Chung kết Sáng tạo trẻ 2024: BK MIC và ước mơ tự động hoá dây chuyền sản xuất nông sản Việt

Thứ sáu - 27/12/2024 02:00
5 chàng trai nhóm BK MIC
5 chàng trai nhóm BK MIC
Tại Cuộc thi Sáng tạo Trẻ 2024, đội thi BK MIC đến từ Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội đã mang đến sản phẩm đầy tiềm năng: Máy cắt cuống cà tự động. Sản phẩm thể hiện khát vọng và quyết tâm của nhóm trong việc đóng góp vào quá trình tự động hóa dây chuyền sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến nông sản. 

Đội BK MIC gồm 5 thành viên đầy nhiệt huyết: Vũ Hải Nam, K65 Cơ khí - Chế tạo máy; Phạm Văn Tới, K66 Cơ khí - Chế tạo máy; Vũ Tuấn Hùng, K66 Cơ điện tử; Nguyễn Văn Mạnh, K66 Cơ khí - Chế tạo máy và Lê Văn Tốc, K66 Cơ điện tử. 

Nhóm được dẫn dắt và cố vấn tận tình bởi TS. Nguyễn Ngọc Kiên, giảng viên Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Các thành viên đều đến từ Trường Cơ Khí, chia sẻ chung một niềm đam mê mãnh liệt với công nghệ cơ khí và tự động hóa, cùng khát vọng tạo ra những sản phẩm có giá trị thực tiễn cao.

Tên gọi BK MIC mang ý nghĩa đặc biệt với cả nhóm, "BK" viết tắt của "Bách Khoa," ngôi trường đã tạo cơ hội và nền tảng cho nhóm bước vào sân chơi Sáng tạo trẻ. 

Trong khi đó, các chữ cái "M", "I", và "C" lần lượt đại diện cho Manufacturing (Sản xuất), Intelligence (Trí tuệ) và CTech Lab (Phòng thí nghiệm Công nghệ). Tên gọi này chứa đựng toàn bộ tâm huyết và động lực của cả đội, với mong muốn được xướng tên ở vị trí cao nhất tại Sáng tạo Trẻ 2024.

Ước mơ lớn bắt nguồn từ trái cà muối trong những bữa cơm.

Chia sẻ về nguồn cảm hứng cho sản phẩm, đội trưởng Vũ Hải Nam cho biết, trong thời gian tham gia chương trình trao đổi tại Nhật Bản, Nam không khỏi nhớ về món cà pháo quê nhà. Ở Nhật Bản, cà pháo là món ăn hiếm gặp, chỉ có thể tìm thấy ở dạng đóng hộp với số lượng hạn chế, khiến nỗi nhớ nhà càng thêm da diết. 

Chính từ những cảm xúc này, Nam nảy ra ý tưởng chế tạo "Máy cắt cuống cà tự động" nhằm tăng năng suất và giảm bớt khó khăn trong khâu chế biến. Cuống cà pháo vốn dai và khó xử lý bằng tay, nếu không khéo léo sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Hơn nữa, phương pháp chế biến thủ công mất nhiều thời gian và công sức, càng thôi thúc Nam quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực.

Dựa trên nguyên lý mô phỏng cánh tay con người, Vũ Hải Nam cùng các đồng đội đã nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm độc đáo của quả cà pháo. Nhóm kết hợp các cơ cấu cơ khí thông minh để định vị, kẹp, và cắt cuống cà một cách chính xác. Đồng thời, nhóm tích hợp cảm biến từ và cảm biến tiệm cận nhằm đảm bảo máy hoạt động ổn định. Ngay từ lần chạy thử đầu tiên, chiếc máy đã cho ra sản phẩm đẹp mắt, trở thành nguồn động lực lớn để cả nhóm tiếp tục cải tiến.
 
z6152135952070 5b1b9027d15f177de3f22d78dc09a3f4
Máy cắt cuống cà tự động do BK MIC chế tạo
Không chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm, đội BK MIC đã đến vựa cà ở Đông Anh, Hà Nội để trao đổi với người dân, lắng nghe ý kiến từ thực tế sử dụng. Những phản hồi chân thành và sự ủng hộ từ bà con là động lực mạnh mẽ giúp nhóm hoàn thiện dự án.

Với nền tảng là sinh viên cơ khí, BK MIC mang trong mình khát vọng tự động hóa ngành nông nghiệp Việt Nam, từ các khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến. Cả nhóm hy vọng những giải pháp mà họ tạo ra sẽ góp phần giải phóng sức lao động thủ công và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thành viên Phạm Văn Tới chia sẻ: “Mỗi mùa vải thiều tại quê hương Bắc Giang của em đều đòi hỏi rất nhiều công sức để xử lý và tách long vải. Em mong muốn phát triển những thiết bị tự động hóa quá trình này để hỗ trợ người nông dân.”

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm nông sản, đội BK MIC còn hướng đến việc đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình tự động hóa toàn diện, từ sản xuất đến phân phối. Trong các lần khảo sát tại chợ Long Biên, nhóm nhận thấy công việc bóc hành, tỏi vẫn phải thực hiện thủ công, gây nhiều khó khăn và tốn kém thời gian. 

“Chúng em tin xu hướng tự động hóa sẽ phù hợp và góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong tương lai,” cả nhóm tự tin khẳng định.

“Công nghệ bứt phá, nông sản vươn xa”

Hành trình biến ý tưởng từ bản vẽ thành sản phẩm thực tế là một con đường đầy gian nan. Các thành viên nhóm BK MIC chia sẻ việc cân bằng giữa học tập, cuộc sống và dự án là một thách thức lớn: “Chúng tôi chấp nhận ngủ ít hơn một chút để hoàn thành mục tiêu!”

May mắn thay, nhóm nhận được sự hỗ trợ và đồng hành tận tâm từ TS. Nguyễn Ngọc Kiên, giảng viên Trường Cơ khí và cố vấn tại lab CTech. Thầy Kiên không chỉ đóng vai trò định hướng chuyên môn mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao cho cả nhóm. Ngay từ khi ý tưởng được trình bày, thầy đã sử dụng kinh nghiệm sâu rộng và sự nhạy bén của mình để giúp nhóm vượt qua khó khăn, đồng thời mở ra những hướng đi mới đầy triển vọng.
 
BVA01583
Các thành viên BK MIC trình bày ý tưởng tại Cuộc thi Sáng tạo trẻ 2024
Với tâm huyết của mình, thầy Kiên thường xuyên nhắc nhở nhóm: “Phải ăn, ngủ với cà, phải hiểu rõ đặc tính của cà thì mới làm ra sản phẩm chất lượng!” 

Vũ Hải Nam xúc động chia sẻ: “Những gì đẹp nhất chúng tôi có thể nói về người thầy, xin dành trọn cho thầy Kiên.” Đối với nhóm, thầy là người hướng dẫn, là người truyền cảm hứng để các thành viên không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi giới hạn, biến những ý tưởng sáng tạo thành hiện thực, góp phần vào sự phát triển của ngành tự động hóa nông nghiệp Việt Nam.

BK MIC không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện sản phẩm mà còn tạo cho mình một slogan đầy ý nghĩa: “Công nghệ bứt phá, nông sản vươn xa.” 

Với tinh thần quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng, cả đội đang hướng đến màn thể hiện xuất sắc tại vòng chung kết, hy vọng những thành quả xứng đáng sẽ đến với 5 chàng trai đầy nhiệt huyết này!
 
Anh Tú
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây