Bách khoa Hà Nội củng cố toàn diện hoạt động KHCN trong bối cảnh mới

Thứ hai - 21/10/2024 22:30
Toàn cảnh buổi hội thảo
Toàn cảnh buổi hội thảo
Ngày 21/10, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo Mô hình và tổ chức hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị đào tạo, đơn vị nghiên cứu thuộc Đại học. 

Hội thảo thảo luận 5 vấn đề chính gồm: Hệ thống tổ chức KHCN; Quản lý sở hữu trí tuệ và quy định liêm chính học thuật; Giải pháp phát triển hợp tác doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ và mô hình start-up/spin-off từ sản phẩm nghiên cứu; Mô hình tài chính các hoạt động KHCN; Thúc đẩy hoạt động NCKH sinh viên. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội – khẳng định vai trò của hoạt động KHCN trong sự phát triển chung của Nhà trường. 
 
20241021 CBO 6639
PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội
“Trong quá trình phát triển KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST), thúc đẩy khởi nghiệp không thể thiếu một mô hình tổ chức vững chắc, tinh thần tôn trọng liêm chính học thuật. Bên cạnh đó, công tác tài chính đảm bảo hiệu quả các đề tài KHCN, các giải pháp phát triển hợp tác doanh nghiệp, thúc đẩy NCKH sinh viên cũng được Nhà trường chú trọng.” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ lý do tổ chức hội thảo.

Đề xuất mô hình tổ chức hoạt động KHCN 3 cấp

Thông qua phân tích SWOT về các hoạt động KHCN của Nhà trường, PGS. Trương Việt Anh – Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ - khẳng định Bách khoa Hà Nội có nhiều điểm mạnh nổi bật.

Đại học Bách khoa Hà Nội có vị thế hàng đầu trong cả nước, có uy tín trong khu vực và quốc tế về đào tạo, NCKH và ĐMST; là đơn vị dẫn đầu các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam về sở hữu trí tuệ. 

Không chỉ có nhiều nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm, Bách khoa Hà Nội còn có khả năng tập hợp nguồn lực là các nhà khoa học uy tín, các chuyên gia đầu ngành từ mạng lưới hợp tác hệ thống các trường đại học về kỹ thuật và công nghệ. Trong những năm qua, Nhà trường cũng đẩy mạnh thúc đẩy phát triển quan hệ bền vững với nhiều đối tác lớn trong nước và các tổ chức quốc tế uy tín.
 
20241021 CBO 6650
PGS. Trương Việt Anh – Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển không ngừng của cách mạng 4.0, Bách khoa Hà Nội đã đặt ra những mục tiêu và kỳ vọng lớn hơn để đóng góp vào sự phát triển chung của KHCN Thủ đô và đất nước, tuy nhiên nguồn lực vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, các vấn đề như nguồn đầu tư cho dự án, cơ chế xét duyệt đề tài, thủ tục hành chính,… cũng đặt ra thách thức không nhỏ với Đại học Bách khoa Hà Nội.

Để tận dụng tối đa lợi thế sẵn có, khắc phục những hạn chế tồn đọng, Ban Khoa học - Công nghệ đề xuất nâng cấp mô hình tổ chức hoạt động KHCN chặt chẽ hơn với 3 cấp quản lý: Đại học – Đơn vị - Lab. Mô hình được xây dựng dựa trên nguyên tắc phát huy sức mạnh liên ngành, liên lĩnh vực, đa chiều tiếp cận công nghệ để thúc đẩy nghiên cứu công nghệ cao, sản phẩm chất lượng cao; đồng thời phát huy nội lực qua sức mạnh tập thể các giảng viên, nhà khoa học Bách khoa Hà Nội, không phân biệt thành tích cá nhân, Trường, Khoa mà vì sự phát triển chung của Một Bách khoa. 

Các yếu tố củng cố hoạt động KHCN Bách khoa ngày càng vững chắc

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý tài sản trí tuệ tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Ban Khoa học - Công nghệ đã đưa ra nội dung thảo luận về quản lý sở hữu trí tuệ và quy định liêm chính học thuật. 

Theo PGS. Nguyễn Phạm Duy Linh – Phó Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ, số lượng đơn đăng ký và văn bằng độc quyền sở hữu trí tuệ trong Đại học có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Trong năm 2024, Nhà trường ghi nhận 38 sáng chế, 6 giải pháp hữu ích, 1 nhãn hiệu. 
 
20241021 CBO 6716
PGS. Nguyễn Phạm Duy Linh – Phó Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ
Để thúc đẩy hình thành tài sản trí tuệ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và thời gian cho các cá nhân trong việc nghiên cứu các tài sản trí tuệ; tính điểm năng lực nghiên cứu theo quy chế công tác cán bộ hiện hành; tổ chức các khoá đào tạo về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ lập hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ; hỗ trợ thương mại hoá tài sản trí tuệ hoặc hình thành doanh nghiệp spin-off;…

Đại học Bách khoa Hà Nội luôn tôn trọng và nêu cao tinh thần liêm chính học thuật. Hoạt động sở hữu trí tuệ đang ngày càng được chú trọng trong cán bộ và người học thông qua các cơ chế khuyến khích của Nhà trường. Phát huy tinh thần đó, Ban Khoa học - Công nghệ kiến nghị lan toả rộng rãi liêm chính học thuật tới từng cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường, đưa nội dung phổ biến về liêm chính học thuật trong tuần sinh hoạt công dân đối với sinh viên năm nhất.
 
20241021 CBO 6723
PGS. Vũ Đình Tiến – Phó Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ
Một nội dung cũng được nhiều cán bộ giảng viên quan tâm là giải pháp phát triển hợp tác doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ và mô hình start-up/spin-off từ sản phẩm NCKH. PGS. Vũ Đình Tiến – Phó Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ đã đưa ra các đề xuất trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp, xây dựng văn hoá ĐMST,…
 
20241021 CBO 6753
PGS. Phạm Thị Thanh Hồng - Phó Trưởng Ban Tài chính - Kế hoạch - trình bày mô hình tài chính hoạt động KHCN
20241021 CBO 6756
PGS. Mạc Thị Thoa – Phó Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ - phát biểu nội dung thúc đẩy hoạt động NCKH sinh viên

Tại hội thảo, cán bộ, giảng viên Bách khoa Hà Nội đã thảo luận về mô hình tài chính các hoạt động KHCN, các giải pháp thúc đẩy hoạt động NCKH sinh viên và đưa ra nhiều ý kiến mang tính xây dựng để củng cố mô hình, tổ chức hoạt động KHCN ngày càng vững chắc, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của Đại học Bách khoa Hà Nội.
 
Ảnh: Dĩnh Khiêm

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây