Hội nghị quốc tế về Vật liệu tiên tiến và công nghệ Nano lần thứ 5

Thứ sáu - 18/11/2022 02:30
Hội nghị quốc tế về Vật liệu tiên tiến và công nghệ Nano lần thứ 5

Hội nghị công bố nhiều nghiên cứu khoa học với đóng góp thiết thực trong nền cách mạng công nghiệp 4.0.

Với tổng số 200 đại biểu, 40 khách mời quốc tế của gần 20 quốc gia đến từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á, Hội nghị quốc tế về Vật liệu tiên tiến và công nghệ Nano lần thứ 5 diễn ra tại Hà Nội từ 16-19/11.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến nhiều thuận lợi và thử thách cho sự phát triển của công nghệ Nano, yêu cầu các nhà khoa học phải tìm ra nhiều vật liệu nano mới. Do vậy, Hội nghị ICAMN 2022 mang ý nghĩa rất quan trọng.”

DSC7493
PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo

GS. Nguyễn Phúc Dương, Giám đốc Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) cho biết đây là sự kiện hợp tác quốc tế quan trọng nhất của Viện. Hợp tác quốc tế là hoạt động quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu, công bố chung về nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh trai đổi học viên từ thạc sỹ, nghiên cứu sinh đến nhà nghiên cứu sau tiến sỹ.

Ông cũng bày tỏ mong muốn về các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu tại Bách khoa Hà Nội: “Tôi kỳ vọng sự thành lập trường Vật liệu sắp tới sẽ là tiền để để tổ chức các hoạt động quy mô hơn, lâu dài hơn trong nhóm ngành Vật liệu.”

DSC7534
GS. Nguyễn Phúc Dương, Giám đốc Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu, tại hội nghị

Hội thảo năm nay được tổ chức trong bối cảnh hậu đại dịch, đặc biệt khi tình hình thế giới đang có nhiều biến động với chiến tranh diễn ra tại châu Âu. Điểm đặc biệt của buổi hội nghị năm nay là sự có mặt của các đối tác của Đông Nam Á bên cạnh các đại diện từ các nước phát triển.

Hội nghị được tổ chức với mục đích tạo cơ hội cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các học giả học thuật trình bày về những nghiên cứu tiên tiến và thắt chặt hợp tác qua phiên họp toàn thể, bài nói chuyện của khách mời, báo cáo thuyết trình và báo cáo bằng poster.

Sinh viên Nguyễn Văn Quảng, K63 Viện Vật lý Kỹ thuật, hiện nay đang tham gia nghiên cứu tại Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu. Đến tham dự buổi hội thảo, Quảng cho rằng hội nghị ICAMN năm nay có nhiều phiên thảo luận với các nội dung khác nhau về cấu trúc Nano, cấu trúc micro, vật liệu sắt từ, vật liệu từ, hay cấu trúc linh kiện điện tử... Qua đó, Quảng mở rộng kiến thức về những hướng nghiên cứu khác bên cạnh hướng mà cậu đang theo đuổi.

DSC7504
Buổi hội nghị thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế

Buổi hội nghị năm nay xoay quanh 4 chủ đề chính: Công nghệ Micro-Nano và ứng dụng; Vật liệu tiên tiến và linh kiện chức năng; Quang tử và nano bán dẫn; Vật liệu từ, điện môi và siêu dẫn.

Trong đó, nhiều bài trình bày xoay quanh các chủ đề nóng như cảm biến kết nối Internet vạn vật và vật liệu điện tử cho năng lượng tái tạo.

Trong thời đại của dữ liệu lớn, các thiết bị IoT với khả năng kết nối hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ thiết bị vật lý thông qua Internet sẽ hỗ trợ thu thập đa dạng dữ liệu. Để thu thập dữ liệu cần hệ thống cảm biến với nhiều công nghệ vật liệu tiên tiến như cảm biến khí, cảm biến sinh học, cảm biến từ trường...

Các hướng nghiên cứu về vật liệu tích trữ chuyển đổi năng lượng cũng được trình bày trong hội thảo với các ứng dụng như sạc không dây, pin nhiên liệu, pin năng lượng cho ô tô điện, và các bộ phận chuyển đổi năng lượng như thu các năng lượng dư thừa như năng lượng nhiệt, năng lượng rung thành điện năng,...

Theo GS. Nguyễn Phúc Dương, hội nghị sẽ phục vụ trực tiếp cho các hướng nghiên cứu của Viện trong tương lai. Đây cũng là tiền đề để xây dựng hội đồng nghiên cứu quốc tế cho các chương trình đào tạo và các chương trình nghiên cứu khoa học sau này.

Tác giả: Hà Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây