68 năm Bách khoa Hà Nội với sứ mệnh tiên phong trong đào tạo nhân lực kỹ thuật công nghệ Việt Nam

Thứ hai - 14/10/2024 21:00
68 năm Bách khoa Hà Nội với sứ mệnh tiên phong trong đào tạo nhân lực kỹ thuật công nghệ Việt Nam
Một ngày mùa Thu 15/10/1956, 850 sinh viên chính quy trong 14 ngành học thuộc 4 liên khoa: Cơ - Điện, Mỏ - Luyện kim, Xây dựng, Hóa - Thực phẩm của Bách khoa Hà Nội khai giảng khóa đầu tiên (K1). Từ đó đến nay, trong suốt 68 năm xây dựng và phát triển nhà trường, Đảng và Nhà nước luôn giao Đại học Bách khoa Hà Nội sứ mệnh tiên phong về đào tạo nhân lực kỹ thuật công nghệ, góp phần phát triển GD-ĐT và KH-CN, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
 
Lịch sử Bách khoa Hà Nội: 5 điều đặc biệt
 
Mỗi ngôi trường đều có lịch sử riêng, với Bách khoa Hà Nội, có 5 điều đặc biệt trong lịch sử của Nhà trường:
 
1. Bách khoa Hà Nội là trường ĐH kỹ thuật chuyên nghiệp đầu tiên của cả nước; Hiệu trưởng đầu tiên của Nhà trường là một Thiếu tướng QĐNDVN, một nhà khoa học kiệt xuất, một kỹ sư chuyên về chế tạo vũ khí! Đó chính là Giáo sư Trần Đại Nghĩa.
 
2. Bách khoa Hà Nội vinh dự 3 lần được đón Bác Hồ về thăm vào các năm 1958, 1960 và 1962. Bách khoa Hà Nội cũng là trường đại học đầu tiên trong cả nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới vào năm 2000. 
 
Bác Hồ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu đón Hồ Chủ tịch và Chủ tịch Hatsi Lzi (Albani) thăm Đại học Bách khoa Hà Nội
Ghi nhớ những lời căn dặn ân cần của Bác Hồ kính yêu, thầy trò Nhà trường không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH và đã ghi danh Trường trên bản đồ giáo dục đại học thế giới. Không chỉ trang bị cho sinh viên kiến thức văn hóa, kỹ năng mềm mà Nhà trường rất chú trọng đến việc giáo dục truyền thống cho sinh viên.  

3. Đại học Bách khoa Hà Nội được “tặng muộn” danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang vào năm 2006. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi về thăm Trường vào năm 2006 đã nói lẽ ra Đại học Bách khoa Hà Nội đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang từ lâu rồi, nhưng bây giờ mới phong tặng nên mới gọi là “tặng muộn”! 

Trong suốt cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước (1954 - 1975), theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, gần 3.000 cán bộ và sinh viên Bách khoa đã lần lượt lên đường nhập ngũ. Đảng và Nhà nước đã phong tặng 859 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 8 người là cán bộ và sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau ngày thống nhất, những người lính lại trở về giảng đường, thầy giáo tiếp tục giảng dạy, sinh viên tiếp tục đi học. Không ít người mang thương tật và di chứng của chiến tranh. 
 
20240512 TSP 0230
Tượng đài “Cán bộ và sinh viên xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc” tại Quảng trường C2, Đại học Bách khoa Hà Nội
Để ghi nhớ những đóng góp của các thế hệ cán bộ và sinh viên lên đường nhập ngũ vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, và Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh đã quyết định xây tượng đài “Cán bộ và sinh viên xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc” tại quảng trường C2 vào đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thành lập Trường năm 2006. Tại tượng đài, Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên Đại học tổ chức lễ chào cờ hàng tuần, giáo dục các tân sinh viên về truyền thống của Nhà trường, truyền thống của sinh viên Việt Nam và sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
 
4. Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều thế hệ “người Bách khoa” đã dùng kiến thức, trí tuệ và công nghệ để góp phần giải quyết những vấn đề rất thực tế. Nhà trường đã nghiên cứu và thực hiện thành công nhiều đề tài quan trọng phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, điển hình là đề tài rà phá bom từ trường do đế quốc Mỹ thả xuống cảng Hải Phòng; đề tài phục hồi 4 hệ thống thông tin vi ba của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. 

Đánh giá về những đóng góp quan trọng của các cán bộ, giảng viên, sinh viên Bách khoa Hà Nội trong công cuộc bảo vệ đất nước, Đại tá Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân - khẳng định: “Gần 3.000 cán bộ và sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã tham gia các quân, binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có Quân chủng Phòng không - Không quân. Những người lính đã mang theo “Trí tuệ Bách khoa” vào trong các trận chiến đấu khốc liệt với các công trình khoa học như: “Vạch nhiễu tìm thù” – Bắn rơi pháo đài bay B52; “Chọc mù mắt hung thần AC130”; “Vô hiệu hóa tên lửa Sơrai”…, chiến đấu anh dũng, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.
 
20201214 dsc 6456
Các thế hệ sinh viên Bách khoa xếp bút nghiên lên đường chiến đấu tề tựu về ngôi trường xưa
Trong công cuộc xây dựng đất nước, cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cũng góp phần giải quyết những trăn trở, những thách thức lớn của đất nước. “Người Bách khoa” tham gia hầu hết các công trình trọng điểm hàng đầu của đất nước điển hình như: Đường dây 500KV Bắc - Nam, Thủy điện Hòa Bình, Nhiệt điện Phả Lại. 

5. Trong quá trình hình thành và phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, Bách khoa Hà Nội là nơi cung cấp nguồn nhân lực “xương sống” cho nhiều trường đại học kỹ thuật trên cả nước, tiêu biểu như các Trường: ĐH Xây dựng Hà Nội và ĐH Mỏ - Địa chất được thành lập trên cơ sở 2 khoa Xây dựng và Mỏ - Địa chất; ĐH Công nghiệp nhẹ được thành lập trên cơ sở các bộ môn Dệt và Thực phẩm của Trường. Sau thống nhất đất nước 1975, để duy trì và phát triển các trường đại học kỹ thuật của miền Nam, Bách khoa Hà Nội lại tiếp tục cung cấp cán bộ khung cho ĐH Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Thủ Đức và ĐH Tây Nguyên. 

Là sinh viên Khóa 1 của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), GS.TSKH Bùi Văn Ga – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhớ lại: “Các thầy Bách khoa Hà Nội đi nhặt, đi xin linh kiện của phương tiện, khí tài chiến tranh ở các vựa phế liệu, sau đó về lắp ráp nên những modul, mô hình thí nghiệm đầu tiên, giúp sinh viên chúng tôi có điều kiện thực hành. Câu chuyện đó thật đáng trân trọng!”. Phần lớn sinh viên Khóa 1 của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) được gửi ra Trường ĐH Bách khoa Hà Nội gần 4 tháng để thực tập cuối khóa và làm đồ án tốt nghiệp. 
 
Còn rất nhiều, rất nhiều những điều tự hào khác về lịch sử của Đại học Bách khoa Hà Nội, để càng tìm hiểu những trang sử hào hùng của Nhà trường, càng thêm trân trọng, biết ơn, tự hào truyền thống Bách khoa. 
 
Người Bách khoa “Trách nhiệm, Sáng tạo, Chính trực, Xuất sắc”
 
Sau 68 năm xây dựng và trưởng thành, Đại học Bách khoa Hà Nội có hơn 1.750 cán bộ viên chức, tỷ lệ cán bộ giảng dạy trong toàn đại học có trình độ TS hiện chiếm 75,5% (tỷ lệ trung bình của Việt Nam là 31,12%, năm 2021), tỷ lệ cán bộ giảng dạy có học hàm GS, PGS chiếm 24,6% (tỷ lệ trung bình của Việt Nam là 7,1%, năm 2021). 

Từ 850 sinh viên khóa 1 đến con số gấp 10 lần ở các khóa 68 và 69, cho đến nay Bách khoa Hà Nội đã đào tạo được hơn 200.000 kỹ sư, cử nhân và hơn 20.000 thạc sĩ, tiến sĩ phục vụ trong hầu hết các ngành, các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước. Người Bách khoa tỏa đi khắp muôn nơi để đóng góp cho xây dựng và phát triển Tổ quốc Việt Nam. 
 
20240511 TSP 9631
Niềm vui mừng, tự hào của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ngày tốt nghiệp
Rất nhiều cán bộ, sinh viên Bách khoa đã trở thành các nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước; các chuyên gia, các nhà khoa học danh tiếng; lãnh đạo của các công ty, tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước; các doanh nhân, những Startup nổi tiếng, tiêu biểu như các đồng chí: Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ…; nhiều thế hệ lãnh đạo các tập đoàn như Viettel, FPT, VNPT, EVN, PVN… đều là cựu sinh viên Bách khoa; các CEO, các nhà sáng lập của các doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng như các ông: Vương Quang Khải - Zalo, Hùng Trần - Got It, Nguyễn Tử Quảng - BKAV hay Nguyễn Hà Đông - Flappy Bird...
 
Ở khắp mọi miền Tổ quốc đều có thể bắt gặp cộng đồng người Bách khoa với tinh thần đoàn kết, chia sẻ, kết nối, tương trợ lẫn nhau. Người Bách khoa luôn tự hào về truyền thống lịch sử của Nhà trường. Cho dù bất kể ở cương vị nào, họ luôn làm việc chăm chỉ, luôn cống hiến hết mình. Người Bách khoa đã tạo ra một văn hóa của riêng mình, một giá trị cốt lõi mà không dễ lẫn với những nơi khác. 
 
Niềm tự hào của người Bách khoa chính là các phẩm chất ưu tú, khiêm nhường, thế hệ nối tiếp thế hệ. Những cán bộ, giảng viên, sinh viên Bách khoa là “gạch nối” giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, để thế hệ giảng viên, sinh viên Bách khoa Hà Nội hôm nay luôn tâm niệm gìn giữ và phát huy bốn tính cách đặc trưng, giá trị cốt lõi của người Bách khoa: “Trách nhiệm, Sáng tạo, Chính trực, Xuất sắc”!
 
Xây dựng Đại học Bách khoa Hà Nội ngang tầm khu vực và quốc tế
 
Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đang có một vị thế và vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. 
 
20230317 DSC 4398
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT trao các quyết định công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 trong Lễ công bố quyết định chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội (3/2023)
Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học được đầu tư tập trung, trọng điểm, chú trọng nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, tập trung đào tạo chất lượng cao cho vùng và cả nước”.   
 
Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 08/02/2023 của Chính phủ cũng đã nêu rõ: “Giai đoạn 2023-2025, phải xây dựng Đề án phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á trình Chính phủ phê duyệt”. 
 
Như vậy Đảng và Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2030 - 2035 phải có sự phát triển vượt bậc, phải phát triển đột phá, để nằm trong top các trường đại học hàng đầu của châu Á! Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn với thầy trò Nhà trường!
 
z4189753980365 3e1b9b216d2457b0b96baf5396ed73e9
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn làm việc của Bộ tham quan PTN nhà máy số thông minh của Trường Cơ khí, ĐHBK Hà Nội (3/2023) 
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, tập thể lãnh đạo và cán bộ viên chức toàn trường đã thống nhất 3 quan điểm phát triển:
 
Thứ nhất, “Một Bách khoa Hà Nội”: Thống nhất trong đa dạng, phù hợp chủ trương, chính sách, chiến lược của Đảng và Chính phủ; Đảm bảo cơ hội phát triển, phát huy tối đa các thế mạnh và hiệu quả, nâng cao tính tự chủ, trách nhiệm giải trình cho tất cả các đơn vị trong Đại học Bách khoa Hà Nội; Luôn tiên phong trong đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vào phát triển kinh tế - xã  dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô Hà Nội, Tổ quốc Việt Nam.
 
Thứ hai, Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học là trung tâm: Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới về đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Là nơi hội tụ và thu hút học giả xuất sắc trong nước và quốc tế đến nghiên cứu và làm việc, tập trung mọi điều kiện tốt nhất cho người thầy được khai phóng tiềm năng, phát huy trí tuệ và năng lực sáng tạo tri thức; Thu hút sinh viên ưu tú đến học tập và phát triển tài năng; Người học được sáng tạo, được phát huy năng lực, được phát triển.
 
Thứ ba, Vun đắp, phát huy giá trị truyền thống và danh tiếng của Đại học Bách khoa Hà Nội và “người Bách khoa”: Gìn giữ và phát triển danh tiếng và uy tín của Đại học Bách khoa Hà , luôn giữ truyền thống văn hóa Việt Nam và bản sắc dân tộc; Xây dựng cộng đồng gắn kết và lan tỏa, chia sẻ giá trị “người Bách khoa”, Đại học Bách khoa Hà Nội; Luôn cải tiến và đổi mới để nâng tầm vị thế và tạo ảnh hưởng về tri thức tới sự phát triển của xã hội và đất nước; Lấy kỹ thuật công  làm nòng cốt và tác động quan trọng vào đổi mới, thúc đẩy phát triển giáo dục đại học Việt Nam.

Với 3 quan điểm phát triển như vậy, Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang thực hiện đúng chủ trương trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, cũng đã được chỉ rõ trong Thư gửi đầu năm học 2024 - 2025 của đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước: “GD-ĐT cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
Với vị thế hiện nay và bề dày thành tựu đã có, đặc biệt là sự quan tâm và kì vọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, tin tưởng rằng, trong tương lai, với những gì đã đạt được, với tiềm lực khoa học, đội ngũ nhà giáo hùng hậu, chắc chắn Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có những phát triển mạnh mẽ và đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và sự nghiệp khoa học - công nghệ của đất nước, xứng đáng với tên gọi ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI.
 
BÁCH KHOA HÀ NỘI: NGƯỜI HỌC THÀNH CÔNG, NGƯỜI THẦY TỎA SÁNG
 
“Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển mạnh mẽ, phát triển đột phá, phấn đấu nằm trong nhóm các trường đại học hàng đầu của châu Á là nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, là khát vọng, tâm huyết của tất cả các thế hệ người Bách khoa!

Chúng ta đều có chung mong muốn, sinh viên Bách khoa có thể cạnh tranh việc làm một cách “sòng phẳng” với sinh viên của các trường đại học hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Mỗi thầy cô của chúng ta có thể làm việc “sòng phẳng” trong các nhóm nghiên cứu, các dự án đào tạo và nghiên cứu quốc tế, Đại học Bách khoa Hà Nội của chúng ta có môi trường làm việc hiện đại, xanh và số!

Nhà trường đang xây dựng các nhóm giải pháp để thực hiện: Vì thành công của người học Đại học Bách khoa Hà Nội - Để người thầy Đại học Bách khoa Hà Nội tỏa sáng - Để Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện tốt trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm quốc gia, trách nhiệm khu vực và thế giới.

Mới đây, ngày 1/10, Đại học Bách khoa Hà Nội đã khánh thành Văn phòng Đổi mới sáng tạo (BK Smart - Tech Center) tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trước sự chứng kiến và chúc mừng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. 

 
20241001 CBO 3838
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ/ban/ngành và lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội - thực hiện nghi thức khánh thành Văn phòng ĐMST Bách khoa
Việc xây dựng một văn phòng ĐMST tại NIC Hòa Lạc  – “thủ phủ” phát triển 9 ngành công nghệ mũi nhọn ưu tiên hàng đầu Việt Nam – có thể coi là một cơ hội lớn của Bách khoa Hà Nội trong quá trình vươn ra biển lớn. 

Hiện 6 đơn vị nghiên cứu của Bách khoa Hà Nội đã được giao những nhiệm vụ quan trọng, đồng hành để phát triển mạnh mẽ các sản phẩm ứng dụng, bám sát nghiên cứu các lĩnh vực trọng điểm. Các thầy cô giáo Bách khoa Hà Nội được tỏa sáng qua mỗi nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Thành tích khoa học của thầy cô là động lực NCKH cho sinh viên, truyền cảm hứng cho các em học tập, rèn luyện, nghiên cứu, đạt được thành công trong tương lai. 

Đại học Bách khoa Hà Nội - ngôi trường “Vì thành công của người học”, “Để người thầy tỏa sáng” là 2 chương trình hành động đặc biệt quan trọng, cốt lõi và xương sống cho sự phát triển của Nhà trường.”

 
PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội

Trung tâm Truyền thông và Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây