Trong khuôn khổ hợp tác với trường Đại học Toyama, Nhật Bản, từ ngày 4 – 7/9, Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường ĐHBK Hà Nội đã tổ chức hội thảo quốc tế về Tính chất Vật lý và Ứng dụng Vật liệu tiên tiến lần thứ 13 (The 13rd International Conference on the Physical Properties and Application of Advanced Materials - ICPMAT2018) tại Thư viện Tạ Quang Bửu với nhiều báo cáo và thành tựu quan trọng.
Tham dự Hội thảo, đến từ ĐH Toyama, Nhật Bản có GS. Kenji Matsuda - Phó Trưởng khoa Thiết kế bền vững; GS. Katsuhiko Nishimura - Trưởng điều phối Chương trình Sakura; GS. Atsusi Saiki - Phó Trưởng khoa Thiết kế bền vững; GS. Tibor Kavackaj - Tổng biên tập Tạp chí Acta Metallurgica Slovaca; GS. Đinh Văn Phong - Phó Hiệu trưởng ĐHBK Hà Nội; PGS Đào Hồng Bách - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, ĐHBK Hà Nội; PGS Đoàn Đình Phương - Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hội KHKT Đúc - Luyện kim Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Ông Nguyễn Đình Phúc - Tổng Giám đốc Tổng Công ty thép Việt Nam và hơn 200 nhà khoa học hàng đầu của Châu Á và thế giới đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ.
PGS Đào Hồng Bách - Trưởng Ban tổ chức Hội thảo phát biểu
Hội nghị ICPMAT là hội nghị thường niên được tổ chức luân phiên tại các nước khác nhau nhằm tạo ra cơ hội cho các nhà khoa học, chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu cũng như các nhà sản xuất trong và ngoài nước giao lưu, trao đổi, chia sẻ thông tin và báo cáo những kết quả nghiên cứu khoa học mới về nghiên cứu cơ sở, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực vật lý và khoa học vật liệu.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trao đổi những nghiên cứu mới về khoa học và vật liệu tiên tiến với các chức năng ứng dụng trong thực tế. Với 4 lĩnh vực chính: Kỹ thuật luyện kim; Vật liệu kết cấu; Vật liệu chức năng; Khoa học và tính toán vật liệu, các báo cáo ở phiên toàn thể và các phân ban đã tập trung vào các vấn đề về chế tạo, tính chất vật lý và các ứng dụng của vật liệu tiên tiến. Trong đó, nhiều báo cáo và nghiên cứu quan trọng đã được chia sẻ tại hội thảo như: Nghiên cứu cải thiện cơ tính của hệ hợp kim Cu bằng phương pháp biến dạng dẻo mãnh liệt; Nhiệt động học và chuyển pha trong hệ hợp kim Fe-Co-(V)-(C); Nghiên cứu dây nano ô xít kim loại dùng cho cảm biến khí ở nhiệt độ thấp; Nghiên cứu hệ đèn OLED dưới ánh sáng nến cho chiếu sáng; Nghiên cứu về Muon Spin trong hệ hợp kim Al-Mg-Si; Nghiên cứu về vật liệu composite nền kim loại gia cường bằng carbon nano tube... và nhiều nghiên cứu chuyên sâu khác trong các lĩnh vực Kỹ thuật Luyện kim, Vật liệu kết cấu, Vật liệu chức năng và Mô phỏng tính toán vật liệu.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, công nghệ vật liệu mới đang là những vấn đề nóng bỏng cho tương lai của công nghiệp công nghệ cao. Công nghệ vật liệu với các ứng dụng hết sức thực tiễn như nam châm siêu mạnh, kỹ thuật làm lạnh từ nhiệt không gây ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng,… cũng như vô vàn ứng dụng cho đời sống thường ngày, các ngành công nghiệp công nghệ cao như hàng không vũ trụ đến máy tính lượng tử.
Sáng Nguyễn
Tác giả: Nguyễn Kim Chi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn