Trọn một ngày cùng vi mạch bán dẫn tại Bách khoa Hà Nội

Thứ tư - 17/04/2024 13:22
Ngày 17/4/2024, tại Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra hai hội thảo và tọa đàm về chủ đề vi mạch, bán dẫn. Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp này, Bách khoa Hà Nội góp phần tạo ra các diễn đàn để nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cùng tìm hiểu, thảo luận và chia sẻ những nghiên cứu về lĩnh vực này.

Hội thảo “Định hướng nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực phục vụ Công nghiệp Vi mạch bán dẫn Việt Nam”
 
Hội thảo “Định hướng nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực phục vụ Công nghiệp Vi mạch bán dẫn Việt Nam”
Sáng 17/4, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, cùng với Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức hội thảo “Định hướng nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực phục vụ Công nghiệp Vi mạch bán dẫn Việt Nam”. Hội thảo nhằm triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để đưa Việt Nam trở thành một trung tâm về thiết kế, dịch vụ thiết kế, đóng gói, kiểm thử và tham gia sâu vào các liên minh quốc gia sản xuất vi mạch bán dẫn.

Hội thảo được tổ chức với ba mục đích chính: Nhận diện về thực trạng và định hướng nghiên cứu phát triển công nghệ bán dẫn tại Việt Nam; Đánh giá nhu cầu nhân lực và định hướng đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam; Kết nối các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy, phát triển hoạt động khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bán dẫn.

Mở đầu hội thảo, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN, phát biểu: “BCT mong muốn nghe nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp về các định hướng nghiên cứu chính trong phát triển công nghệ sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Trong đó, chúng ta cần thảo luận để đề xuất các định hướng phát triển vi mạch bán dẫn trong từng công đoạn sản xuất, thiết kế, chế tạo, đóng gói, dùng thử, chuyển giao công nghệ, phân phối sáng tạo vi mạch bán dẫn, nghiên cứu phát triển các vi mạch bán dẫn và sản phẩm liên quan”.
 
Ông Huỳnh Thành Đạt (bìa trái), Bộ trưởng Bộ KH&CN, chủ trì Hội thảo ngày 17/4
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN bày tỏ kỳ vọng Hội thảo sẽ là nơi bàn về các giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ nền công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó tính đến sự đóng góp của nguồn nhân lực chất lượng cao từ các chuyên gia VIệt Nam và nước ngoài, cũng như các giải pháp kết nối các viện, trường, doanh nghiệp để hình thành hệ sinh thái trong lĩnh vực này.

Tại hội thảo, các nhà khoa học trình bày những tham luận liên quan đến vi mạch bán dẫn. Mở đầu là phần trình bày của PGS. Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, ĐHBK Hà Nội với tham luận “Định hướng phát triển công nghệ bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội”.

Cũng trong hội thảo, ông Nguyễn Cương Hoàng, Trưởng ban Công nghệ Bán dẫn, Tập đoàn Viettel trình bày về “Định hướng phát triển công nghệ bán dẫn tại Tập đoàn Viettel”; PGS. Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học quốc gia HCM, mang tới bài tham luận “Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam”; ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM có bài thuyết trình về “Nâng cao năng lực công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”.

Sau phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái kết luận: “Tôi tin tưởng rằng, cùng với sự chung tay của các nhà quản lý, các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học và công đồng doanh nghiệp, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm về thiết kế, dịch vụ thiết kế, đóng gói, kiểm thử và tham gia sâu vào các liên minh quốc gia sản xuất vi mạch bán dẫn sẽ trở thành hiện thực trong thời gian tới”.

 Tọa đàm INNOVACONNECT: Hệ thống bán dẫn tiên tiến cho thế giới bền vững
 
 Tọa đàm INNOVACONNECT với chủ đề Hệ thống bán dẫn tiên tiến cho thế giới bền vững
Chiều 17/4, Bách khoa Hà Nội phối hợp cùng Vin Future Prize tổ chức Tọa đàm INNOVACONNECT với chủ đề “Hệ thống bán dẫn tiên tiến cho thế giới bền vững” nhằm tạo ra một nền tảng để các diễn giả cùng chia sẻ kiến thức về bán dẫn, đồng thời kết nối những nhà khoa học trong và ngoài nước chung mối quan tâm đến lĩnh vực này.

Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chất bán dẫn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống. Chất bán dẫn cung cấp năng lượng cho điện thoại di động, thúc đẩy đổi mới về năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải, … Với sự phổ biến của chất bán dẫn, con người cần hướng tới bảo tồn sự bền vững và quản lý môi trường.
Hai GS Hàn Quốc tham gia Tọa đàm ngày 17/4
Nội dung buổi tọa đàm nhấn mạnh vào sự giao thoa quan trọng giữa công nghệ và tính bền vững. Trong quá trình thảo luận, các nhà khoa học đi sâu vào những đột phá mới nhất trong nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn để giải quyết một số thách thức cấp bách nhất mà con người đang phải đối mặt.

Là trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, với hơn 40.000 sinh viên và khoảng 1% sinh viên tài năng nhất cả nước. Sau hơn sáu thập kỷ hình thành và phát triển, Đại học Bách khoa Hà Nội đã khẳng định được vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực đào tạo khoa học, công nghệ và kỹ thuật tại Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Chúng tôi tự hào về những đóng góp không ngừng của mình cho sự phát triển kinh tế xã hội và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đại học Bách khoa Hà Nội luôn sẵn sàng là nơi hội tụ, gặp gỡ, chia sẻ, khuyến khích tinh thần cống hiến khoa học, đổi mới của mọi người vì sự phát triển của đất nước và xã hội”, PGS. Trần Ngọc Khiêm, Phó Giám đốc ĐHBK Hà Nội chia sẻ.
 
Sinh viên ĐHBK Hà Nội tham gia và lắng nghe tọa đàm ngày 17/4
TS. Lê Thái Hà, Giám đốc điều hành Vin Future Prize, bày tỏ sự vui mừng khi có được sự đồng hành của Đại học Bách khoa Hà Nội – một trong những niềm tự hào của giáo dục đại học Việt Nam.

Giám đốc điều hành Vin Future Prize tin rằng sự kiện InnovaConnect hôm nay sẽ là cầu nối hữu ích giúp các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận và trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn. Điều này không chỉ góp phần đưa Việt Nam trở thành đối tác tin cậy trong ngành bán dẫn khu vực và toàn cầu mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.

Tại tọa đàm, GS. Nguyễn Đức Hòa, Trường Vật liệu, ĐHBK Hà Nội trình bày về “Mảng cảm biến khí bán dẫn cho mũi điện tử, hướng tới các ứng dụng phân tích môi trường và hơi thở”. Trong khi đó, GS. Park Inkyu từ Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc – KAIST thuyết trình về “Giám sát môi trường thông minh bằng cảm biến không khí năng lượng thấp/ tự cấp nguồn và trí tuệ nhân tạo” và GS. Lee Young Hee mang tới đề tài “Những thách thức trong chất bán dẫn thấp chiều”.

Tọa đàm đã diễn ra thành công, mang lại những kiến thức, thông tin bổ ích cho những nhà khoa học, giảng viên và cả sinh viên ĐHBK Hà Nội. Những tọa đàm thu hút diễn giả quốc tế được tổ chức tại ĐHBK Hà Nội cho thấy vị thế của ĐH, là địa chỉ uy tín, đáng tin cậy để các nhà khoa học giỏi trên toàn thế giới lựa chọn đến thăm và làm việc.
Hạ San.
Ảnh: Duy Thành, Ngọc Kiên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây