Thầy giáo Bách khoa sinh viên vừa yêu, vừa... sợ!

Thứ năm - 14/11/2024 03:00
TS. Bùi Xuân Diệu (giữa) và các thầy, cô nhóm chuyên môn Giải tích, Khoa Toán - Tin
TS. Bùi Xuân Diệu (giữa) và các thầy, cô nhóm chuyên môn Giải tích, Khoa Toán - Tin
Thời đi học, chắc hẳn ai cũng sẽ có ấn tượng sâu sắc với các thầy cô giáo của mình. Thầy cô vui tính, cho điểm “dễ thở” thường được học trò quý mến, thầy cô nghiêm khắc hơn lại làm sinh viên dè chừng, thậm chí thấy ... sợ. Ở Bách khoa Hà Nội, có một người thầy hội tụ tất cả các đặc điểm ấy, đó là TS. Bùi Xuân Diệu – người thầy sinh viên vừa sợ, vừa yêu!

TS. Bùi Xuân Diệu hiện đang công tác tại Khoa Toán – Tin, là Trưởng nhóm chuyên môn Giải tích – tổ hợp các môn học đại cương “huyền thoại” của sinh viên Bách khoa Hà Nội. 

Nghề chọn người, người cũng yêu nghề da diết!

“Này, tôi định đăng ký thi tuyển làm giảng viên Bách khoa Hà Nội, ông tham gia không?” 

Câu hỏi năm ấy của PGS. Đỗ Đức Thuận (Khoa Toán – Tin) đã đưa 2 người bạn chí cốt cùng đồng hành với Bách khoa Hà Nội. Năm 2007, từ bạn cùng lớp đại học, bạn cùng phòng ký túc xá, thầy Diệu và thầy Thuận trở thành đồng nghiệp. 

TS. Bùi Xuân Diệu có năng khiếu với Toán từ những năm học cấp 2, cấp 3, sau đó tiếp tục theo đuổi bộ môn này khi lên đại học. Song, sau khi ra trường, thầy lại mông lung, không biết nên làm nghề gì. 

“Ngày xưa chúng tôi ít có cơ hội khám phá bản thân thích gì như các bạn trẻ bây giờ. Sinh ra trong gia đình nhà nông nên bố mẹ cũng khó định hướng cho con. Tôi đến với nghề giáo là chuyện vô tình nhưng lại rất có duyên.” – Thầy Diệu hồi tưởng. 

Thầy Diệu vẫn nhớ môn đầu tiên mình đứng lớp là Giải tích. Hồi ấy anh thanh niên Bùi Xuân Diệu mới 22 tuổi, chập chững ra đời, chưa đủ kỹ năng sư phạm, chưa tự tin với kiến thức nhưng đã được các thầy cây đa, cây đề Khoa Toán – Tin khích lệ, tạo điều kiện tối đa. 

“Buổi đầu đi dạy, tôi đứng trước gương 30 phút để sơ vin đóng thùng, chải chuốt, tự ngắm nom ... oách lắm. Thế mà cũng không chững chạc hơn chút nào, lên giảng đường vẫn bị nhận nhầm là sinh viên. Lúc cầm phấn lên thì run quá, đánh rơi mấy lần!” 

Trái lại với suy nghĩ sẽ bị quở trách, các “sư phụ” của thầy Diệu lại hết sức cảm thông cho lần đầu đứng lớp của học trò. Các thầy phân tích, góp ý cho TS. Bùi Xuân Diệu từng kỹ năng cần cải thiện, cách để sinh viên chú tâm vào bài giảng. 
 
TS Bùi Xuân Diệu Giảng viên Khoa Toán Tin
Thầy giáo Bách khoa sinh viên vừa yêu, vừa sợ - TS. Bùi Xuân Diệu
“Kỹ năng giảng dạy của các thầy vô cùng tuyệt vời, đặc biệt là cách trình bày bảng của “thầy giáo 6 bảng” – PGS. Nguyễn Cảnh Lương, TS. Phan Hữu Sắn vô cùng thu hút. Các thế hệ sau như chúng tôi hiếm ai có chữ viết đẹp và cách triển khai logic như các thầy.” 

Sau khoảng thời gian bắt nhịp với nghề, thầy Diệu được Nhà trường tạo điều kiện học lên Thạc sĩ, sau này thầy có cơ hội du học Tiến sĩ ở Đức. Mái nhà Bách khoa Hà Nội đã vun đắp năng lực thầy giáo trẻ, hun đúc tình yêu nghề của TS. Bùi Xuân Diệu ngày càng da diết. 

Quan tâm đặc biệt những “tấm chiếu mới”

Giải tích là môn học đầu tiên TS. Bùi Xuân Diệu đứng lớp và cũng là môn thầy Diệu yêu thích nhất trong hành trình giảng dạy của mình. 

“Còn một lý do nữa là so với những “tấm chiếu đã trải”, tôi thích dạy những “tấm chiếu mới” hơn!”

Là một trong những thầy cô đầu tiên được gặp tân sinh viên khi các bạn vào trường, thầy Diệu cảm thấy rất hào hứng. Sau mỗi tiết giảng, thầy thường dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm, “bí kíp sinh tồn” ở môi trường đại học cho các bạn sinh viên. 

“Ở trên mạng các bạn hay nói đùa với nhau rằng chỉ cần đánh rơi bút trong lớp Giải tích, khi cúi xuống nhặt lên là đã mất gốc rồi. Tôi muốn giúp các bạn bỏ qua định kiến này.”

Thầy Diệu chia sẻ, các bạn sinh viên thường bị choáng ngợp với lượng kiến thức lớn, dễ xao nhãng với những thú vui bên ngoài nên rất cần sự tư vấn, định hướng từ thầy cô. Theo thầy, giúp sinh viên học tốt không chỉ là cung cấp kiến thức, phương pháp học đúng đắn mà còn phải giúp sinh viên có tâm thế học tập thoải mái, không áp lực mà vẫn tập trung.

Tất nhiên không phải sinh viên nào cũng “qua môn” ngay từ lần học đầu tiên, đơn cử như lưu học sinh người Sri Lanka - Withanage Mayomi Chandima Dulanji - sinh viên K64, Trường Điện - Điện tử - đã “gặp” thầy Diệu nhiều lần trong môn Giải tích 2. Do gặp vấn đề rào cản ngôn ngữ, chưa quen với chương trình giáo dục Việt Nam nên Withanage khó bắt nhịp nhưng cô bạn rất kiên trì, quyết tâm “không đầu hàng”. 

Sau nhiều lần nỗ lực, Withanage đã “đánh bại” được Giải tích 2 và nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 5/2024. Cô học trò ấy là một trong những sinh viên thầy Diệu ấn tượng nhất trong 17 năm giảng dạy của mình tại Bách khoa Hà Nội, cũng là niềm cảm hứng để thầy có thêm động lực đồng hành với các bạn sinh viên năm nhất chinh phục những môn đại cương khó nhằn.

Thầy cô là họa sĩ, học trò là những sắc màu 

Theo TS. Bùi Xuân Diệu, sinh viên Bách khoa Hà Nội có tư duy tốt, ham học hỏi nhưng cũng rất cá tính nên các thầy cô luôn cố gắng để kết nối với sinh viên theo nhiều hình thức. 

Thầy Diệu nổi tiếng với lối giảng hóm hỉnh, hài hước. Lớp học của thầy luôn rộn ràng tiếng thầy trò thảo luận, tiếng cười vui của sinh viên sau những câu đùa duyên dáng của thầy. 

Nhiều sinh viên kể lại ngày trước có nhiều bạn sợ Đại số, Giải tích, nên sợ “lây” sang cả thầy. Mỗi khi thầy gọi phát biểu thì né tránh, không dám nhìn thẳng thầy. Nghe được tâm sự sinh viên, thầy Diệu luôn muốn giờ giảng của mình sôi nổi, vui vẻ nhất có thể, để sinh viên vừa tiếp thu được kiến thức, vừa hào hứng tham gia xây dựng bài mà không sợ thầy bắt lỗi. 
 
6
TS. Bùi Xuân Diệu được sinh viên Bách khoa yêu quý. Tác phẩm "Người thầy Bùi Xuân Diệu" đã đạt Giải Nhất cuộc thi "Người thầy trong mắt em" trên kênh thông tin Facebook của Công đoàn đại học
Thầy Diệu và các thầy cô Khoa Toán – Tin cũng tạo điều kiện cho sinh viên tích lũy điểm cộng qua việc làm bài tập về nhà, xung phong phát biểu,... Ấy vậy mà có lần, màn cộng điểm ấy lại gây “bão” trên mạng xã hội. 

“Những clip trên mạng mà các thầy cô đọc 1, 2 điểm ấy là điểm cộng, không phải điểm thi hay điểm thành phần của sinh viên đâu!” – Thầy Diệu giải thích.

Thường mọi người hay nghĩ các thầy/cô giáo kỹ thuật, đặc biệt môn Toán là khô khan, thô ráp nhưng ấn tượng với thầy Bùi Xuân Diệu lại khác hoàn toàn. Thầy Diệu rất lãng mạn, hóm hỉnh và có phần mơ mộng không kém dân xã hội!

Ví như việc thầy coi mỗi sinh viên là một màu sắc khác nhau: Sinh viên năm nhất trong trẻo, ngây thơ như màu trắng thì sinh viên năm cuối lại bùng nổ, đầy khát khao như màu đỏ... Các thầy cô là họa sĩ để điều phối những màu sắc ấy sao cho tạo nên một bức tranh đẹp đẽ nhất, để mỗi sinh viên phát huy tốt nhất năng lực bản thân. Có lẽ, thầy Diệu chính là họa sĩ trong bức tranh sinh viên Bách khoa đầy màu sắc của mình!

Nhìn lại chặng đường 17 năm gắn bó với Bách khoa Hà Nội, TS. Bùi Xuân Diệu xúc động bày tỏ: “Bách khoa Hà Nội là cả thanh xuân, là hành trình trưởng thành của tôi. Biết ơn nghề dạy học đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc thăng hoa và hạnh phúc.”

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây