Các máy thở đã được cung cấp kịp thời đến các cơ sở y tế trên khắp cả nước. Thành quả có được là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa trường học, các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và doanh nghiệp, nhà sản xuất Tập đoàn VMED.
Ngày 19/11, Lễ tổng kết Pha 1 dự án phối hợp nghiên cứu và sản xuất máy thở Oxy dòng cao (HFNC) được tổ chức tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội để công bố kết quả trong giai đoạn đầu cũng như các kế hoạch triển khai sắp tới.
Theo đó, gần 800 máy BKVM-HF1 đã được sản xuất và triển khai sử dụng tại các bệnh viện điều trị COVID trên nhiều nơi, từ các bệnh viện dã chiến, kho dã chiến, đến các sở y tế tỉnh và Bộ Y Tế Lào.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường, phát biểu tại buổi lễ ngày 19/11. Ảnh: CCPR-Duy Thành
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đánh giá cao sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu của Bách khoa Hà Nội và VMED trong lần hợp tác này bởi tính thiết thực mà dự án mang lại.
Dự án cũng nhận được các phản hồi tích cực của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế bởi đây là sản phẩm có ý nghĩa ứng dụng cao trên thực tế, đặc biệt là giải quyết được bài toán nhức nhối về thiếu hụt thiết bị y tế trong bối cảnh COVID hiện nay. Sản phẩm không còn là ý tưởng nằm trên giấy mà nay đã được mang ra chiến trường và đến tay bệnh nhân.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, ưu điểm của dòng máy thở BKVM-HF1 là sản phẩm có thể được ứng dụng rộng rãi bởi giá thành rẻ và dễ thao tác. Đặc biệt, đây là sản phẩm được chủ động sản xuất trong nước, dễ dàng đáp ứng các nhu cầu về số lượng và chất lượng của thị trường.
Đại diện từ VMED và Bệnh viên Nhiệt đới Trung Ương tham gia trong lễ tổng kết ngày 19/11. Ảnh: CCPR-Duy Thành
So với các dòng máy thở nước ngoài, BKVM-HF1 có điểm nổi bật là phần dịch vụ hậu mãi đi kèm sản phẩm. Sau khi cung cấp sản phẩm, các hoạt động theo dõi và hỗ trợ các bệnh viện trong việc sử dụng, khai thác và bảo trì máy sẽ được triển khai.
Sản phẩm được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục được sử dụng và khai thác kể cả sau khi covid kết thúc.
Dựa trên thành công của sản phẩm BKVM-HF1, PGS. Vũ Duy Hải đề xuất với Bộ Khoa học Công nghệ tiếp tục hoàn thiện và cập nhật các công nghệ mới, bao gồm phần điều khiển và theo dõi, tính năng điều khiển từ xa và màn chiếu…
Máy oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula) được nghiên cứu sản xuất từ nhu cầu cao trong điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế và sự quan tâm tăng cường các trang thiết bị y tế từ các Bộ ngành, Chính phủ.
Đề tài nghiên cứu về máy thở là đề tài trọng điểm cấp cơ sở năm 2020 do PGS. Vũ Duy Hải – Giám đốc Trung tâm Điện tử Y sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm chủ nhiệm. Dựa trên những nghiên cứu trước đó, tháng 7/2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group tổ chức lễ công bố, giới thiệu máy oxy dòng cao BKVM-HF1 phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và ký kết biên bản hợp tác chiến lược trong lĩnh vực khoa học và công nghệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có nhiều nghiên cứu ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 như Kit thử nhanh virus, cáng cách ly áp lực âm, buồng áp lực dương, mũ thở khí tươi, buồng khử khuẩn toàn thân di động, khẩu trang y tế...
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn