Chung kết là vòng đấu của những điều “khó đoán và bất ngờ đến phút cuối”, Ông Phạm Tuấn Hiệp – Thành viên Ban giám khảo nhận định.
Sáng 27/3, tại Hội trường C2 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra Vòng Chung kết cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020.
Sáng tạo trẻ Bách khoa là sân chơi trí tuệ được tổ chức thường niên từ năm 2017, lần thi này là năm thứ 4 cuộc thi được tổ chức. Do tình hình dịch bệnh Covid nên cuộc thi được dời lịch tổ chức từ cuối tháng 12/2020 sang thời điểm 3/2021.
Với chủ đề “Smart up for life”, cuộc thi hướng tới các sản phẩm ứng dụng có khả năng khởi nghiệp phục vụ cho cuộc sống như giao thông, giáo dục, môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp, y tế…
PGS. Huỳnh Đăng Chính - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội - nhận định: Các dự án lọt vào vòng chung kết đều thể hiện tính nghiêm túc trong nghiên cứu ứng dụng khoa học và khả năng sáng tạo mạnh mẽ của sinh viên khối kỹ thuật. Chúng tôi kỳ vọng các sáng tạo khoa học, kết nối tư duy đa lĩnh vực của sinh viên từ cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa sẽ tiếp tục được phát triển, nuôi dưỡng bởi các dự án phát triển nghiên cứu chuyên sâu cũng như khởi nghiệp.
Ban giám khảo Chung kết Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020 chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức. Ảnh CCPR
Trong chặng đường của cuộc thi kéo dài 9 tháng, Ban Tổ chức đã tiến hành các hoạt động đào tạo, hướng dẫn cho các đội thi từ giai đoạn viết ý tưởng đến hoàn thiện đề án, triển khai đề án với sự hỗ trợ nhiệt tình từ các diễn giả có uy tín về sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng thời, các nhóm được hỗ trợ kỹ thuật từ các mentor từ các trường đại học, các trung tâm khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng giám đốc VNPT Technology cũng là đơn vị đồng hành cùng Sáng tạo trẻ Bách khoa những năm vừa qua, nhận định “độ phủ sóng của cuộc thi đã mạnh mẽ hơn”.
Năm 2019, cuộc thi có xuất hiện đội ngoại binh đến từ Đại học Thủy Lợi. Năm nay, số đội ngoại binh tiến vào Chung kết đã chiếm ½ trên tổng số 6 đội và đặc biệt có hai đội đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. “Điều này chứng tỏ ngày càng có nhiều người quan tâm đến cuộc thi”, ông Bằng nhận xét.
Đội PANDO Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: CCPR
Hai đội đến từ khu vực miền Nam là đội PANDO - Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và đội Tảo Nguyên Liệu ATER - Đại học Nguyễn Tất Thành đã bay ra Hà Nội để tham dự Chung kết. Trước đó, hai đội này phải tham gia các Vòng thi theo hình thức trực tuyến.
Sinh viên Nguyễn Đức, thành viên nhóm Pando đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ sau khi hoàn thành phần thi của nhóm: “Cuộc thi này không chỉ để các đội tranh đấu nhau mà còn là cơ hội cho sinh viên cùng nhau học hỏi dựa trên tinh thần sáng tạo.”
Ông Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc vườn ươm BK Holdings, giám đốc quản lý Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo - BK Fund của Trường đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định trận Chung kết là vòng đấu của những điều “khó đoán và bất ngờ đến phút cuối”. “Những đội thi chúng tôi kỳ vọng nhiều thì họ lại không xuất hiện tại Chung kết, còn những đội thi chúng tôi ít chú ý đến thì họ lại có những bứt phá đáng kể.” - Ông Hiệp chia sẻ.
Không khí sôi động tại Chung kết Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020. Ảnh: CCPR
Trong khoảng thời gian chờ đợi kết quả cuộc thi, Ngô Mạnh Tùng, sinh viên Viện Cơ khí, thành viên nhóm BK307 đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định: “Tôi hoàn toàn tự tin khi nhóm có sản phẩm rất tiềm năng và hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu hiện nay của ngành y tế.” Tùng cho biết thêm, đối thủ cậu nghĩ đáng gờm nhất là đội Tảo nguyên liệu ATER vì có ý tưởng tốt, được ban giám khảo đánh giá cao và nhiều khán giả yêu thích, ủng hộ.
Nhóm BK307 giành giải Nhất chung kết Sáng tạo trẻ Bách khoa. Ảnh CCPR
Chung cuộc, nhóm BK307 với đề tài nghiên cứu "Ứng dụng sóng hồng ngoại trong cảnh báo sớm bình truyền dịch trong y tế" đã giành được chiến thắng với phần thưởng 20 triệu đồng.
Kết quả Chung kết Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020 GIẢI NHẤT Nghiên cứu, ứng dụng bức xạ hồng ngoại trong cảnh báo sớm bình truyền dịch y tế - BK307 - Đại học Bách khoa Hà Nội GIẢI NHÌ Máy đan giỏ - BK Farmers - Đại học Bách khoa Hà Nội GIẢI BA 1. Tảo Nguyên Liệu ATER - Tảo Nguyên Liệu ATER - Đại học Nguyễn Tất Thành 2. Vật liệu xây dựng làm từ rác thải nhựa - PANDO - Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM GIẢI KHUYẾN KHÍCH 1. Sản phẩm bột hàn răng a-TCP - BK Tooth'N Teeth - Đại học Bách khoa Hà Nội 2. Khẩu trang thông minh B-mask - B-Plastic - Trường Đại học Thủy lợi GIẢI SẢN PHẨM ĐƯỢC YÊU THÍCH NHẤT DO KHÁN GIẢ BÌNH CHỌN Máy đan giỏ - BK Farmers - Đại học Bách khoa Hà Nội |
Trần Trang
Tác giả: Hà Kim
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn