Khép lại kỳ Hội nghị IEEE ICCE thành công, khai mở nhiều cánh cửa hợp tác tiềm năng!

Chủ nhật - 04/08/2024 22:00
Khép lại kỳ Hội nghị IEEE ICCE thành công, khai mở nhiều cánh cửa hợp tác tiềm năng!
Sau 3 ngày làm việc sôi nổi, Hội nghị Quốc tế lần thứ 10 về Truyền thông và Điện tử (IEEE ICCE) đã kết thúc, đánh dấu một sự kiện thành công trên tinh thần cầu thị, trao đổi những kết quả nghiên cứu tiên tiến nhất giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia và doanh nghiệp từ nhiều quốc gia trên thế giới. 

Từ 31/7 đến 2/8/2024, Hội nghị Quốc tế lần thứ 10 về Truyền thông và Điện tử năm 2024 (IEEE ICCE 2024) đã diễn ra tại Đà Nẵng. Hội nghị IEEE ICCE 2024 do Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức. 

Hội nghị cũng nhận được sự quan tâm của nhiều trường đại học trong nước như: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học VinUni. 
 
DSC07559
Đội ngũ cán bộ giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong BTC IEEE ICCE 2024
Hội nghị lần đầu diễn ra vào năm 2006, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ đó đến nay, IEEE ICCE được duy trì tổ chức mỗi 2 năm và đã trải qua 10 kỳ thành công. 

Hội nghị này nằm trong danh mục các hội nghị được tính điểm của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước.

Kim chỉ nam cho Đại học Bách khoa Hà Nội trên con đường hội nhập quốc tế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, Đồng Chủ tịch Danh dự Hội nghị Quốc tế lần thứ 10 về Truyền thông và Điện tử năm 2024 - nhấn mạnh IEEE ICCE đã trở thành một diễn đàn quốc tế mở uy tín cho giới học thuật trong và ngoài nước cũng như đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp. 
 
DSC07094
PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, Đồng Chủ tịch Danh dự Hội nghị Quốc tế lần thứ 10 về Truyền thông và Điện tử
Theo Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, các chủ đề được thảo luận trong IEEE ICCE 2024 là tấm gương phản chiếu những mục tiêu phát triển của Nhà trường hiện tại và trong tương lai. 

“Chúng tôi kỳ vọng thông qua Hội nghị sẽ nâng cao năng lực để ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục quốc tế và yêu cầu nhân lực cho các ngành công nghiệp. Đích đến của Đại học Bách khoa Hà Nội là trở thành một địa chỉ hấp dẫn, tin cậy cho các đối tác phát triển công nghệ và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho rằng việc học hỏi từ những kết quả nghiên cứu chất lượng trong Hội nghị góp phần giúp Đại học Bách khoa Hà Nội phát huy vai trò hiệu quả trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa quốc gia, là kim chỉ nam cho Nhà trường trên con đường hội nhập quốc tế.

Không chỉ tác động tích cực đến các đơn vị tổ chức như Đại học Bách khoa Hà Nội, ảnh hưởng từ những kết quả nghiên cứu trong Hội nghị cũng được đánh giá cao bởi các đối tác tham gia.

Đại diện các đơn vị tài trợ chính của Hội nghị năm nay, Tổng Giám đốc Samsung R&D Việt Nam (SRV) Suk Jiwon khẳng định: “Hội nghị IEEE ICCE đã trở thành một sân chơi tuyệt vời để thảo luận, chia sẻ ý tưởng sáng tạo và khám phá các giải pháp đột phá của ngành Điện tử - Truyền thông. Sự hiện diện của các chuyên gia hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới mang đến nhiều góc nhìn và hiểu biết đa dạng, thúc đẩy chúng ta tiến lên trong hành trình khám phá và tiến bộ công nghệ chung.”
 
z5694084246668 3c7757854936a86d84a4706ea3752dfb (2)
Tổng Giám đốc Samsung R&D Việt Nam (SRV) Suk Jiwon – phát biểu tại Hội nghị
IEEE ICCE 2024: Bước phát triển về CHẤT

Sự kiện năm nay được bảo trợ kỹ thuật bởi Hội Kỹ sư Điện và Điện tử Việt NamHiệp hội kỹ sự Điện – Điện tử Hoa kỳ (IEEE) bảo trợ kỹ thuật; được Hội kỹ sư Điện – Điện tử Việt Nam bảo trợ kỹ thuật và tài chính; ngoài ra Hội nghị còn được và tài trợ bởi các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như: Samsung, ASIC Technologies, Vingroup Innovation Foundation, Tektronix, VNPT Technology,... 

Tại IEEE ICCE 2024, VNPT Technology và Tektronix đã đem tới 2 gian hàng triển làm những sản phẩm tiên tiến nhất của doanh nghiệp, gây ấn tượng mạnh với người tham gia.

Năm nay, các chủ đề thảo luận chính xoay quanh: Mạng và hệ thống truyền thông; Xử lý tín hiệu và ứng dụng; Kỹ thuật siêu cao tần; Hệ thống điện tử ứng dụng; Điện tử công suất. Các bài phát biểu trong 4 chủ đề thảo luận này là công trình nghiên cứu đầy giá trị của những nhà khoa học đầu ngành: 

•    Bài trình bày “Bộ công cụ và nền tảng thử nghiệm 6G mới nổi để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển 6G cho tất cả mọi người” của GS. Thomas Magedanz (Trường Đại học Kỹ thuật Berlin, Đức): Phác thảo tình hình quốc tế hiện tại trong việc xây dựng các nền tảng thử nghiệm cho 6G và sáng kiến về cơ sở hạ tầng nghiên cứu, bộ công cụ mới (OpenRIT 6G) phục vụ phát triển nền tảng 6G đa lĩnh vực, cho tất cả mọi người. 

•    Bài trình bày “Điều biến thần kinh qua trung gian siêu âm” từ PGS. Hyunjoo Jenny Lee (Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc - KAIST, Hàn Quốc): Giới thiệu những công cụ y sinh khám phá các cơ chế cơ bản của kích thích não bằng siêu âm và phát triển một phương tiện điều trị hiệu quả cho các bệnh lý não, trước hết là bệnh thoái hoá não. 

•    Bài trình bày “Sự thay đổi mô hình trong thiết kế hệ thống nhận dạng hoạt động của con người bằng cảm biến radar” của GS. Matthias Pätzold (Trường Đại học Agder, Na Uy): Phân tích việc giao tiếp giữa máy và não người - nhận dạng hoạt động của con người bằng các kỹ thuật cảm biến radar. Đi từ sự lan truyền sóng khi có hoạt động của con người đến các kỹ thuật xử lý, phân tích tín hiệu tần số hiện đại và các phương pháp học máy và học sâu. 

•    Bài trình bày “Vượt qua rào cản kỹ thuật để đạt doanh thu 1.000 tỷ đô la trong ngành bán dẫn: Từ vật liệu đến hệ thống” của TS. Nguyễn Thị Bích Yến (Nghiên cứu viên cao cấp quản lý phát triển công nghệ toàn cầu tại Tập đoàn Soitec) và TS. Christophe Maleville (Giám đốc Công nghệ Soitec Innovation): Chia sẻ lộ trình chiến lược bắt đầu từ những tiến bộ trong các vật liệu mới như vật liệu kênh có độ di động cao, kỹ thuật nền và chất bán dẫn 2D. Bài trình bày cũng nhấn mạnh những nỗ lực hợp tác cần thiết với các nhà khoa học vật liệu, kỹ sư quy trình/tích hợp, nhà thiết kế thiết bị và nhà thiết kế hệ thống để hiện thực hóa tiềm năng doanh thu chưa từng có hướng tới doanh thu nghìn tỷ đô la.

Đáng chú ý là phiên thảo luận bàn tròn với chủ đề "Xu hướng tương lai của thiết bị và hệ thống bán dẫn: Tầm nhìn toàn cầu và Việt Nam" được tổ chức đặc biệt dành cho các giảng viên, nhà nghiên cứu trong nước thuộc lĩnh vực điện tử bán dẫn với các diễn giả là chuyên gia đầu ngành: TS. Nguyễn Thị Bích Yến - Nghiên cứu viên cao cấp quản lý phát triển công nghệ toàn cầu tại Tập đoàn Soitec; GS. Lê Hạnh Phúc - Đại học San Diego, Mỹ; Ông Nguyễn Phúc Vinh - Giám đốc Kỹ thuật cấp cao Synopsys Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành HSIA, Đồng sáng lập Cộng đồng Vi mạch Việt Nam.
 
z5694659932536 8b2baa4ae06d6bba49f30336274f8044
Từ trái sang: PGS. Nguyễn Đức Minh – Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội; Ông Nguyễn Phúc Vinh - Giám đốc Kỹ thuật cấp cao Synopsys Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành HSIA, Đồng sáng lập Cộng đồng Vi mạch Việt Nam; GS. Lê Hạnh Phúc - Đại học San Diego, Mỹ; TS. Nguyễn Thị Bích Yến - Nghiên cứu viên cao cấp quản lý phát triển công nghệ toàn cầu tại Tập đoàn Soitec
Trong 90 phút thảo luận, người tham dự đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chiến lược xây đựng chương trình đào tạo và nghiên cứu bán dẫn để có thể đáp ứng được chất lượng, số lượng mong đợi của Chính phủ đồng thời phải phù hợp với xu thế phát triển của nền công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong bối cảnh Việt Nam hiện nay có nguồn nhân lực giảng viên còn mỏng. 

