Đại diện từ Đại sứ quán CHLB Đức đánh giá cao tiềm năng, triển vọng phát triển bền vững của Việt Nam trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ các kết quả liên quan đến quản lý tài nguyên nước và môi trường, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Diễn ra từ ngày 13 đến 17/03/2017 tại Trường ĐHBK Hà Nội, Hội nghị chuyên đề “Quản lý tài nguyên nước và môi trường khu vực Đông Nam Á 2017” được tổ chức với sự phối hợp giữa Trường ĐHK Hà Nội, Trường Đại học Kỹ thuật Berlin (TU Berlin) và được tài trợ bởi Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD). Tham dự phiên khai mạc có Ngài Jörg Rüger – Đại diện Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam, GS Sven-Uwe Geissen - Viện Công nghệ môi trường, Đại học Kỹ thuật Berlin; bà Anke Stahl – Trưởng Đại diện Văn phòng DAAD Hà Nội, PGS Lê Trọng Hùng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Bộ GD&ĐT; PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội, cùng nhiều nhà khoa học và chuyên gia đến từ các trường đại học,viện nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ đến từ các quốc gia trên thế giới (Đức, Mi-an-ma, Thái Lan...).
GS Sven-Uwe Geissen, Đại học Kỹ thuật Berlin phát biểu khai mạc
Biến đổi khí hậu, với lũ lụt thường xuyên xảy ra, hệ quả của việc đô thị hóa và mở rộng các ngành công nghiệp là những vấn đề cấp bách được nước trong khu vực Đông Nam Á quan tâm; đòi hỏi cần có các giải pháp bền vững trong quản lý tài nguyên nước và môi trường. Với kinh nghiệm và khả năng xử lý các vấn đề về nước được coi là hàng đầu thế giới, trong những năm qua, Đức và Việt Nam đã cùng hợp tác, tập trung vào các vấn đề quản lý tài nguyên nước và môi trường. Phát biểu tại Hội thảo, Ngài Jörg Rüger hi vọng: “CHLB Đức và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác không chỉ trong lĩnh vực khoa học mà còn kinh tế - xã hội, đặc biệt phát triển các quỹ hỗ trợ Chính phủ trong giáo dục và nghiên cứu; đồng thời cảm ơn Trường ĐHBK Hà Nội đã có vai trò tích cực thúc đẩy mạng lưới cựu sinh viên Việt Nam đã từng học tập và nghiên cứu tại Đức”.
Bà Anke Stahl và Ngài Đại sứ Jörg Rüger
Tại Hội nghị, các diễn giả đã giới thiệu một số dự án hợp tác ở Việt Nam, phân tích, thảo luận những kinh nghiệm về các dự án môi trường và nước ở Châu Á, Châu Âu. Năm nay, 25 tham luận đã được các diễn giả báo cáo tại Hội nghị tập trung vào 05 chủ đề: Quản lý tổng hợp tài nguyên nước (IWRM); Phòng chống lũ lụt, bảo vệ nguồn nước uống và trữ lượng nước ngầm; Xử lý nước thải; Lập kế hoạch phát triển môi trường bền vững; Quản lý môi trường; Hợp tác giữa công nghiệp, khoa học và các tổ chức đặc biệt trong ngành nước. Nhiều báo cáo khoa học được trình bày bởi các GS, nhà nghiên cứu, nhà khoa học có uy tín đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế. Các diễn giả đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu, xu hướng mới nhất trên thế giới, ứng dụng công nhệ trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, đổi mới công nghệ, các loại hình sản phẩm, dịch vụ đang được áp dụng thành công và hiệu quả trên thế giới.
PGS Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị
Dưới góc độ là một trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam, PGS Hoàng Minh Sơn khẳng định: “Quản lý tài nguyên nước và môi trường là một trong những lĩnh vực trọng tâm được Trường ưu tiên chú trọng và phát triển. Trường hi vọng Hội nghị sẽ là diễn đàn cho các viện nghiên cứu, trường đại học ở Việt Nam và khu vực chia sẻ thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường hiểu biết về lĩnh vực này, tăng cường mối quan hệ hợp tác các trường đại học – viện nghiên cứu – doanh nghiệp trong thực hiện các dự án chung nhằm đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong ngành nước tại Việt Nam”.
Các đại biểu tham dự tại Hội nghị
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, “Chương trình gặp gỡ các công ty, viện nghiên cứu và cựu sinh viên Việt Nam của ĐH Kĩ thuật Berlin và các trường đại học khác ở Đức” và “Thảo luận cựu sinh viên - Alumni-Talk” cũng được tổ chức nhằm xây dựng mạng lưới liên lạc; khởi xướng, thúc đẩy hợp tác giữa các cựu sinh viên, đối tác Đức trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp.
Hoàng Anh
Ảnh: Kim Chi
Tác giả: TT TT & QHCC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn