Ngày 21/4/2018, tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế cho Trường ĐHBK Hà Nội” đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 400 cán bộ, giảng viên, nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín cũng như thương hiệu của Trường trong khu vực và quốc tế. Căn cứ để đề xuất các giải pháp là phân tích các tiêu chí xếp hạng các trường đại học được các tổ chức quốc tế sử dụng.
Diễn giả của buổi tọa đàm là GS Nguyễn Hữu Đức – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu về chủ đề xếp hạng các trường đại học trên thế giới và tại Việt Nam.
Theo GS Đức, xếp hạng đại học có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài việc đánh giá được một số chỉ số cơ bản, đặc trưng của giáo dục đại học, các trường sẽ đối chiếu mình với cộng đồng trong nước và thế giới, nó còn xác nhận sự hiện diện của một trường đại học trong thực tại. Không những vậy, xếp hạng trường đại học còn giúp cho các trường định hướng sự phát triển, thực hiện đầy đủ các chức năng của mình; đồng thời là chỉ số để thực hiện giải trình và tạo niềm tin đối với cộng đồng.
GS Nguyễn Hữu Đức thuyết trình tại buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, GS Nguyễn Hữu Đức đã phân tích các chỉ số trong bảng xếp hạng các trường đại học châu Á (theo QS). Theo đó năm 2018, Trường ĐHBK Hà Nội là một trong 6 trường của Việt Nam thuộc tốp 250 trường trong bảng xếp hàng này cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng.
GS Đức cũng đã chỉ ra một trong những chỉ số xếp hạng mà các trường đại học Việt Nam bỏ qua là vấn đề xây dựng mạng lưới các nhà tuyển dụng và học giả - các đối tác chiến lược để hỗ trợ và hợp tác với các trường. Nguyên tắc chung của một bảng xếp hạng là chỉ đánh giá dựa trên số liệu 50% trọng số, 50% trọng số còn lại dành cho việc khảo sát ý kiến của cộng đồng. Để hỗ trợ điều này, các bảng xếp hạng thường đề nghị các trường cung cấp cơ sở dữ liệu về các nhà tuyển dụng và các nhà khoa học đối tác của trường để họ phát hành phiếu khảo sát trực tuyến. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có hai trường đại học quốc gia cung cấp số liệu này, còn các ĐH Huế, Đà Nẵng và Trường ĐHBK Hà Nội, ĐH Cần thơ… thì chưa cung cấp được.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đưa ra các dẫn chứng cụ thể so sánh các trường đại học của Việt Nam với các trường tốp đầu trong khu vực, để thấy được thế mạnh cũng như hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Từ đó, GS đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của giáo dục Việt Nam nói chung và một số gợi ý cho Trường ĐHBK Hà Nội nói riêng. Theo đó, giải pháp đầu tiên là việc xây dựng mạng lưới nhà tuyển dụng và học giả. Đây là giải pháp quan trọng, bởi thông qua việc trao đổi và tương tác, các trường đại học lấy được ý kiến đánh giá của nhà tuyển dụng về chất lượng đào tạo, từ đó có những thay đổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong nước và quốc tế; đồng thời có cơ sở dữ liệu, đáp ứng được tiêu chí đánh giá của bảng xếp hạng.
Thứ hai, cải thiện năng lực nghiên cứu thông qua việc tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ và tỉ lệ giảng viên/sinh viên; tăng số bài báo được xuất bản trên tạp chí SCopus, tăng số lượng bài báo được trích dẫn. Để làm được điều này, Nhà nước và các trường cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu sinh nghiên cứu, bởi đây chính là đội ngũ “sản xuất” ra bài báo khoa học, từ đó, nâng cao uy tín và thương hiệu của cơ sở đào tạo đó. Ngoài ra, vấn đề quốc tế hóa cũng được GS Nguyễn Hữu Đức đề cập. Cụ thể, các trường đại học nên có những chính sách thu hút giảng viên, sinh viên nước ngoài đến nghiên cứu và học tập tại trường…
Cũng trong khuôn khổ của buổi tọa đàm, các cán bộ, giảng viên của Trường ĐHBK Hà Nội đã cùng trao đổi, thảo luận về những đề xuất mà GS Đức đưa ra. Buổi tọa đàm đã gợi mở cho Trường ĐHBK Hà Nội những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và uy tín trong khu vực và trên trường quốc tế.
Trường ĐHBK Hà Nội trong các bảng xếp hạng
|
Vũ Thơm
Ảnh: Phạm Quang
Tác giả: Trần Ngọc Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn