“Thầy giáo tổng đài 1080” gỡ rối tơ lòng mùa tư vấn tuyển sinh Bách khoa Hà Nội

Thứ hai - 11/11/2024 19:00
PGS. Đàm Hoàng Phúc chụp cùng các thí sinh trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội theo phương thức XTTN 2024
PGS. Đàm Hoàng Phúc chụp cùng các thí sinh trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội theo phương thức XTTN 2024
Trong giới chuyên gia năng lượng xanh và truyền thông, nhắc đến PGS. Đàm Hoàng Phúc là sẽ nói đến “chuyên gia ô tô xanh” - thương hiệu gắn với tên thầy giáo Bách khoa Hà Nội. Nhưng ít ai biết rằng, thầy Phúc còn rất “mát tay” tư vấn tuyển sinh, được nhiều phụ huynh, học sinh phổ thông yêu mến đặt biệt danh: “Tổng đài 1080”!

“Tư vấn viên” tâm huyết cho phụ huynh, học sinh 

PGS. Đàm Hoàng Phúc cho rằng các bạn trẻ là tương lai đất nước, nếu được phụ huynh, thầy cô định hướng sẽ có thể phát triển rất tốt, phát huy thế mạnh của bản thân. 

Mùa cao điểm tuyển sinh, nick Facebook “Hoang Phuc Dam” thường xuyên “la cà” tại các bài viết “Chọn nghề như thế nào cho đúng? Chọn trường hay chọn ngành?”. Đôi khi thầy Phúc bình luận, tư vấn tích cực còn được page trao hẳn huy hiệu... fan cứng!

Có 7 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản - đất nước đứng thứ 8 trong số các quốc gia có nền giáo dục hiện đại nhất thế giới, thầy Phúc luôn cố gắng tìm kiếm những điểm tương đồng giữa giáo dục Nhật Bản và Việt Nam để học hỏi, áp dụng vào giáo dục nước mình. 

Đơn cử như câu hỏi “Chọn nghề như thế nào cho đúng?”, thầy Phúc cho rằng học sinh Nhật Bản được dạy cách tự lập từ sớm nên rất chủ động trong học tập, chủ động khám phá thế mạnh của mình. Còn tại Việt Nam, một số phụ huynh vẫn nuôi con theo cách bao bọc nên các bạn đôi khi không biết mình muốn làm gì, chỉ nghe theo sắp xếp của bố mẹ hoặc chọn học ngành “hot” theo trào lưu. 
 
6f9bc7caf6dd52830bcc
PGS. Đàm Hoàng Phúc - Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội
“Chúng ta đam mê với thứ chúng ta có thế mạnh, không thể thích điều mà ta không biết!” – Giảng viên Trường Cơ khí khẳng định: Chọn nghề phải xuất phát từ sở thích, thế mạnh của bản thân. Phụ huynh cần làm tốt vai trò định hướng, không nên đóng vai trò quyết định trong việc chọn nghề của con. 

Có lẽ vì là một giảng viên đại học, đồng thời là phụ huynh có con trong độ tuổi rất cần sự tư vấn, chỉ dẫn, PGS. Đàm Hoàng Phúc luôn đứng dưới góc độ của cả 2 cương vị này để đưa ra tư vấn, định hướng cho học sinh THPT một cách khách quan nhất.

Có những đêm 1, 2 giờ sáng, “tổng đài 1080” vẫn đang cặm cụi trả lời bình luận, tin nhắn của phụ huynh và học sinh. Sẽ có người chép miệng rằng: “Rỗi hơi, chả phải việc của mình, ôm rơm rặm bụng”. Nhưng với PGS. Đàm Hoàng Phúc và tất cả giảng viên Bách khoa Hà Nội, họ đều coi công việc tư vấn tuyển sinh là trách nhiệm của người làm thầy, trách nhiệm của Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng học tập, đào tạo của toàn ngành giáo dục đại học.

Thầy giáo “đa-zi-năng” là “idol” của sinh viên Bách khoa Hà Nội

“Hồi nhỏ, tôi thường theo chân bố đi công tác vùng sâu vùng xa, và những chuyến đi ấy cần có ô tô. Tôi yêu ô tô từ đó!” – PGS. Đàm Hoàng Phúc chia sẻ mối duyên với ngành ô tô. 

Từ đam mê thuở ấu thơ, thầy Phúc bước chân vào ngành ô tô, trở thành sinh viên K39 ngành Kỹ thuật Ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội với ước mơ học ô tô sẽ giúp thầy đi nhiều nơi. Và thực tế đã không làm thầy thất vọng. 

Nhờ ngành học này, PGS. Đàm Hoàng Phúc không chỉ đến nhiều vùng đất mới mà còn có cơ hội trải nghiệm nhiều loại phương tiện khác nhau. Từ xe tăng, máy bay trực thăng, máy bay phản lực,... “Hy vọng sang năm sẽ được đi tàu chiến nữa để đủ bộ!” - Thầy Phúc hóm hỉnh nói. 

Là Giám đốc Chương trình đào tạo Kỹ thuật Ô tô, thầy Phúc chăm chỉ tìm tòi, cập nhật kiến thức về các công nghệ mới để truyền thụ cho sinh viên. Thầy dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu về công nghệ ô tô, đặc biệt là công nghệ xanh và loại động cơ hybrid đang là lựa chọn phù hợp nhất với cơ sở hạ tầng Việt Nam. 

Nhiều lần được mời ngồi “ghế nóng” trong các cuộc thi, hội thảo uy tín của ngành, thầy Phúc thường đưa các sinh viên Bách khoa Hà Nội cùng tham dự, tạo cơ hội cho học trò học hỏi kiến thức mới. 
 
547c65405e57fa09a346
PGS. Đàm Hoàng Phúc tham gia nhiều sự kiện lớn của ngành ô tô với vai trò diễn giả
Chưa dừng lại ở vai trò giảng dạy, nghiên cứu, làm diễn giả, giám khảo,... người thầy “đa-zi-năng” còn thử sức trong vai trò nhà báo. PGS. Đàm Hoàng Phúc là cây bút quen thuộc của Báo Giao thông, tác giả những bài viết về linh kiện xe, an toàn giao thông. 

Tiếng lành đồn xa, thầy Phúc thường xuyên được các tờ báo có tiếng đề nghị cộng tác nhưng thời gian eo hẹp, thầy chỉ có thể lựa chọn viết khi thật sự “máu viết”. PGS. Đàm Hoàng Phúc cho rằng việc viết lách là cái duyên bởi với dân kỹ thuật chỉ quen điều khiển máy móc, điều khiển ngòi bút không phải điều dễ dàng, nhưng cuối cùng những bài viết của thầy cũng được độc giả đón nhận. 

Thầy giáo đa tài được nhiều sinh viên gọi là “idol”, là hình mẫu lý tưởng để học trò hướng tới. Thiết nghĩ, cũng có thể gọi thầy là “siêu nhân”, bởi chỉ có thể là siêu anh hùng mới có thể sắm nhiều vai một lúc và đều làm tốt như vậy!

Biết được tình cảm của học trò, thầy Đàm Hoàng Phúc nhắn nhủ: "Sự yêu thương của sinh viên giúp tôi có thêm động lực giảng dạy, thêm yêu nghề. Tôi rất vui, rất trân trọng tình cảm của các bạn!”
 
MÔ HÌNH “ĐA CẤP” ĐỘC LẠ CỦA THẦY TRÒ BÁCH KHOA
 
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Nhật Bản, PGS. Đàm Hoàng Phúc trở về Bách khoa Hà Nội - ngôi trường thầy đã gắn bó suốt thời là sinh viên, học viên cao học. 

Mô hình “đa cấp” được thầy Phúc học tập từ Nhật để áp dụng tại Việt Nam, triển khai trong CLB BK-Auto. CLB này là nơi học tập, nghiên cứu của hơn 100 sinh viên và cán bộ, giảng viên ngành Kỹ thuật Ô tô. 
 
143272503 775671773072364 4282166933345037571 n
Thầy trò CLB BK-Auto
Sở dĩ gọi là “đa cấp” bởi CLB BK-Auto vận hành theo quy luật người trước đào tạo người sau – thầy dạy trò, sinh viên năm 2 chỉ dạy sinh viên năm nhất, CSV đã ra trường vẫn quay lại đào tạo cho sinh viên. Thầy cho rằng đây là mô hình giúp gia tăng kết nối giữa các thành viên, tạo lớp sóng cùng nâng nhau phát triển. 

PGS. Đàm Hoàng Phúc nhận định, phương pháp tốt để bồi dưỡng cho sinh viên là thổi bùng đam mê của học trò. Muốn làm như vậy phải hiểu sinh viên, sống cùng đam mê của các bạn. Đó cũng là lý do câu slogan “Ở đây như một gia đình” của CLB được ra đời. 

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây