Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ ba - 01/07/2025 20:00
Nhóm chuyên môn Kinh tế học, Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số với tốc độ phát triển chóng mặt, theo đó chuyển đổi số nổi lên như một xu thế tất yếu, một động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nắm bắt xu thế này, Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang có những nhà nghiên cứu nhiệt tâm, nỗ lực đóng góp công sức cho nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô, của đất nước.
Đại diện trong số đó là PGS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Giảng viên Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội và nhóm nghiên cứu đề tài cấp Bộ về chuyển đổi số “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam”.
Chuyển đổi số là nền tảng phát triển kinh tế số và xã hội số
Chuyển đổi số là quá trình ứng dụng dữ liệu và công nghệ để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống, kinh tế - xã hội. Từ góc nhìn phát triển, chuyển đổi số, dữ liệu, quản trị và kinh tế số vừa là nguồn lực, vừa là động lực thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất. Khi chuyển đổi số được triển khai thành công trên diện rộng, đó sẽ là nền tảng quan trọng để định hình một nền kinh tế bền vững, có năng lực cạnh tranh cao và khả năng thích ứng linh hoạt trong kỷ nguyên số.
Với doanh nghiệp, chuyển đổi số vừa mở ra những cơ hội tăng trưởng đáng kể, vừa đặt ra không ít thách thức. Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), lực lượng có vai trò quan trọng trong cấu trúc kinh tế nhưng lại hạn chế về nguồn lực tài chính, công nghệ và năng lực quản trị, là nhóm đối mặt với nhiều trở ngại rõ nét nhất trong quá trình chuyển đổi này.
Đại dịch COVID-19 là chất xúc tác, khiến vấn đề chuyển đổi số của DNNVV trở nên ngày càng cấp thiết. Khi chuỗi cung ứng đứt gãy, khi thị trường thay đổi chóng mặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải lựa chọn: Thích nghi hoặc bị bỏ lại.
Để tìm lời giải cho bài toán thích nghi của DNNVV, nhóm giảng viên Trường Kinh tế - Đại học Bách khoa Hà Nội, phối hợp cùng một số chuyên gia từ Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã triển khai đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam”.
“Trong quá trình nghiên cứu, thu thập dữ liệu, nhóm nghiên cứu nhận thức rõ chuyển đổi số không còn là khẩu hiệu, đó là chiếc phao cứu sinh của nhiều doanh nghiệp. Nhưng làm sao để doanh nghiệp tiếp cận chiếc phao ấy một cách đúng đắn và bền vững? Đó là câu hỏi nghiên cứu đầu tiên của nhóm chúng tôi.” - PGS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ chia sẻ. PGS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Giảng viên Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội Vượt rào cản nội tại doanh nghiệp và thách thức liên ngành
Khác với nhiều nghiên cứu dừng ở tầm khái quát, nhóm đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, từ Dệt may, Chế biến thực phẩm đến Logistics và Giáo dục. Ở mỗi ngành, mỗi mô hình doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi số lại mang một sắc thái riêng.
Giai đoạn đầu, nhóm tập trung đo lường mức độ sẵn sàng chuyển đổi số và hiệu quả của các yếu tố như: Chiến lược số, lựa chọn công nghệ, văn hóa tổ chức và năng lực quản trị sự thay đổi.
Về dài hạn, nhóm định hướng mở rộng tiếp cận theo hướng tích hợp các yếu tố ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội, Governance - Quản trị) vào lộ trình chuyển đổi, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu hơn với tiêu chuẩn toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Như thường thấy ở các nghiên cứu hướng ứng dụng, hành trình của thầy, cô giáo Bách khoa gặp không ít gập ghềnh.
Theo PGS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, thách thức lớn nhất là tiếp cận dữ liệu thực tế từ doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp còn dè dặt, e ngại khi chia sẻ thông tin, cũng có trường hợp không có thông tin để chia sẻ. Để giải quyết, nhóm đã phối hợp với các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương, triển khai khảo sát trực tiếp và cam kết bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt. PGS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ tại Hội thảo quốc tế ICECH năm 2022
Một khó khăn khác đến từ chính tính liên ngành của đề tài, gồm yếu tố: Kinh tế - Quản trị - Công nghệ - Chính sách. Thay vì “né khéo”, các thành viên đã chủ động kết nối với các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mở rộng góc nhìn và làm phong phú thêm kết quả nghiên cứu.
Với những nỗ lực bền bỉ và tinh thần làm việc nghiêm túc của tập thể nghiên cứu, đề tài đã “hái trái ngọt”, hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Kết quả nghiên cứu của nhóm không chỉ nằm trên giấy mà đã dần ứng dụng vận hành doanh nghiệp. Nhóm đã xây dựng cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số, tư vấn triển khai mô hình nhà máy thông minh và đề xuất một số khuyến nghị để hoàn thiện chính sách phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế số.
Khai mở nghiên cứu về “chuyển đổi kép” - Chìa khóa cho tăng trưởng bền vững
Chia sẻ về hướng phát triển tiếp theo, Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Thu Thuỷ “bật mí” mong muốn góp phần khai mở nghiên cứu về “chuyển đổi kép” - kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. “Đây là hướng đi chiến lược, giúp doanh nghiệp không chỉ tăng năng suất, mà còn phát triển bền vững và có trách nhiệm” - PGS. Thuỷ khẳng định.
Mặc dù không phải hướng nghiên cứu “đao to búa lớn”, nhưng đây lại là vấn đề gần gũi, nóng hổi, tác động đến một khu vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân và phù hợp với các định hướng phát triển vĩ mô.
Đặc biệt, Nghị quyết 57-NQ/ TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành đã mở ra không gian cho các nhà khoa học được sáng tạo, chủ động và dấn thân khi nhìn nhận đúng đặc thù của nghiên cứu là có rủi ro, có độ trễ và cần được khuyến khích bằng cơ chế minh bạch, linh hoạt.
Việc trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội - cả về tài chính, tổ chức và nhân sự - là một bước tiến đáng kể, giúp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thêm tin tưởng và yên tâm theo đuổi những hướng nghiên cứu dài hạn, có chiều sâu và tính ứng dụng cao.
Hướng nghiên cứu của các thầy, cô giáo Bách khoa về doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nằm trọn trong các ưu tiên chiến lược mà Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra. Trong giai đoạn mới, thuận lợi mới, tin chắc rằng những người Bách khoa tài năng sẽ có những công trình nghiên cứu giá trị hơn, thành công hơn; đồng hành cùng doanh nghiệp Việt viết nên hành trình số của riêng mình!
Phát huy tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, Trường Kinh tế nói riêng, Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung đã tăng cường sự kết nối giữa “bốn nhà”: Nhà trường, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và tổ chức khoa học công nghệ - đóng vai trò then chốt trong việc hình thành hệ sinh thái nghiên cứu thực tiễn, có tính liên ngành và gắn với nhu cầu của xã hội.