Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 19/04/2024 06:48
Sáng nay (19/4), tại Quảng Bình, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội nghị Tập huấn cán bộ Đảng, Chính quyền, Công đoàn năm 2024 nhằm bồi dưỡng, thảo luận, trao đổi thông tin về công tác Đảng, Chính quyền, Công đoàn và triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Đại học năm 2024.
Những tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển mới
Hội nghị tập huấn cán bộ Đảng, Chính quyền, Công đoàn 2024 là cơ hội để nhìn lại 1 năm sau khi tái cấu trúc Đại học Bách khoa Hà Nội, thực hiện tốt các nhiệm vụ một cách cẩn trọng, khoa học, tạo được sự ủng hộ của các cán bộ viên chức trong toàn Đại học.
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết Đại học đã hoàn thành ở mức đầy đủ và hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Mục tiêu, định hướng phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội thể hiện trong Chiến lược phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2025 là trở thành một đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, có mô hình quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn và hiệu quả, tiên phong, dẫn dắt hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhắc lại phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường trong năm 2024 - năm Đại học Bách khoa Hà Nội “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số mạnh mẽ, Đẩy mạnh hội nhập quốc tế” với 7 nhiệm vụ, 36 nội dung, 26 chỉ tiêu chính, cụ thể:
1. Hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cho giai đoạn phát triển mới;
2. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, đào tạo và hỗ trợ người học;
3. Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và thành công của người học;
4. Tăng cường công tác truyền thông hướng nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh;
5. Thúc đẩy, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả nghiên cứu;
6. Tăng cường hợp tác liên kết mạng lưới đại học/viện nghiên cứu và đẩy mạnh quốc tế hóa;
7. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất.
Nhìn toàn cảnh bức tranh Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023, bên cạnh việc tập trung mọi nguồn lực phục vụ quá trình tái cấu trúc theo mô hình Đại học, lãnh đạo đại học cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, viên chức đã và đang nỗ lực hoàn thành 7 nhiệm vụ trọng tâm và các định hướng đã đề ra, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới, thực hiện 2 mục tiêu quan trọng: Phát triển thành Đại học quốc gia cho đến trước năm 2030 và phát triển trở thành đại học hàng đầu của châu Á (top 100).
Hội nghị đã lắng nghe một số tham luận – cũng chính là báo cáo các đề xuất giải pháp thực hiện trong năm 2024 từ lãnh đạo các đơn vị Đại học nhằm xây dựng, phát triển Nhà trường một cách bền vững.
Triển khai xây dựng vị trí việc làm và đánh giá hiệu suất làm việc của cán bộ Đại học
Tại Hội nghị, GS. Vũ Văn Yêm – Trưởng Ban Tổ chức – Nhân sự – đã trình bày tham luận: Triển khai xây dựng vị trí việc làm và đánh giá hiệu suất làm việc của cán bộ tại Đại học Bách khoa Hà Nội, phân tích vị trí việc làm theo quy định mới và một số nội dung mới về công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ năm học 2023 - 2024.
Một số nội dung quan trọng của tham luận đề cập đến các căn cứ xây dựng vị trí việc làm theo quy định mới; Rà soát lại Đề án vị trí việc làm ĐHBK Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030; Định hướng giao định biên cho các đơn vị và khoán quỹ lương; Vị trí việc làm gắn với KPI và tối ưu hóa bộ máy tổ chức; Phương án lương theo vị trí việc làm gắn với KPI trước mắt dùng như hiện nay; Triển khai xây dựng KPI phần cán bộ hành chính và phần được phân cấp tự đánh giá (PV, GD-40%); Triển khai xây dựng vị trí việc làm gắn với KPI tới từng chuyên viên...
Đáng chú ý, nhiệm vụ sẽ được triển khai ngay từ tháng 5/2024:
- Tháng 5/2024: Xây dựng danh mục vị trí việc làm mới;
- Tháng 5 - 6/2024: Xây dựng mô tả vị trí (theo quy định chung);
- Tháng 6 - 7/2024: Xác định định biên theo nhóm vị trí; Xây dựng bộ chuẩn mô tả công việc, đánh giá năng
lực, KPI đối với cán bộ hành chính;
- Tháng 4 - 6/2024: Đề xuất phương án;
- Tháng 5 - 6/2024: Thực hiện thí điểm tại các đơn vị: Văn phòng ĐH, Ban TCNS, Ban QLCL, Ban CSVC;
- Tháng 6 - 7/2024: Hoàn thiện và triển khai toàn bộ ĐH.
Định vị thương hiệu Đại học Bách khoa Hà Nội, góc nhìn từ giảng viên – cán bộ và sinh viên
Hội nghị đã lắng nghe báo cáo tham luận của PGS. Đinh Văn Hải – Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tri thức số - về nội dung: Định vị thương hiệu Đại học Bách khoa Hà Nội, góc nhìn từ giảng viên – cán bộ và sinh viên.
Theo PGS. Đinh Văn Hải, sự thành công của các trường đại học đòi hỏi phải phát triển và duy trì bản sắc thương hiệu đặc biệt thông qua xây dựng và cải tiến chiến lược thương hiệu tổng thể.
Những con số qua khảo sát về thương hiệu Đại học Bách khoa Hà Nội trong mắt cán bộ và sinh viên đã cho ra những góc nhìn khác biệt về: Hình ảnh và thương hiệu ĐHBK Hà Nội sau chuyển đổi mô hình; Điều tự hào nhất về Bách khoa Hà Nội; Những tính từ miêu tả về Người Bách khoa; Hình ảnh Bách khoa Hà Nội sau 10 năm...
Kết quả khảo sát cho thấy: Môi trường học tập, làm việc công bằng, minh bạch, thân thiện, văn minh” được đánh giá có tác động lớn nhất đến truyền thông truyền miệng, hỗ trợ sau tốt nghiệp và niềm tin yêu thương hiệu.
Trên cơ sở các phân tích, lãnh đạo Trung tâm Truyền thông và Tri thức số đề xuất giải pháp phát triển thương hiệu, nhấn mạnh 4 nội dung: Khác biệt hóa; Xác định đối tượng mục tiêu; Thúc đẩy kết nối truyền thông nội bộ; Đo lượng hiệu quả.
Cùng đó, xây dựng giải pháp và kế hoạch hành động hướng tới từng đối tượng, với các biện pháp chung: Cập nhật chính sách truyền thông và QTTH; Tăng cường kết nối mạng lưới truyền thông từng đơn vị; Thêm các công cụ mới để lan tỏa thông tin…
Với cán bộ: Tập trung những nội dung đề cao giá trị truyền thống, đóng góp cộng đồng thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo; Triển khai Newsletter đảm bảo độ phủ sóng của thông tin; Xây dựng tiêu chí “đánh giá cán bộ” về mức độ nắm vững chính sách của đại học.
Với sinh viên: Xây dựng và cập nhật các kênh nội dung phù hợp với thế hệ trẻ; Truyền thông về SVNCKH, tạo cơ hội tiếp cận các đề tài nghiên cứu, dự án khởi nghiệp, ĐMST; Tăng cường truyền thông về hình ảnh ĐHBK Hà Nội; Nuôi dưỡng tình yêu với Bách khoa cùng những ứng xử văn minh trong không gian mạng.
Phát triển trường kinh tế trong đại học nòng cốt kỹ thuật công nghệ
Báo cáo tham luận tại Hội nghị, PGS. Nguyễn Danh Nguyên – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý - trao đổi nội dung: Phát triển trường kinh tế trong đại học nòng cốt kỹ thuật công nghệ.
Định hướng phát triển Trường Kinh tế chính là phát triển tích hợp với các lĩnh vực Khoa học Công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội, tận dụng lợi thế cạnh tranh về năng lực khoa học công nghệ và tạo sự khác biệt hóa trong đào tạo và nghiên cứu so với các trường đại học khác có đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực Kinh tế. Trở thành một trong những lĩnh vực được xếp hạng trong các bảng xếp hạng về đại học quốc tế, đóng góp vào sự gia tăng danh tiếng của Đại học Bách khoa Hà Nội trong khu vực và quốc tế.
