SAHEP cùng Bách khoa nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy

Thứ ba - 22/11/2022 02:19
SAHEP cùng Bách khoa nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy

Dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học tới Ngân hàng Thế giới được tài trợ bởi Ngân hàng thế giới được xem là sự hỗ trợ nguồn lực tài chính kịp thời và ý nghĩa với Bách khoa Hà Nội trong giai đoạn này và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Nhà trường trong tương lai.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức buổi Báo cáo giám sát dự án SAHEP - Dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học tới Ngân hàng Thế giới (World Bank) vào sáng ngày 21/11.

Dự án SAHEP được tài trợ 155 triệu đô nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, nghiên cứu, quản trị đại học thông qua tăng cường cơ sở vật chất. Dự án tập trung cải thiện và xây dựng các phòng làm việc và nghiên cứu khang trang tại toà nhà C7, cùng các trang thiết bị tiến tiến và hiện đại nhất hiện nay cho 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu và 15 phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo thuộc các lĩnh vực mũi nhọn trong các lĩnh vực: Điện, Điện tử, Cơ điện tử và Khoa học vật liệu. 

Theo PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Nhà trường, với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới trong dự án SAHEP, quá trình quốc tế hóa của Bách khoa Hà Nội sẽ diễn ra nhanh và mạnh hơn. Ông cũng thể hiện mong muốn Bách khoa tiếp tục có sự đồng hành và hỗ trợ của Ngân hàng thế giới trong việc nâng cao cơ sở vật chất, quốc tế hóa chương trình đào tạo, xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh – liên ngành và hợp tác với các doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thời gian sắp tới.
 

PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Duy Thành
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Duy Thành

Một trong những chiến lược trọng tâm hướng tới phát triển bền vững của Bách khoa Hà Nội là quốc tế hóa. Nhà trường đã làm việc với hơn 250 đối tác tại 36 quốc gia để thúc đẩy nghiên cứu, trao đổi học thuật và các chương trình đào tạo liên kết. Trong 2 năm trở lại đây, Bách khoa Hà Nội đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng, với 63% chương trình đạt kiểm định tiêu chuẩn quốc tế. Các đề án thu hút giảng viên xuất sắc đang công tác trong và ngoài nước được triển khai để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu.

Đổi mới sáng tạo cũng là một trong những lĩnh vực được Bách khoa Hà Nội đặc biệt chú trọng trong giai đoạn này. Trong năm 2021, Nhà trường đã xây dựng được 34 sản phẩm và giải pháp sáng tạo từ các đề tài nghiên cứu và hợp tác doanh nghiệp để đưa vào ứng dụng thực tế. Bách khoa Hà Nội đã hợp tác với 62 doanh nghiệp FDI và các công ty lớn để cùng xây dựng các dự án nghiên cứu và chương trình liên kết đào tạo.
 

B6B03F35 D8F5 4C32 A9C8 694CB2B221D3
Ông Christian Aedo, phụ trách giáo dục khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng thế giới, trao đổi với đại diện Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành

Tại buổi họp, ông Christian Aedo, phụ trách giáo dục khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng thế giới, thể hiện ấn tượng với tầm nhìn của Bách khoa Hà Nội về quốc tế hóa và cam kết nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu thông qua hợp tác doanh nghiệp và nghiên cứu quốc tế. "Bách khoa Hà Nội như ngọn đèn hải đăng dẫn đường cho các tổ chức giáo dục đại học tại Việt Nam”.

Trong báo cáo dự án, đại diện từ Bách khoa Hà Nội cho biết phần lớn kết quả đạt được đều vượt mục tiêu đã đề ra.

Trong các hoạt động nâng cao năng lực nghiên cứu, các cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu được đẩy mạnh với tòa nhà C7 đang trong những bước cuối hoàn thiện để đi vào sử dụng và 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu. Trong thời gian qua, 3 nhóm nghiên cứu mạnh được xây dựng với 55 đề tài được thực hiện và 77 bài báo được công bố trên ISI và Scopus. 

Tuần lễ nghiên cứu được tổ chức thường niên với sự tham gia của khoảng 1000 sinh viên, công bố được 300 bài báo cáo nghiên cứu. Việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ và hợp tác với doanh nghiệp cũng được đặc biệt chú trọng, với việc thành lập quỹ BK Fund - Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa Hà Nội năm 2021.
 

C1A47692 9DAC 42EF BB03 EE13C2A0E1FC
Đại diện từ Ngân hàng thế giới tham quan phòng học và phòng thí nghiệm để gặp gỡ sinh viên Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành

Bên cạnh đó, các hoạt động nâng cao năng lực giảng dạy cũng được thực hiện triển khai song song thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho 15 phòng nghiên cứu phục vụ giảng dạy, bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2021. 

Thông qua dự án SAHEP, 39 chương trình đào tạo được cập nhật, với 20 chương trình tham gia kiểm định chất lượng (6 trong số đó được kiểm định bởi Tổ chức kiểm định ASIIN của Đức vào tháng 11 vừa qua). Các hoạt động cập nhật và kiểm định chương trình học sẽ được thực hiện thường xuyên và liên tục, với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và hướng tới quốc tế hóa. 

Đối với hoạt động nâng cao quản trị đại học, Bách khoa Hà Nội đã đề xuất và thực hiện 45 hoạt động tự chủ và chuyển đổi số với nhiều cải tiến trong quản trị hành chính trong 6 tháng vừa qua như ra mắt Hệ thống Quản trị Đại học trực tuyến eHUST phiên bản 2.0, phần mềm D-office, ký số,… 

Trong thời gian tới, quá trình xây dựng và bàn giao tòa nhà C7và các trang thiết bị sẽ được đẩy nhanh và hoàn thiện để kết thúc dự án vào cuối quý 2 năm 2023. Ban quản lý dự án đã thành lập tổ học tập trải nghiệm để xây dựng bài thí nghiệm phù hợp, tổ chức hướng dẫn sử dụng trang thiết bị để khai thác hiệu quả các phòng thí nghiệm từ dự án.

Trong năm 2022, nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử và nhóm ngành Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo của Bách khoa Hà Nội được đánh giá tốt nhất Việt Nam và xếp vào nhóm 301-350 tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng đại học thế giới QS theo nhóm ngành năm 2022. Cũng trong bảng xếp hạng, nhóm ngành Khoa học Vật liệu lần đầu tiên được xếp hạng nhưng đã chiếm vị trí cao nhất trong số các trường đại học tại Việt Nam, nằm trong nhóm 401-410 thế giới. Đây đều là những nhóm ngành trọng điểm và được ưu tiên trong dự án SAHEP. 

Tác giả: Hà Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây