Ngày 9-10/1/2021, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tham gia Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam (Vietnam International Innovation Expo) với các sản phẩm thuộc lĩnh vực: Đô thị thông minh, nhà máy thông minh, an ninh mạng, chuyển đổi số, công nghệ trong nông nghiệp và môi trường…
Trong khuôn khổ sự kiện, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và TS. Nguyễn Trung Dũng - TGĐ BKHolding đã tham gia tọa đàm “Vai trò trung tâm ĐMST trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế”.
Đổi mới sáng tạo tại ĐH Bách khoa Hà Nội
Tại buổi tọa đàm, PGS. Huỳnh Quyết Thắng đã chia sẻ về việc thúc đẩy ĐMST trong sinh viên, giảng viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Theo PGS. Huỳnh Quyết Thắng, nhà trường trên thực tế là một doanh nghiệp khoa học công nghệ đặc thù, việc ĐMST trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển rất nhanh như hiện nay phải là việc làm bắt buộc và thường xuyên.
Trong ĐMST của nhà trường có 3 điểm liên quan đến đào tạo, đó là: Rà soát, xây dựng những ngành nghề đào tạo theo xu hướng và yêu cầu của khoa học công nghệ; bổ sung kỹ năng suy nghĩ về ĐMST trong việc học tập và nghiên cứu khoa học của các sinh viên, thể hiện bằng những môn học đưa vào chương trình đào tạo ngay từ năm thứ 1, thứ 2; Tạo ra cách dạy, cách học thế nào, môi trường học tập phù hợp với xu hướng công nghệ giáo dục.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho rằng cần một hệ sinh thái, quan hệ nhà trường - doanh nghiệp - nhà nước để thúc đẩy ĐMST trong nghiên cứu. Với nhà trường cần hình thành ra những nhóm nghiên cứu phù hợp với môi trường, xu thế. ĐH Bách khoa Hà Nội đặt mục tiêu hướng tới 4 định hướng cụ thể liên quan đến khoa học công nghệ như AI, Big Data…; công nghệ năng lượng, công nghệ vật liệu mới, các sản phẩm khoa học sức khỏe cho con người.
Bên cạnh đó, Trường cố gắng tham gia vào các đề án của nhà nước, liên kết với các doanh nghiệp. Một điển hình cho mối quan hệ với doanh nghiệp bền chặt là là liên kết 10 – 15 năm nay giữa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông để nghiên cứu làm ra các vật liệu chiếu sáng. Ngoài ra, Nhà trường có các mô hình để sinh viên sáng tạo hơn nữa như mô hình câu lạc bộ, các lab nghiên cứu...
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại ĐH Bách khoa Hà Nội
Trả lời câu hỏi về hệ sinh thái ĐMST tại ĐHBK Hà Nội, PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho biết với sinh viên, nhà trường có các câu lạc bộ, phòng Công tác sinh viên, Đoàn Thanh niên CSHCM, Hội Sinh viên để tập hợp các sinh viên theo câu lạc bộ tương ứng. Tại các Khoa, Viện có các đơn vị chuyên môn, các phòng Lab hướng theo đơn vị nghiên cứu đặc thù, sinh viên có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin. Đây cũng là nơi thu hút các giảng viên mong muốn nghiên cứu. Trường có phòng Quản lý nghiên cứu để quản lý các thông tin đề tài, hợp đồng NCKH và chia sẻ thông tin đến doanh nghiệp.
Để đào tạo sinh viên có kỹ năng ĐMST, khởi nghiệp, kết nối với doanh nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội có BKHUP – nơi sinh viên, giảng viên có thể đến đăng ký, làm việc, chia sẻ các ý tưởng, kết nối với doanh nghiệp tương ứng. Để có nguồn hỗ trợ, gần đây nhà trường thành lập BK Fund – Quỹ phát triển khoa học công nghệ - là một hình thức đầu tư. Vào thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư phần lớn là các cựu sinh viên, hiểu rõ về Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm 2021, trường sẽ chuyền đổi số mô hình hệ sinh thái của ĐH Bách khoa Hà Nội, để thông tin được tìm kiếm một cách nhanh nhất, tường minh nhất.
Với sự kiện khởi công xây dựng Trung tâm ĐMST quốc gia, PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ mong muốn Trung tâm ĐMST quốc gia sẽ là nơi để nhà trường có định hướng, thông tin về nhu cầu, khả năng kết hợp; xây dựng mối liên kết bền vững giữa các nhà trường và các doanh nghiệp. Các SV, giảng viên trường ĐH luôn có khát vọng nghiên cứu, sáng tạo. Với Trung tâm ĐMST quốc gia, khát vọng đó có thể đến với thị trường, mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế.
Bài: Diệu Ngọc - Ảnh Kim Chi
TIN LIÊN QUAN
Bách Khoa Hà Nội lập quỹ đầu tư mạo hiểm với số vốn lên tới 50 tỷ
Bách khoa Hà Nội cùng Rạng Đông phát triển sản phẩm “Make in Viet Nam”
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn