Các nhà khoa học hàng đầu khu vực tham dự Hội nghị Kỹ thuật Điện – Điện tử (RCEEE 2016)

Thứ tư - 16/11/2016 21:24

Sáng 17/11/2016, Hội nghị quốc tế về Kỹ thuật Điện – Điện tử đã chính thức khai mạc tại Trường ĐHBK Hà Nội  (The 9th Regional Conference on Electrical and Electronics Engineering – RCEEE 2016) thu hút gần 200 nhà nghiên cứu, học giả đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, ngành công nghiệp hàng đầu từ 10 quốc gia trên thế giới (Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xia, Thái Lan, Indonesia, Phi-lip-pin, Việt Nam...)

Lần thứ 9 diễn ra tại Việt Nam trong hai ngày 17 và 18/11/2016, Hội nghị RCEEE 2016 do Viện Điện – Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức với sự tài trợ của của Mạng lưới Phát triển Giáo dục Kỹ thuật Đông Nam Á (AUN/SEED-Net). Hội nghị là nơi các nhà khoa học, các viện nghiên cứu và các công ty chia sẻ, trao đổi và thiết lập các hợp tác khoa học về các kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực Điện – Điện tử.

Nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và sáng tạo trong lĩnh vực Điện – Điện tử nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của môi trường, đảm bảo an toàn và sức khỏe cộng đồng cho thế hệ hiện tại và tương lai vì sự phát triển bền vững, không chỉ là mối quan tâm lớn của Việt Nam mà còn là vấn đề có quy mô toàn cầu. Do đó những báo cáo khoa học từ các nhà khoa học, trong nước và khách mời quốc tế tại Hội nghị đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.


PGS Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị RCEEE 2016

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội – Chủ tịch Hội nghị cho biết: “Hội thảo RCEEE 2016 đã tạo ra diễn đàn cho các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam giới thiệu, công bố cũng như giao lưu chia sẻ ý tưởng, nhiều kết quả nghiên cứu, công nghệ mới liên quan đến lĩnh vực Điện – Điện tử; đồng thời là cầu nối tăng cường liên kết hợp tác với các trường đại học – viện nghiên cứu – công nghiệp trên thế giới”


TS Nguyễn Huy Phương phát biểu tại Hội nghị

TS Nguyễn Huy Phương - Viện trưởng Viện Điện Trường ĐHBK Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức cho biết, năm nay Hội nghị đã nhận được 120 báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu đến từ 10 quốc gia trên thế giới, với số báo cáo được chấp nhận là 83 (gồm 60 báo cáo oral và 23 báo cáo poster), trong đó nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá rất cao.

“Đặc biệt, khoảng 30% báo cáo được chấp nhận và trình bày tại Hội nghị sẽ được lựa chọn theo tiêu chuẩn của Hội nghị quốc tế chất lượng để công bố trên Tạp chí kỹ thuật Đông Nam Á (một tạp chí uy tín và chất lượng của khu vực nằm trong danh sách các tạp chí xây dựng dựa trên tần suất trích dẫn các bài báo đăng trong đó ”- GS Iwadate Hiroshi, Điều phối dự án và Chủ tịch Hội đồng xúc tiến mạng lưới nghiên cứu, Văn phòng dự án JICA cho AUN/SEED-Net nhấn mạnh trong bài phát biểu.

Hội nghị gồm phiên toàn thể và 04 phiên song song. Tại Hội nghị các nhà khoa học tập trung chia sẻ những kết quả nghiên cứu tập trung vào 4 chủ đề chính trong lĩnh vực Điện – Điện tử, đó là: Hệ thống điện, thiết bị điện và điều khiển, đo lường và cảm biến, xử lý tín hiệu và mạng truyền thông,... Trong đó, nhiều kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn được trình bày bởi các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.

Các diễn giả đến từ các hãng công nghệ lớn trên thế giới cũng giới thiệu những sáng kiến, xu hướng mới nhất trên thế giới, ứng dụng Điện – Điện tử trong lĩnh vực khác nhau của cuộc sống gồm: mạng thông tin truyền thông, công nghệ năng lượng, IoT, vận tải, âm thanh hình ảnh…; chia sẻ những bài học kinh nghiệm thực tiễn trong đổi mới công nghệ, các loại hình sản phẩm, phần mềm dịch vụ đang được áp dụng thành công và hiệu quả trên thế giới./ 

Hoàng Anh
Ảnh: Kim Chi

Tác giả: TT TT & QHCC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây