Chung kết Sáng tạo trẻ 2024: Câu chuyện kỳ diệu của DNA Mechatronics

Thứ năm - 26/12/2024 21:56
Chung kết Sáng tạo trẻ 2024: Câu chuyện kỳ diệu của DNA Mechatronics
Đội thi DNA Mechatronics là 1 trong 5 đội sẽ tiến vào vòng chung kết Sáng tạo trẻ ngày 28/12 tới đây. DNA Mechatronics đã tạo nên câu chuyện “hồi sinh” thú vị ngay trước giờ thi, với sản phẩm Cánh tay phản hồi xúc giác trong không gian ảo (Haptic feedback arm in virtual space) mở ra tương lai mới cho công nghệ phục hồi chức năng tại Việt Nam.

Hành trình phát triển sản phẩm "chữa lành" bằng công nghệ cao

Đội DNA Mechatronics gồm Mai Bá Nghĩa, Tăng Hoàng Đức và Lê Đức Anh - sinh viên K66 Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ban đầu, 3 chàng trai là những đồng minh cùng phòng lab, không hề có ý định tham gia cuộc thi. Tuy nhiên, nhờ sự động viên và kết nối của giảng viên hướng dẫn, cả 3 quyết định cùng nhau thử sức.

Thành viên Tăng Hoàng Đức chia sẻ: "Mỗi người trong nhóm đều có thế mạnh riêng, nhưng ban đầu chúng tôi chưa từng nghĩ đến việc kết hợp những thế mạnh đó cho đến khi biết đến cuộc thi này."

Sự ra đời của DNA Mechatronics là minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết và phối hợp, khi mỗi thành viên đóng góp chuyên môn riêng để cùng nhau hiện thực hóa ý tưởng và chinh phục thử thách.

Ý tưởng cho dự án bắt nguồn từ định hướng nghiên cứu chuyên sâu của nhóm tại phòng thí nghiệm và từ trải nghiệm thực tế của trưởng nhóm Mai Bá Nghĩa - người từng trải qua quá trình phục hồi chức năng cánh tay.

Cánh tay phản hồi xúc giác trong không gian ảo là sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và y học để tạo nên thiết bị tiên tiến hỗ trợ phục hồi chức năng vận động tay thông qua công nghệ thực tế ảo. Đây không chỉ là một sản phẩm công nghệ cao, mà còn là biểu tượng sáng tạo, lòng nhiệt huyết và trí tuệ của các kỹ sư trẻ đầy triển vọng.
 “Cánh tay ảo” được mô phỏng lại trong môi trường thực tế ảo nhờ thiết bị.
Sản phẩm được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân trong quá trình phục hồi chức năng vận động sau chấn thương - một lĩnh vực vốn còn nhiều hạn chế tại Việt Nam. Thiết bị sử dụng công nghệ thực tế ảo mô phỏng môi trường tương tác trực quan, giúp bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động tay một cách hiệu quả và sinh động hơn.

Hệ thống cảm biến tích hợp trong thiết bị có khả năng ghi lại các thông số quan trọng như lực cầm nắm, độ rung của ngón tay hay phạm vi chuyển động. Những dữ liệu này sẽ được phân tích và cung cấp cho bác sĩ, giúp họ đánh giá tiến trình hồi phục và điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.

Không dừng lại ở đó, sản phẩm còn tạo ra trải nghiệm thân thiện, giảm thiểu cảm giác nhàm chán và áp lực cho người sử dụng; mang lại giá trị thực tiễn cao, hứa hẹn trở thành một bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ vào phục hồi chức năng, mở ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này.
mô phỏng bệnh nhân thực hiện cầm nắm “vật thể ảo” với thiết bị đeo tay và kính thực tế ảo.
Câu chuyện “hồi sinh” sản phẩm trước giờ G

Hành trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm của đội DNA Mechatronics không hề dễ dàng. Đây là đề tài mới, chưa có nhiều tài liệu tham khảo, cả đội gần như phải bắt đầu từ con số 0, vừa sáng tạo vừa đảm bảo tính ứng dụng thực tế. Thời gian chuẩn bị gấp rút, chỉ vỏn vẹn 3 tháng, buộc các thành viên phải cân bằng giữa việc học, nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Không ít lần, cả đội ở lại trường đến tối muộn để cùng nhau hoàn thiện từng chi tiết nhỏ. Là dân thuần kỹ thuật, cả nhóm tự học cách thuyết trình, phản biện, thiết kế và xây dựng phương án kinh doanh. Những bất đồng và tranh cãi là điều không thể tránh khỏi, nhưng cuối cùng, họ luôn tìm được tiếng nói chung.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với đội là những lần "chạy deadline" để kịp tiến độ cuộc thi. Có thời điểm, sản phẩm tưởng chừng “toang” ngay trước hạn nộp. Nhưng nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ và một chút may mắn, cả đội đã kịp thời khắc phục.

Khi tiến vào chung kết, cảm xúc của cả đội là sự đan xen giữa vui mừng và lo lắng. "Ban đầu chúng tôi chỉ định thi cho biết, để có kỷ niệm, không ngờ lại vào được đến đây!" - Hoàng Đức chia sẻ.

Từ hành trình đầy thử thách, đội DNA Mechatronics rút ra kinh nghiệm quý giá: Đừng để áp lực thời gian làm bạn gục ngã!

Giấc mơ công nghệ phục hồi chức năng “Made in Vietnam”

Với tính ứng dụng cao trong lĩnh vực phục hồi chức năng, sản phẩm “Cánh tay phản hồi xúc giác trong không gian ảo” đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các thầy cô và doanh nghiệp. Mặc dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự hào hứng và sẵn sàng "đặt gạch" trước cho sản phẩm.

Không dừng lại ở cuộc thi Sáng tạo trẻ 2024, đội DNA Mechatronics kỳ vọng sản phẩm này sẽ mở ra hướng đi mới cho công nghệ y học tại Việt Nam, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái phục hồi chức năng toàn diện “do người Việt, vì người Việt.”

“Nếu có một sản phẩm công nghệ cao, giá thành hợp lý và được sản xuất bởi chính người Việt, đó chắc chắn sẽ là một bước đột phá,” nhóm chia sẻ.

Với niềm đam mê và quyết tâm, DNA Mechatronics hy vọng sản phẩm này sẽ mang đến giải pháp tối ưu, góp phần cải thiện cuộc sống của các bệnh nhân cần phục hồi chức năng.

3 sinh viên Bách khoa đã cho thấy: Với đam mê, nỗ lực và sự đoàn kết, không có thử thách nào là không thể vượt qua. Đối với DNA Mechatronics, đây chỉ là khởi đầu của giấc mơ đưa công nghệ phục hồi chức năng “Made in Vietnam” vươn xa.

Tác giả: Trần Dương
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây