Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ năm - 03/04/2025 02:13
Đoàn chuyên gia AUN-QA chụp ảnh cùng Ban Giám đốc và lãnh đạo, giảng viên các đơn vị Đại học Bách khoa Hà Nội tại phiên khai mạc
Từ ngày 1-3/4, đoàn chuyên gia đánh giá chất lượng giáo dục thuộc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN - ASEAN University Network) đã tiến hành kiểm định 4 chương trình đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đây là đợt đánh giá thứ 443 của AUN, triển khai dựa trên bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN (ASEAN University Network - Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA), phiên bản mới 4.0. Đoàn đánh giá của AUN gồm 9 chuyên gia từ Singapore, Philippines, Thái Lan, Malaysia, do GS. Wyona C. Patalinghug làm Trưởng đoàn.
Về phía Đại học Bách khoa Hà Nội, chủ trì triển khai hoạt động đánh giá ngoài là PGS. Trần Ngọc Khiêm - Phó Giám đốc Đại học. PGS. Trần Ngọc Khiêm (giữa) nồng hậu chào đón 9 chuyên gia AUN-QABách khoa Hà Nội tin tưởng đồng hành cùng AUN-QA
Phấn đấu trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á theo Quyết định số 663/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/3/2025, Đại học Bách khoa Hà Nội luôn đề cao công tác đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh kiểm định chương trình đào tạo nhằm tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng trong toàn Đại học.
Từ năm 2015, Đại học Bách khoa Hà Nội đã trở thành thành viên liên kết của AUN-QA. Đến nay, AUN-QA đã đánh giá 24 chương trình đào tạo đại học và 2 chương trình đào tạo thạc sĩ của Bách khoa Hà Nội.
Các chương trình đào tạo được đánh giá ngoài lần này gồm: Kỹ thuật điện, Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa thuộc Trường Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí động lực, Chương trình tiên tiến Kỹ thuật Ô tô thuộc Trường Cơ khí.
“AUN-QA là đối tác tin cậy, giúp Nhà trường củng cố hệ thống đảm bảo chất lượng và nâng cao các tiêu chuẩn giáo dục.” - PGS. Trần Ngọc Khiêm bày tỏ trân trọng mối quan hệ đối tác với AUN tại phiên khai mạc. PGS. Trần Ngọc Khiêm - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội
Đối với Bách khoa Hà Nội kiểm định không chỉ đơn thuần là việc đạt được chứng nhận, quan trọng hơn, đó là cơ hội để nâng cao chất lượng dựa trên các khuyến nghị của đoàn đánh giá, thực hiện chính sách chất lượng, đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa và hội nhập vào hệ thống giáo dục toàn cầu. Đó là lý do Nhà trường luôn lựa chọn các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín như AUN-QA.
Để chuẩn bị cho hoạt động đánh giá ngoài, các chương trình đào tạo đã thành lập nhóm cán bộ chuyên trách thực hiện báo cáo tự đánh giá (Self-Assessment Report - SAR). Các nhóm SAR đã nghiên cứu bộ tiêu chuẩn AUN-QA, chuẩn bị hồ sơ nộp cho hội đồng AUN-QA, thúc đẩy công tác đánh giá ngoài diễn ra thuận lợi.
Trong 3 ngày làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội, 4 nhóm đánh giá viên phụ trách 4 chương trình đào tạo đã làm việc với lãnh đạo Trường Cơ khí, Trường Điện - Điện tử, đội ngũ SAR, đại diện các bên liên quan; tham quan cơ sở vật chất, thực hiện công tác kiểm tra các báo cáo tự đánh giá.
Đoàn công tác AUN-QA tham quan, đánh giá cơ sở vật chất Đại học Bách khoa Hà Nội
Các chương trình đào tạo được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA gồm các tiêu chí đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của toàn diện như: chuẩn đầu ra; khung chương trình; đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất; kết nối giữa nhà trường, sinh viên, với doanh nghiệp.
Chuyên gia AUN-QA: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực nâng tầm chất lượng của Bách khoa Hà Nội!”
Trong khuôn khổ phiên khai mạc, đoàn chuyên gia quốc tế AUN-QA bày tỏ trân trọng đối với sự đón tiếp nồng hậu từ Đại học Bách khoa Hà Nội, ghi nhận những nỗ lực của Nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế như CTI, ASIIN và AUN-QA.
GS. Eddy Chong Siong Choy – Đại diện đoàn đánh giá AUN-QA nhấn mạnh công tác kiểm định đóng vai trò quan trọng, không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn góp phần tạo ra một thế hệ sinh viên có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế: “Nâng cao chất lượng giáo dục là một hành trình không ngừng nghỉ. Chỉ khi không ngừng đổi mới và hoàn thiện, chúng ta mới có thể đảm bảo một nền giáo dục vững mạnh cho thế hệ tương lai.”
Việc kiểm định các chương trình đào tạo đảm bảo cho sinh viên được học tập trong môi trường không ngừng được nâng cao chất lượng.
Chứng nhận kiểm định AUN giúp khẳng định chất lượng đầu ra của chương trình, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên. Đạt chuẩn AUN-QA còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi tín chỉ giữa các trường đại học thành viên AUN, thúc đẩy hoạt động trao đổi sinh viên và giảng viên. Nhà tuyển dụng cũng có thể dựa vào kết quả kiểm định để tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. GS. Eddy Chong Siong Choy - Thành viên đoàn đánh giá AUN-QA
Trong các phiên trao đổi, đại diện AUN-QA cũng giới thiệu một số nội dung sẽ được triển khai trong năm 2025 nhằm hỗ trợ các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á cải thiện chất lượng đào tạo như: Sáng kiến đảm bảo chất lượng nội bộ (Internal Quality Assurnace - IQA) - mô hình giúp các cơ sở giáo dục thiết lập hoặc nâng cấp hệ thống đảm bảo chất lượng của mình thông qua bộ công cụ chuyên sâu; Đẩy mạnh hoạt động đánh giá cấp cơ sở giáo dục dự kiến thực hiện khoảng 5 đợt đánh giá cơ sở, giúp các cơ sở giáo dục đại học có thêm cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo và công tác quản trị;...
Khép lại đợt đánh giá, các chuyên gia AUN-QA đã trình bày kết quả đánh giá sơ bộ với lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện 4 chương trình đào tạo và đại diện các đơn vị chức năng.
Điểm mạnh của các chương trình là: Cấu trúc chương trình cân bằng giữa các học phần đại cương, học phần chuyên ngành và đồ án tốt nghiệp; Phương pháp giảng dạy đa dạng, tạo điều kiện cho sinh viên học tập chủ động học tập thông qua dự án, nghiên cứu, thực tập; Đội ngũ giảng viên chất lượng cao; Chương trình có uy tín trong nước và quốc tế, tạo điều kiện hợp tác với doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài; Tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp cao và ổn định qua các năm;...
Đội ngũ AUN-QA đưa ra một số kiến nghị: Nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên; Cân nhắc ứng dụng AI vào đào tạo; Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo và thực tập; Phát triển phương pháp đo lường trực tiếp và gián tiếp mức độ đạt chuẩn đầu ra của sinh viên;... Đoàn chuyên gia AUN-QA chụp ảnh cùng đại diện Ban Giám đốc và lãnh đạo, giảng viên các đơn vị Đại học Bách khoa Hà Nội tại phiên bế mạc
Tổng kết đợt đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn AUN-QA tháng 4/2025, GS. Eddy Chong Siong Choy và PGS. Trần Ngọc Khiêm cùng bày tỏ kỳ vọng hai bên tiếp tục duy trì trao đổi, thảo luận để gia tăng chất lượng cho các chương trình đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội, tiếp tới đạt chứng nhận AUN-QA.