Phiên thảo luận diễn ra trong không khí thân mật với những câu hỏi và chia sẻ thẳng thắn, hữu ích và mang tính xây dựng, tập trung vào 3 nội dung chính: 

1. Hợp tác cùng phát triển nghiên cứu thiết kế một sản phẩm thuộc chiến lược quốc gia cho phép các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau có thể cùng kết hợp; 

2. Tập trung đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho công nghệ đóng gói tiên tiến (advanced packaging); 

3. Tận dụng cơ hội hiện nay không chỉ tại Việt Nam mà cả thế giới đang có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực bán dẫn. Tuy nhiên giảng viên và các nhà nghiên cứu cần ý thức được lĩnh vưc này là kết quả của sự đầu tư và nỗ lực trong một thời gian dài.

Kết quả ấn tượng về LƯỢNG

Hội nghị Quốc tế về Truyền thông và Điện tử 2024 ghi nhận 271 bài báo cáo của các tác giả đến từ 31 nước trên toàn thế giới. Con số này năng hơn 40% so với 193 báo cáo nhận được tại IEEE ICCE 2022. 

Với tỷ lệ chấp nhận xuất bản trong Kỷ yếu Hội nghị IEEE ICCE 2024 và lưu trữ tại Thư viện kỹ thuật số IEEE Xplore là 49%, Ban Tổ chức đã lựa chọn từ 271 báo cáo ra 133 bài đạt yêu cầu. So với 83 báo cáo được lựa chọn xuất bản trong Hội nghị lần thứ 9, dữ liệu này thể hiện mức độ tăng trưởng hơn 60%. Hội nghị cũng ghi nhận số lượng poster được chấp nhận là 29.

Bên cạnh đó, dữ liệu tổng kết Hội nghị năm nay còn nổi bật ở 40 phiên báo cáo trực tiếp tại các phòng hội thảo, 3 phiên trình bày poster và 7 giải “Best paper” – trong đó 3 giải lựa chọn từ các định hướng nghiên cứu chuyên sâu, 4 giải lựa chọn từ các định hướng nghiên cứu chính.

Năm nay, Hội nghị thu hút 213 người tham dự từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nổi bật là các đại biểu từ các nước châu Á có nền công nghiệp Điện tử - Truyền thông phát triển mạnh như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan,… Các đại biểu đều rất tích cực tham gia các hoạt động động trong Hội nghị.

Những con số biết nói không chỉ thể hiện sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực Điện tử - Truyền thông mà còn thể hiện bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng của IEEE ICCE qua 10 lần tổ chức.  

Khai mở nhiều cánh cửa hợp tác tiềm năng qua một kỳ Hội nghị thành công

Trao đổi với PGS. Nguyễn Hữu Thanh - Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội - ngay sau khi bế mạc IEEE ICCE 2024, đại diện BTC Hội nghị bày tỏ niềm vui mừng và tự hào khi sự kiện đã khép lại rực rỡ. Thành công đó được minh chứng qua những kết quả đạt được và sự ghi nhận, đánh giá cao từ bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, PGS. Nguyễn Hữu Thanh cho rằng một trong những thành quả nổi bật sau kỳ Hội nghị năm nay đó là khai mở nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng cho Trường Điện - Điện tử nói riêng và Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung. 

Đơn cử như bài trình bày về thiết kế vi mạch và chất bán dẫn đã khai thác những khía cạnh mới của một lĩnh vực có nhu cầu nhân sự “bùng nổ” trong những năm gần đây. Thông qua Hội nghị năm nay, PGS. Nguyễn Hữu Thanh đã trao đổi và lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia nước ngoài về định hướng đào tạo ngành này tại Đại học Bách khoa Hà Nội. 
 
DSC07187
PGS. Nguyễn Hữu Thanh - Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội
PGS. Nguyễn Hữu Thanh cho biết dự định trong thời gian tới Trường Điện - Điện tử sẽ phát triển chương trình đào tạo liên ngành mới về thiết kế vi mạch, đào tạo nguồn nhân lực đón đầu xu thế công nghệ lõi của rất nhiều công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo, big data...

“Thành công của IEEE ICCE 2024 đã góp phần mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế của Đại học Bách khoa Hà Nội. Những dấu ấn tích cực Hội nghị năm nay là tiền đề để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục tham gia IEEE ICCE trong các kỳ tiếp theo, cũng như hợp tác sâu hơn với Đại học Bách khoa Hà Nội về nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ,… trong tuơng lai.” - Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử bày tỏ. 

Bên cạnh hợp tác quốc tế, mạng lưới hợp tác trong nước của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng ngày càng được củng cố mạnh mẽ. Cú “bắt tay” của Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng giúp tận dụng các nguồn lực và vị trí các nhà khoa học cũng như mạng lưới hợp tác bên ngoài của cả 3 đơn vị.

Dưới góc nhìn tổng thể, sự tham gia và đóng góp của Đại học Bách khoa Hà Nội tại Hội nghị Quốc tế về Truyền thông và Điện tử 2024 với tâm thế một thành viên Ban Tổ chức chủ động, tích cực, có trách nhiệm đã cho thấy vai trò và vị thế quan trọng của Nhà trường, được các đối tác tôn trọng, đánh giá cao.
 
Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây