Nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2022, Đặc san Bách khoa có cuộc trò chuyện với PGS. Huỳnh Quyết Thắng về đội ngũ giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, thu nhập cho giảng viên, kỷ niệm nhớ nhất của thầy khi là giảng viên CNTT, kế hoạch rất quan trọng của Bách khoa Hà Nội trong thời gian tới…
Những minh chứng về chất lượng giảng viên Bách khoa Hà Nội
- Thưa thầy, điều gì khiến thầy tự hào nhất về các giảng viên Bách khoa?
* Hiện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 1.785 cán bộ, trong đó có 1.065 cán bộ giảng dạy cơ hữu, 805 cán bộ có trình độ tiến sỹ chiếm 76,3%, trong số đó có 279 GS/PGS, chiếm 26,19%. Năm 2022, Trường có 16 PGS và 2 GS được công nhận đạt chuẩn, đang ở những giai đoạn cuối cùng để công nhận và công bố.
Chúng tôi rất tự hào về chất lượng đội ngũ giảng viên Bách khoa. Tất cả các thầy/cô đều say mê và tận tình với công việc, đam mê nghề nghiệp. Đặc biệt, phần lớn các ngành của Bách khoa Hà Nội là ngành kỹ thuật nên các thầy/cô luôn chịu khó học hỏi, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, miệt mài làm việc, NCKH để cập nhật với thực tế công nghệ thay đổi rất nhanh chóng hiện nay.
- Mỗi đợt phong hàm GS, PGS, Bách khoa Hà Nội luôn có giảng viên là GS/PGS trẻ nhất Việt Nam. Năm 2022, Bách khoa Hà Nội có 1 giảng viên là 1 trong 3 ứng viên GS trẻ nhất Việt Nam. Những thông tin ấn tượng này nói lên điều gì, thưa thầy?
* Phải khẳng định một điều, độ tuổi của các nhà khoa học được phong học hàm GS, PGS đang ngày càng trẻ hóa, đó là xu thế chung. Trong khi đó, các điều kiện để đạt được GS/PGS theo quy định của Chính phủ càng ngày càng khó . Điều đáng mừng là chất lượng của các nhà khoa học trong đội ngũ giảng viên đại học nói chung, đặc biệt của Đại học Bách khoa Hà Nội ngày càng cao hơn. Tôi cho rằng những thông tin ấn tượng này chứng minh 3 điều:
Các tiến sĩ trẻ sau khi tốt nghiệp, trở về Việt Nam làm việc vẫn tiếp tục được nhịp nghiên cứu để có được những bài báo tốt, kết quả tốt, phục vụ cho công tác giảng dạy và NCKH.
Như thế, hiện nay con đường khoa học của các thầy/cô đã trở nên thuận tiện và bền vững hơn để các giảng viên trẻ nhanh chóng đạt chất lượng của ngưỡng GS/PGS;
Với Đại học Bách khoa Hà Nội, đội ngũ giảng viên một lần nữa được chứng minh về chất lượng khi những thầy/cô giáo rất trẻ có năng lực đã đạt đủ điều kiện là GS/ PGS.
- Những giảng viên trẻ giàu tiềm năng như vậy rất nhiều trường đại học muốn “chiêu mộ”. Thầy đánh giá như thế nào về sự cạnh tranh giữa trường công và trường tư trong thu hút giảng viên?
* Theo quan điểm của tôi, về vấn đề thu hút giảng viên không nên đặt ra phân biệt trường công hay trường tư. Các trường đại học có trách nhiệm đào tạo nhân lực, giúp nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; thực hiện NCKH tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các trường đều cần xây dựng các đội ngũ giảng viên, xây dựng CSVC để đảm bảo cho đào tạo và nghiên cứu. Nguồn CSVC có thể đến từ Chính phủ với các trường đại học công lập, hoặc từ các nhà đầu tư với các trường tư.
Tất cả các nguồn đầu tư đều nhằm mục tiêu làm thế nào để việc giảng dạy, nghiên cứu của giảng viên và cho sinh viên được tốt nhất. Các trường đại học tốt, có những điều kiện về CSVC, đãi ngộ cho các giảng viên có thể giảng dạy - NCKH - hợp tác quốc tế tốt hơn với mức thu nhập xứng đáng sẽ thu hút các giảng viên giỏi để họ có điều kiện cống hiến tốt hơn.
Theo tôi, một trường đại học muốn thu hút và phát triển đội ngũ sẽ cần 3 điều kiện sau:
Thứ nhất, thu nhập của các thầy cô phải ở mức xứng đáng - đủ sống ở mức trung bình khá của xã hội. Còn nếu mong làm giảng viên để có rất nhiều tiền thì các thầy/cô đã không chọn nghề này.
Thứ hai, một điều rất quan trọng với giảng viên đại học, đó là phải có môi trường/nhóm làm việc bao gồm các đồng nghiệp và các sinh viên. Các thầy/cô có thể tạo ra các nhóm, thực hiện nghiên cứu và giảng dạy. Lúc đó, các thầy/cô sẽ gắn bó với trường hơn.
Thứ ba, nhà trường phải có cơ chế để hỗ trợ các thầy/cô luôn nuôi dưỡng niềm đam mê, luôn thúc đẩy nghiên cứu và các thầy cô được phát huy tốt nhất tiềm năng sáng tạo, tự do học thuật của bản thân.
- Phải chăng Đề án Giảng viên xuất sắc của Bách khoa Hà Nội là một trong những giải pháp thu hút giảng viên giỏi về trường, thưa thầy?
* Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng Đề án Thu hút các Giảng viên xuất sắc và thực hiện được hơn một năm nay, mong muốn thu hút 2 nhóm đối tượng giảng viên:
Các giảng viên trẻ đam mê nghiên cứu, có quá trình nghiên cứu rất tốt trong giai đoạn làm tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ ở nước ngoài, có những công bố tốt/những phát minh sáng chế. Khi nhận thấy ứng viên có khả năng đột phá trong một số lĩnh vực, đủ tiêu chuẩn để trở thành cán bộ giảng dạy, Nhà trường sẽ tạo điều kiện để họ tạo dựng các nhóm nghiên cứu, kết nối với các nhóm nghiên cứu hiện có ở Bách khoa Hà Nội. Dựa trên năng lực và lĩnh vực các giảng viên xuất sắc đã có, tạo thành nhóm nghiên cứu tốt hơn, đẩy mạnh lĩnh vực nghiên cứu ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Những GS/PGS đã có uy tín học thuật, có tên tuổi nhất định. Khi từ nước ngoài trở về Bách khoa Hà Nội, họ sẽ tạo ra được một liên kết mạnh với các giảng viên trẻ trong trường, với mối quan hệ của họ với giới công nghiệp, với các chuyên gia quốc tế; tạo ra một lĩnh vực có khả năng phát triển ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội kết nối tốt với quốc tế, công nghiệp.
Để thu hút giảng viên xuất sắc, Nhà trường dựa trên các điều kiện: Mức thu nhập xứng đáng; Môi trường làm việc tốt nhất có thể; Những cơ chế giúp giảng viên có khả năng sáng tạo một cách tốt nhất.
Cơ chế khuyến khích giảng viên Bách khoa Hà Nội say mê NCKH
- Được biết, gần 75% giảng viên Bách khoa Hà Nội được đào tạo ở nước ngoài. Vậy Trường có chính sách gì để khuyến khích các giảng viên này duy trì kết nối với các trường ĐH ở nước ngoài – nơi đào tạo họ trước đây, với các đối tác, doanh nghiệp họ có quan hệ để từ quan hệ cá nhân sẽ nâng lên thành hợp tác quốc tế của hai đơn vị?
* Chúng tôi đánh giá rất cao số lượng cũng như chất lượng của các giảng viên nhận học vị tiến sỹ, sau tiến sĩ từ nước ngoài trở về. Chúng tôi nhận thức được rằng việc các thầy/cô cần kết nối với các nhóm nghiên cứu, các đồng nghiệp, giới công nghiệp… của họ ở nước ngoài rất quan trọng.
Nhà trường đã tạo ra những cơ chế để hỗ trợ:
Thứ nhất, cơ chế theo địa phương/quốc gia/ trường: Hiện Nhà trường đều có mạng lưới các thầy/cô Bách khoa Hà Nội - với một số hạt nhân từng học tập tại những trường nổi tiếng tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, … - những đại sứ Bách khoa Hà Nội để tạo ra những liên kết chặt chẽ với những quốc gia/ trường đại học này, kết nối với các chuyên gia quốc tế đang làm việc ở đây. Tôi cho rằng đây là mô hình rất tốt, bên cạnh những mối quan hệ về khoa học, nghề nghiệp sẽ có cả mối quan hệ quốc tế giữa các quốc gia với nhau, trong đó hình ảnh người Việt Nam, hình ảnh, uy tín của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ được nâng lên trong con mắt bạn bè quốc tế.
Thứ hai, Nhà trường thông qua Phòng Hợp tác Đối ngoại, Phòng Quản lý nghiên cứu thúc đẩy những hợp tác nghiên cứu để nhận các tài trợ từ các quỹ nghiên cứu quốc tế (của EU, Nhật bản, Hàn Quốc, UK, Mỹ, …), kết nối các nhà khoa học quốc tế kết và các chuyên gia ở Việt Nam. Từ đó, hình thành những nhóm nghiên cứu, tạo ra những mối quan hệ nghiên cứu bền vững.
- Đây có phải là một trong những “bí quyết” của Bách khoa Hà Nội thúc đẩy NCKH trong giảng viên, thưa thầy?
* Một giảng viên sẽ luôn có 2 nhiệm vụ: Giảng dạy và NCKH. Nhiệm vụ giảng dạy với các thầy cô có lẽ dễ thực hiện hơn và được đánh giá chất lượng thông qua đánh giá của người học, đánh giá của các đồng nghiệp. Còn về nghiên cứu, sẽ cần có một chút tính tự do để phát huy sáng tạo của các giảng viên nhưng đồng thời cũng cần có tính đồng đội, tính kết nối giữa các thầy/cô với nhau để có thể tạo dựng thành một nhóm nghiên cứu, tạo ra những kết quả lớn.
Hiện có thể nói những nghiên cứu của thầy/cô nếu không liên kết hợp tác với nhau thành nhóm thông thường sẽ không ra được kết quả như mong muốn. Với quan điểm như thế, Nhà trường sẽ phải có đánh giá chất lượng thầy/cô trong nghiên cứu: Bao nhiêu bài báo được công bố; bao nhiêu sáng chế có được…; sự tham gia của các sinh viên, các đồng nghiệp với các thầy/cô như thế nào, các nhóm nghiên cứu quốc tế nào các thầy cô tham gia.
Việc đánh giá là yêu cầu nhưng cũng là cơ chế khuyến khích các thầy/cô đăng ký từ đề tài cấp nhỏ nhất – cấp Trường, rồi đến cấp Bộ, cấp Nhà nước, các đề tài quốc tế khác nhau, dự án quốc tế. Nhà trường hỗ trợ tối đa những nghiên cứu đấy có thể thực hiện tốt nhất. Ví dụ như hàng năm, từ các Quỹ nghiên cứu trong nước như Nafosted, VinIF, … Bách khoa Hà Nội cũng có số lượng đề tài được tài trợ rất đông.
- Sự tham gia của các Quỹ đồng nghĩa với việc rót tiền cho nghiên cứu. Có quan điểm cho rằng, cứ đầu tư nhiều tiền ắt có NCKH tốt, thầy đánh giá thế nào về cách nghĩ này?
* Không hoàn toàn như vậy. Tiền là một phần rất quan trọng nhưng không phải là tất cả để giải quyết vấn đề. Để các thầy/cô tạo dựng nghiên cứu, theo tôi cần:
Thứ nhất, mỗi thầy cố cần có sự lựa chọn lĩnh vực mà mình có đam mê nghiên cứu, để theo đuổi, có khi suốt cuộc đời làm khoa học;
Thứ hai, các thầy cô cần tạo dựng nhóm nghiên cứu, mạng lưới tốt, không chỉ là các nhà khoa học ở Đại học Bách khoa Hà Nội:
Thứ ba, Nhà trường tạo điều kiện tối đa để các thầy cô phát triển nghiên cứu, với định hướng nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, mang kết quả nghiên cứu ấy đưa ra công nghiệp hoặc đưa ra quốc tế.
Như vậy, chất lượng nghiên cứu của các thầy cô sẻ đủ giá trị để xin kinh phí từ các đề tài khoa học các cấp, các quỹ, từ doanh nghiệp. Các thầy cô sẽ có kinh phí để nghiên cứu. Vòng xoáy cứ lặp lại như thế, các thầy/cô luôn có kinh phí để nghiên cứu và có kết quả nghiên cứu tốt. Các thầy/cô luôn luôn có đủ kinh phí để nghiên cứu, đóng góp thêm vào thu nhập của các thầy/cô – có thể không trực tiếp trong cuộc sống - nhưng đủ để gửi bài báo ra nước ngoài tham dự hội thảo, đi vào công nghiệp nghiên cứu những vấn đề tương tự. Nếu như các nghiên cứu đấy trở thành bí quyết công nghệ, các thầy/cô có thể hình thành các doanh nghiệp spin-off trong đó chất xám của các thầy/cô được ứng dụng, thu nhập của các thầy/cô sẽ tốt hơn rất nhiều.
Hiện nay Nhà Trường đang thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng các nhóm nghiên cứu, để tỷ lệ kinh phí hoạt động của Trường đến từ NCKH và CGCN sẽ tăng lên, phát triển bền vững theo đúng nghĩa của một Trường đại học nghiên cứu.
Bách khoa có công ty spin-off, sinh viên, giảng viên toàn trường cùng hưởng lợi
- Được biết, năm 2022 có tin vui về một số doanh nghiệp spin-off của các giảng viên trẻ Bách khoa, đó có phải là một ví dụ về “vòng xoáy” mà thầy vừa nhắc đến không?
* Đúng vậy! Bách khoa Hà Nội năm học 2021-2022 có 5 dự án hình thành công ty spin-off dựa trên các ý tưởng của các thầy/cô. Từ khi thành lập (năm 2008), BK Holdings cũng đã trăn trở, tìm kiếm con đương, thử nghiệm các mô hình phát triển để thể hiện mong muốn đẩy nhanh và giúp đỡ được các thầy/cô có bí quyết công nghệ trở thành các doanh nghiệp. Đến nay, theo sự phát triển mô hình trên thế giới, mô hình và con đường trở thành spin-off đã được định hình rõ hơn, được pháp luật Việt Nam, Luật về Sở hữu trí tuệ - bảo vệ tốt hơn. Cùng đó, Luật doanh nghiệp cũng có những quy định rõ ràng hơn. Tôi cho rằng vào thời điểm này, các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách của Nhà nước đã tạo điều kiện rất tốt cho các thầy/cô có thể hình thành doanh nghiệp spin-off.
Nhà trường rất mong muốn có nhiều doanh nghiệp spin-off, khẳng định nghiên cứu của các thầy/cô đã đạt được mức khoa học trình độ cao, trở thành một bí quyết công nghệ mà từ đó hình thành ra sản phẩm phục vụ cho xã hội, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và bản thân các thầy/cô.
Trường hợp TS. Phạm Tùng Dương - Viện Vật lý kỹ thuật - là một ví dụ điển hình. TS. Dương đã nghiên cứu một thời gian rất dài ở châu Âu, Đức, Hàn Quốc, sau khi về nước, anh đã mang kết quả nghiên cứu của mình kết hợp với một số đồng nghiệp ở Viện Vật lý kỹ thuật để làm sản phẩm pin. Đã có một số công ty tài trợ cho bí quyết công nghệ này, hình thành mô hình công ty spin-off trong đó TS. Dương và một số đồng nghiệp đóng góp bằng bí quyết công nghệ của mình. TS. Phạm Tùng Dương và các cộng sự luôn cần nghiên cứu cải tiến, luôn đổi mới công nghệ để làm tốt hơn sản phẩm, họ không tham gia trực tiếp vào việc kinh doanh.
Vào thời điểm hiện tại, Phòng Quản lý nghiên cứu theo dõi những khó khăn và rủi ro các nhà khoa học có thể gặp phải dưới góc độ cán bộ của nhà trường. Còn BK Holdings theo dõi, đánh giá những rủi ro dưới góc độ một doanh nghiệp. Trong mô hình này, vai trò của Nhà trường và Doanh nghiệp rất rõ ràng. Cái gì nằm ở doanh nghiệp, BK Holdings sẽ đại diện nhà trường theo dõi, đánh giá thị trường; khi các thầy/cô gặp khó khăn trong hoạt động nghiên cứu, Phòng Quản lý nghiên cứu sẽ hỗ trợ, đúc kết thành bài học kinh nghiệm cho mô hình spin-off. Mô hình đó luôn luôn được đổi mới, là một quá trình vận động, phát triển để mô hình sau sẽ làm tốt hơn mô hình trước.
- Những lợi ích của công ty spin-off cho sinh viên thì thấy rất rõ, nhưng lợi ích với giảng viên thì như thế nào, thưa thầy? Ví dụ giảng viên toàn trường sẽ được hưởng lợi gì từ một công ty spin-off trong Trường?
Dưới góc độ về mặt tài chính, trường đại học có nguồn thu từ học phí, đầu tư của Nhà nước với các trường công lập và từ các hoạt động khoa học công nghệ.
Trong trường hợp của các công ty spin-off, các thầy/cô là cổ đông của công ty. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn có một cổ phần nhất định – dù nhỏ - trong mô hình công ty spin-off. Lý do: Công ty khởi thủy từ Đại học Bách khoa Hà Nội, các thầy cô sử dụng CSVC của Trường phát triển nghiên cứu đến một mức độ nhất định để trở thành bí quyết. Vì vậy, theo mô hình của thế giới, cổ phần có thể là 3 - 5% trong một thời gian nhất định.
Thông thường, Nhà trường không đồng hành cùng công ty spin-off suốt quãng đường đời công ty tồn tại mà chỉ đồng hành trong giai đoạn đầu 3-5 năm. Tôi lấy ví dụ: Công ty Spin-off A lúc khởi nghiệp được định giá chỉ khoảng 10 tỷ, nhưng sau 3 năm định giá lại, công ty A có thể là 50 tỷ hoặc 100 tỷ, số cổ phần của Nhà trường trong công ty đã tăng giá trị lên lên 5 đến 10 lần. Lúc đó, Trường sẽ thoái vốn khỏi doanh nghiệp A, số cổ phần quy ra tiền sẽ là nguồn thu của Nhà trường cho Quỹ phát triển khoa học công nghệ, giúp hình thành các công ty start-up hoặc spin-off khác.
Như vậy, đó là một nguồn thu đến từ các doanh nghiệp khởi thủy, khởi nguồn, bổ sung nguồn thu từ các hoạt động KHCN hiện nay. Bách khoa Hà Nội đang đẩy mạnh hoạt động này để tăng tỷ trọng trong cán cân thu của Nhà trường từ KHCN so với đào tạo.
Bách khoa Hà Nội trả thù lao cho giảng viên công bằng mà không cào bằng
- Một giảng viên từ nước ngoài về Bách khoa theo Đề án Giảng viên xuất sắc có chia sẻ rằng một trong những điều anh hài lòng ở Bách khoa chính là việc trả lương, thưởng cho giảng viên rất công bằng. Thầy có thể bật mí bí quyết trả thù lao cho giảng viên công bằng mà không cào bằng?
* Xét ở bình diện cả trường, việc không cào bằng thể hiện: Hiện nay Trường có 3 trường thuộc và 10 viện chuyên môn với các ngành đào tạo khác nhau, các lĩnh vực khác nhau. Trong mô hình tài chính của Trường được thể hiện qua Quy chế tài chính, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội điều tiết, có trách nhiệm bình ổn thu nhập của cán bộ ở mức độ nhất định để tất cả cán bộ của Trường có một mức thu nhập tăng thêm ổn định, chấp nhận được, để mọi người tiếp tục làm việc và cống hiến cho giảng dạy và nghiên cứu.
Về giảng dạy, trong một đơn vị, nếu các thầy/cô giảng dạy nhiều hơn (nhưng vẫn trong ngưỡng cho phép 48 giờ/tuần) và các thầy/cô đầu tư cho giảng dạy tốt hơn, sinh viên và đồng nghiệp đánh giá cao hơn, thu nhập tăng thêm của thầy/cô sẽ cao hơn.
Về nghiên cứu, các thầy/cô tích cực nghiên cứu, thông qua nguồn kinh phí đến từ đề tài và các hoạt động KHCN, các thầy/cô sẽ luôn có thu nhập xứng đáng.
Như vậy, cơ chế tài chính tính lương thu nhập tăng thêm của Nhà trường rất rõ ràng, không cào bằng giữa các đơn vị với nhau và cũng không cào bằng giữa các cán bộ giảng viên trong cùng một đơn vị. Ai đầu tư giảng dạy, ai tập trung nghiên cứu thì thu nhập sẽ tốt hơn.
- Thưa thầy, sau thực tế triển khai thành lập 3 trường, có bài học kinh nghiệm gì mà BGH Bách khoa Hà Nội rút ra được để việc thành lập 2 trường mới sắp tới được suôn sẻ, thuận lợi?
Cá nhân tôi cho rằng bài học lớn nhất đó là sự đồng thuận để nhìn về phía trước để phát triển. Trong quá trình phát triển, chúng ta phải nhìn vào xu thế, xu hướng phát triển của ngành nghề và mục tiêu của việc tích hợp một cách khoa học. Việc tích hợp sẽ dẫn tới việc xóa đi một số bộ môn, xóa đi một số nhóm chuyên môn đồng thời hình thành và phát triển một số nhóm chuyên môn mới. Chúng ta tái cấu trúc để hình thành ra một đơn vị lớn hơn, mạnh hơn và phát triển hơn.
Trong quá trình tích hợp, việc tối ưu các môn học rất quan trọng trong phát triển các chương trình đào tạo. Điều này có thể dẫn tới việc xây dựng chương trình đào tạo mới phù hợp với xu thế phát triển của ngành. Lúc đó lại cần sự đoàn kết và hợp tác để các môn học vào thời điểm hiện tại được tinh chỉnh tốt hơn, sau 2-3 năm phát triển một số môn học mới, một vài ngành đào tạo mới trên cơ sở những ngành, các viện đã tích hợp lại, phù hợp với xu thế của ngành và nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay. Lúc này, rất cần sự đoàn kết, đồng thuận, tránh tư tưởng cục bộ.
Các lãnh đạo cấp 2, cấp 3 của các đơn vị cũng có sự ảnh hưởng nhất định trong quá trình tích hợp, chuyển đổi và phát triển. Rất cần phải có sự thông cảm, chia sẻ. Một số thầy/cô lãnh đạo sẽ mất đi một số vị thế trong quá trình công việc, nhưng thay vào đó sẽ mở ra khả năng để các thầy/cô cống hiến.
Đề án lên Đại học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đang ở giai đoạn cuối cùng, chờ Thủ tướng phê duyệt. Các hoạt động chuyên môn xây dựng 2 trường mới đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Để tiết kiệm nhiều công sức, tối ưu các thủ tục hành chính, việc thành lập 2 trường mới sẽ chờ khi Đề án Đại học Bách khoa Hà Nội được phê duyệt. Dự kiến sẽ vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
- Xin trân trọng cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!
"Tôi nhớ giai đoạn 2003-2008, có một sinh viên lớp kỹ sư tài năng CNTT khiến tôi rất ấn tượng, dõi theo em suốt 5 năm học. Tôi biết gia cảnh em rất khó khăn, 5 năm học Bách khoa em không xin tiền của bố mẹ. Em học rất giỏi, được nhận học bổng của nhà trường và các doanh nghiệp. Các buổi tối em còn đi làm gia sư các môn Toán, Lý, Hóa lấy tiền đóng học phí và trang trải cuộc sống. Năm 2008, khoa CNTT có chủ trương giữ những em sinh viên giỏi ở lại trường, tiếp tục bồi dưỡng làm giảng viên. Em sinh viên này tốt nghiệp loại xuất sắc và đủ điều kiện ở lại. Em có nói một câu mà tôi nhớ mãi: "Niềm mơ ước của em là được ở lại làm cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng vì hoàn cảnh riêng, em xin phép thầy cho em không ở lại Trường. Em sẽ ra ngoài đi làm có lương cao hơn để nuôi em gái vừa đỗ năm nhất trường sư phạm, lo cho em gái công việc, sau đó còn có trách nhiệm với bố mẹ." Khoảng 4 năm sau, em sinh viên đã du học Nhật, làm tiến sĩ, ổn định cuộc sống và định cư tại đây. Hai thầy trò thỉnh thoảng vẫn nhắn tin, viết email qua lại. Đó là một trong rất nhiều sinh viên Bách khoa Hà Nội học giỏi, có nghị lực vượt lên trên số phận và rất có trách nhiệm với gia đình.” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Gia Hân (thực hiện). Ảnh: CCPR
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn