Nhằm giải quyết các bài toán chuyên sâu về cảm biến, Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Trường ĐHBK Hà Nội đã tổ chức Hội nghị cảm biến hóa học Châu Á lần thứ 12 (The 12th Asian Conference on Chemical Sensors – ACCS 2017) tại khách sạn Pan Pacific trong ba ngày (từ ngày 13 đến ngày 15/11/2017). Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị này.
Hội nghị ACCS 2017 tập trung vào 5 chủ đề chính: thông tin cơ bản về cảm biến; hệ thống và thiết bị cảm biến; công nghệ và ứng dụng; hóa học, lập mô hình và đánh giá; công nghệ nano và vật liệu tiên tiến với hơn 100 báo cáo, 76 poster và 3 tham luận chính của 3 nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực hóa học, kỹ thuật và khoa học vật liệu và khoa học dược phẩm. GS Shen-Ming Chen – Đại học Công nghệ Quốc gia Đài Bắc (Đài Loan); GS Jong-Heun Lee – ĐH Hàn Quốc và GS Jun-ichi Anzai – ĐH Tohoku (Nhật Bản). Trong đó, chủ đề công nghệ nano và vật liệu tiên tiến là chủ đề chính hướng tới 25 năm thành lập Viện ITIMS với 4 nội dung: từ tính, tính đa hình và cách điện tôpô; các thiết bị chức năng và vật liệu tiên tiến; ứng dụng công nghệ nano và công nghệ micro-nano; vật lý và quang học bán dẫn. Với chủ đề này, các đại biểu được lắng nghe chia sẻ của 17 nhà khoa học trong và ngoài nước những nghiên cứu về công nghệ nano và vật liệu tiên tiến.
GS Shen-Ming Chen - ĐH Công nghệ Quốc gia Đài Bắc (Đài Loan)
Hội nghị ACCS được tổ chức hai năm một lần, nhằm nâng cao uy tín và danh tiếng khoa học của Việt Nam trong công đồng khoa học quốc tế. Đây là dịp tốt để các nhà khoa học tăng cường trao đổi thông tin, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong khoa học.
Hội nghị ACCS2017 sẽ là nơi thiết lập các mối quan hệ mới, đồng thời củng cố các mối quan hệ giữa các nhà khoa học của Trường ĐHBK Hà Nội nói riêng cũng như các nhà khoa học Việt Nam tham gia nói chung. Một số chủ đề và kết quả nghiên cứu liên quan đến các nhiệm vụ theo Nghị định thư và Đề tài độc lập cấp Nhà nước sẽ được trao đổi với phía đối tác nước ngoài để tìm ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Thêm vào đó, đây là hội nghị chuyên sâu về cảm biến, chính vì vậy sẽ là cơ hội rất tốt để các nhóm nghiên cứu trong nước làm về cảm biến và có ý tưởng nghiên cứu đến trao đổi trực tiếp với các chuyên gia hàng đầu của Châu Á và thế giới để thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu về cảm biến ở Việt Nam phát triển hơn nữa.
Cẩm Lệ
Ảnh: KIm Chi
Tác giả: Nguyễn Diệu Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn