ làm cho cán bộ giảng viên trong trường theo đúng qui định, giúp Trường Cơ khí đã đi vào hoạt động ổn định theo đúng mục đích của đề án thành lập, nâng cao hiệu quả kinh tế.
PGS. Tạ Hải Tùng – Hiệu trưởng Trường CNTT&TT chia sẻ kinh nghiệm từ Trường CNTT&TT về việc thích ứng với mô hình quản trị mới. Quan điểm chủ đạo trong điều hành chung của Trường CNTT&TT là: Tự chủ là cơ hội, không phải thách thức; Quốc tế hóa là mặc định, không phải là một lựa chọn; Đổi mới sáng tạo là nhu cầu để phát triển - duy trì sức cạnh tranh, không phải yêu cầu.
Trình bày cụ thể về các nội dung quản trị trong đào tạo, nghiên cứu, hợp tác đối ngoại, PGS. Tạ Hải Tùng nhận định mô hình quản trị mới có ưu điểm: Linh hoạt; Tối ưu nguồn lực nội bộ; Tạo không gian phát triển mới.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Trường CNTT cho rằng các điểm cần tháo gỡ là: Hoàn thiện mô hình tự chủ của Đại học, đặc biệt chú trọng phân định các nội dung phân cấp giữa Đại học và các Trường thuộc; Tạo cơ chế “sandbox” (cơ chế thử nghiệm) cho các mô hình mới, đặc biệt trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; Hoàn thiện mô hình đánh giá chất lượng công việc (KPI).
PGS. Nguyễn Hữu Thanh – Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử - chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch nhóm chuyên môn được thực hiện tại Trường trong gần 2 năm vừa qua. Từ phân tích thực trạng, ban lãnh đạo Trường Điện – Điện tử đã đặt ra các vấn đề về vai trò, thực hiện, điều phối các hoạt động của nhóm chuyên môn…, cùng đó, xây dựng các mục tiêu quy hoạch, nguyên tắc quy hoạch, xây dựng các thành viên của nhóm chuyên môn.
Kết quả là có 43 nhóm chuyên môn được quy hoạch, trong đó: Trường Điện – Điện tử quản lý 4 nhóm chung; Khoa Điện tử quản lý 11 nhóm; Khoa KT Truyền thông quản lý 10 nhóm; Khoa Điện quản lý 10 nhóm; Khoa Tự động hóa quản lý 8 nhóm; Các nhóm chuyên môn có trưởng nhóm; Nhóm Nhập môn và Kỹ năng do Trường cử ra một thành viên BGH làm điều phối viên. Trường Điện – Điện tử đã ban hành quy trình ISO liên quan đến hoạt động của nhóm chuyên môn.
Hiện còn một số khó khăn, tồn tại, như: Nhóm chuyên môn không phải là đơn vị hành chính, các nhiệm vụ hành chính được phân công trực tiếp từ Khoa (quy mô lớn hơn BM) dẫn tới giảm gắn kết giữa các thành viên trong nhóm chuyên môn trong quá trình hoạt động; Mối liên hệ bổ trợ giữa các nhóm chuyên môn và các giám đốc chương trình đào tạo chưa rõ ràng; Các chế tài/động lực chưa đủ mạnh để các nhóm chuyên môn chủ động và tập trung vào phát triển, cập nhật chuyên môn (bài giảng, giáo trình, phương pháp giảng dạy, …)
Lãnh đạo các Trường/Viện/Phòng phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Đục lỗ trần nhà!
Hội nghị đã lắng nghe những ý kiến đóng rất tâm huyết của các thầy nguyên lãnh đạo Nhà trường, lãnh đạo các Trường/Viện/Phòng/Ban về các hoạt động của Nhà trường với mong muốn Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ ngày càng phát triển. Đáng chú ý là chia sẻ của GS. Nguyễn Trọng Giảng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ kinh nghiệm nhiều năm quản lý của mình, thầy ví von: “Cơ chế là cái trần nhà, khi nhà đã xây lên rồi thì trần cứ thế thôi. Nếu chạm trần mà không có sáng kiến nào đó để đề xuất thì có thể lớn nhưng sẽ dị dạng. Nếu có đủ điều kiện để thuyết phục thì chúng ta được xin làm thí điểm, có thể “đục lỗ” (trần nhà) để tồn tại được. Tôi luôn suy nghĩ về chuyện “đục lỗ” này, và Bách khoa Hà Nội chúng ta đã “đục lỗ” nhiều lần rồi!”