Mục tiêu phát triển Trường Kinh tế giai đoạn 2024 – 2030:
- Đến 2030 quy mô tuyển sinh 1200 sinh viên/năm, trong đó số sinh viên các Chương trình tích hợp Kinh tế với Khoa học - Công nghệ chiếm 50%;
- Số lượng công bố khoa học quốc tế gia tăng 15%/năm, đạt số lượng trích dẫn và số lượng bài báo quốc tế ở mức tiệm cận các Trường về Khoa học. Công nghệ nòng cốt của Đại học Bách khoa Hà Nội, trong đó có các công bố có sự tham gia kết hợp của các lĩnh vực Khoa học – Công nghệ ưu tiên của Đại học;
- Nghiên cứu theo định hướng Phân tích dữ liệu kinh doanh, Fintech, Quản lý Nhà máy thông minh tích hợp vào định hướng Công nghệ dữ liệu và Hệ thống thông minh;
- Nghiên cứu theo định hướng Quản lý năng lượng và Phát triển bền vững, Tài chính xanh tích hợp vào định hướng Năng lượng và Môi trường bền vững;
- Nghiên cứu theo định hướng Quản lý Chuỗi cung ứng Xanh tích hợp vào định hướng Khoa học và Công nghệ Sức khỏe.
PGS. Nguyễn Danh Nguyên nêu một số đề xuất tới lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội: Xây dựng cơ chế cho phép sinh viên có thể học tập theo hướng song bằng mà không phải đóng thêm học phí (thông qua cơ chế học bổng bù học phí); Xây dựng các modun tự chọn (gói tín chỉ tự chọn) dung chung liên Trường/Khoa giữa các CTĐT để gia tăng sự lựa chọn của người học, đồng thời đào tạo kỹ năng đa dạng cho người học...
Kết thúc phiên tham luận, TS. Đinh Tấn Hưng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Không gian và dưới nước chia sẻ nội dung “Bài học kinh nghiệm triển khai nghiên cứu chế tạo sản phẩm với doanh nghiệp”.
Hội nghị đã lắng nghe những ý kiến đóng tâm huyết của, lãnh đạo, cán bộ và giảng viên các đơn vị về các hoạt động của Nhà trường với mong muốn Đại học Bách khoa Hà Nội ngày càng phát triển. Đáng trân trọng, rất nhiều thầy/cô đã quan tâm, chú trọng đến mọi khía cạnh giảng dạy, nghiên cứu và hết lòng tận tụy cho sự phát triển của đơn vị. Những trăn trở, những ý tưởng mới về sự phát triển các đơn vị trong Đại học đã đi vào chiều sâu hơn, khát vọng phát triển được nâng tầm hơn. Những cơ hội mới đang xuất hiện kèm theo những thách thức mới.
Các cán bộ đóng góp ý kiến tại Hội nghị Tập huấn cán bộ Đảng, Chính quyền, Công đoàn ĐHBK Hà Nội năm 2024
Về tập huấn công tác Đảng, PGS. Bùi Đức Hùng – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, điều hành Đảng bộ Đại học Bách khoa Hà Nội đã quán triệt một số nhiệm vụ quan trọng trong công tác Đảng năm 2024: Kế hoạch Đại hội các chi bộ; Kế hoạch Đại hội các Đảng bộ Bộ phận; Kế hoạch Đại hội Đại biểu Đảng bộ Đại học Bách khoa Hà Nội lần thứ XXXI, nhiệm kỳ 2025 -2030; Điều chỉnh một số chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXX.
Bên cạnh đó, Công đoàn Đại học và Công đoàn các đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao như bóng đá, tennis, yoga bãi biển, chạy bộ, giao lưu văn nghệ…, tạo cơ hội để Người Bách khoa giao lưu, tăng tình đoàn kết, gắn bó.
Một số hoạt động giao lưu thể thao tăng tình đoàn kết, gắn bó giữa Người Bách khoa
3 từ khóa “Kỹ thuật – Công nghệ - Đổi mới sáng tạo”
“Thời điểm này, Đại học Bách khoa Hà Nội đang có những cơ hội lớn để tiến xa hơn, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành và hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Trong giai đoạn Đảng và Chính phủ chú trọng phát triển kỹ thuật, khoa học và công nghệ, cùng với nhu cầu đổi mới sáng tạo, 3 từ khóa "kỹ thuật - công nghệ - đổi mới sáng tạo" không chỉ là điểm mạnh mà còn là yếu tố quan trọng/một phần của sự phát triển bắt buộc của Đại học Bách khoa Hà Nội”.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội