Hai giảng viên Bách khoa Hà Nội chế tạo hệ thống tự học để phân loại, kiểm tra chất lượng thuốc

Thứ tư - 19/10/2022 23:04
Hai giảng viên Bách khoa Hà Nội chế tạo hệ thống tự học để phân loại, kiểm tra chất lượng thuốc
Hai giảng viên Khoa Cơ điện tử, Trường Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: – PGS. Mạc Thị Thoa, TS. Nguyễn Thành Hùng– đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ học sâu - xử lý ảnh - thuật toán tối ưu, chế tạo thành công hệ thống thông minh có khả năng nhận dạng, phân loại, tự học và tự đưa ra quyết định để tăng năng suất và chất lượng cho hệ thống phân loại thuốc tự động.

Tính độc đáo của đề tài nghiên cứu


Đề tài nghiên cứu do PGS. Mạc Thị Thoa làm Chủ nhiệm đề tài có tên đầy đủ là: Ứng dụng công nghệ học sâu trong Hệ thống phân loại và kiểm tra chất lượng thuốc, được Dự án SAHEP (Dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học của WB) hỗ trợ kinh phí. 

Được biết, công đoạn phát hiện lỗi và phân loại là quá trình tích hợp trong bất kỳ dây chuyền sản xuất công nghiệp nào, trong đó nhiều lỗi có thể xuất hiện như: các vết nứt, vỡ trên sản phẩm, nhầm lẫn các sản phẩm trong công đoạn đóng gói, sai lệch về màu sắc, kích thước, … Tuy nhiên, trong môi trường công nghiệp, khi xuất hàng mà phát hiện có sản phẩm lỗi thì cả lô hàng đó sẽ bị trả lại, gây mất thời gian và tổn thất cho doanh nghiệp. Do đó, để nâng cao năng suất làm việc và tính ổn định của chất lượng sản phẩm, người ta đã đưa vào các thiết bị sản xuất trong công nghiệp với hệ thống điều khiển tự động từng phần hoặc toàn bộ quá trình sản xuất. 

Hệ thống do PGS. Mạc Thị Thoa và các cộng sự chế tạo có điểm đặc biệt là ứng dụng công nghệ học sâu – công nghệ hiện được đánh giá là chủ chốt trong “nhà máy số” và hệ thống tự động trong công nghiệp 4.0. Công nghệ học sâu có thể tạo ra hệ thống thông minh có khả năng nhận dạng, phân loại, tự học và tự đưa ra quyết định. 
z3772315672093 6135b94e2dc49435ede03a0074bfa22f
Mô tả hệ thống gắn camera
PGS. Mạc Thị Thoa cho biết đề tài nghiên cứu về công nghệ học sâu và công nghệ xử lý ảnh ứng dụng vào hệ thống nhận dạng, phân loại và kiểm tra chất lượng thuốc. Hệ thống này sẽ làm gia tăng năng suất, đảm bảo độ chính xác và giảm chi phí nhân công. 

Đây là nghiên cứu có sự liên kết của 3 ngành: Cơ khí, Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin, đã đề xuất một phương pháp ứng dụng trong các nhà máy để cải thiện được chất lượng, độ chính xác của hệ thống phân loại, kiểm tra các loại thuốc so với các phương pháp trước đây; có thêm phương pháp tối ưu làm cho hệ thống của nhóm có độ chính xác cao hơn và xây dựng được cơ sở dữ liệu đánh giá chất lượng của viên thuốc cho riêng hệ thống. 

Với kết quả đề tài nghiên cứu này, nhóm PGS. TS. Mạc Thị Thoa, TS. Nguyễn Thành Hùng đã công bố 1 bài tạp chí WoS, 1 bài báo tạp chí Scopus, 1 báo cáo khoa học được trình bày trong hội nghị danh mục Scopus. Một số học viên cao học, sinh viên tốt nghiệp, dưới sự hướng dẫn của các thầy/cô đã bảo vệ thành công theo hướng nghiên cứu này. 
z3772320412737 8fcae035645a7d53bd92ecdb87fa1840
Một số ví dụ về ngân hàng thuốc không đạt chuẩn
PGS. Phạm Văn Sáng – Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - tự hào cho biết: Nghiên cứu khoa học là một trong những công tác luôn được Trường Cơ khí đưa vào trọng tâm phát triển.

Đối với nhà Trường, sự phát triển trong nghiên cứu khoa học giúp khẳng định thương hiệu Cơ khí - Bách khoa, hướng tới mục tiêu đưa Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành một đại học nghiên cứu, đồng thời là phương pháp hữu hiệu giúp nâng cao chất lượng đào tạo khi đông đảo giảng viên, sinh viên được thu hút vào các hoạt động nghiên cứu.

Vì lẽ đó nhà trường luôn luôn tìm kiếm các nguồn kinh phí nghiên cứu, cổ vũ giảng viên tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu các cấp, khuyến khích sinh viên tham gia phòng thí nghiệm nghiên cứu của thầy/cô. 

Đánh giá về thành quả nghiên cứu khoa học của đồng nghiệp, lãnh đạo Trường Cơ khí nhận định: “Tham gia Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học của WB (SAHEP), Trường Cơ khí có nhiều đề tài nghiên cứu rất thú vị, đề tài “Ứng dụng công nghệ học sâu trong Hệ thống phân loại và kiểm tra chất lượng thuốc” do PGS. Mạc Thị Thoa và TS. Nguyễn Thành Hùng là một trong các đề tài như vậy.

Đề tài hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề thực tiễn nhằm đảm bảo chất lượng trong quá trình sản xuất sản phẩm thuốc trong y học. Nội dung nghiên cứu của đề có tính cập nhật và liên ngành cao, kết hợp tri thức trong lĩnh vực cơ khí truyền thống với các lĩnh vực Điện-điện tử, Công nghệ thông tin, rất phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ hiện nay.

Tham gia cùng thầy cô trong để tài nghiên cứu này có nhiều sinh viên xuất sắc, đề tài tạo được môi trường môi trường rất tốt cho những sinh viên sáng tạo, tìm tòi, phát huy đan mê nghiên cứu khoa học.” 

SAHEP hỗ trợ các nhà khoa học chủ động nghiên cứu

Với sự hỗ trợ kinh phí và các trang thiết bị phòng thí nghiệm từ Dự án SAHEP, nhóm nghiên cứu có thể chủ động sử dụng các thiết bị, chủ động về thời gian nghiên cứu. 

Được biết, từ khi các thiết bị hỗ trợ nghiên cứu/đào tạo của Dự án SAHEP về đến Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một số đơn vị Trường/Viện thụ hưởng - như tại Trường Cơ khí - đã tăng thời lượng thực hành cho sinh viên ở một số môn học, chuyển từ hình thức bài tập sang thí nghiệm và thực hành. Được thử nghiệm trên hệ thống thực, sinh viên sẽ có kiến thức trên hệ thống thực tế, có hứng thú học hơn, đáp ứng chuẩn đầu ra, thực hiện đúng triết lý giáo dục “Giáo dục phải kết hợp với lao động sản xuất, lý luận phải gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội.” 

Kinh phí hỗ trợ của Dự án SAHEP giúp nhóm nghiên cứu tự tin cải thiện hệ thống, hoàn thiện hệ thống hơn, có cơ hội để công bố bài báo trong hội nghị quốc tế, trao đổi với các nhà khoa học quốc tế. 
 
Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ 155 triệu USD nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, nghiên cứu, quản trị đại học và quản lý dự án mà chương trình Cơ điện tử tại Trường Đại hoc Bách khoa Hà Nội là một trong các chương trình được ưu tiên tài trợ. Đây cũng là cơ hội để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh có tính liên ngành; và phát triển Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thành một sơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về khoa học và công nghệ trong nước và trong khu vực.” – PGS. Mạc Thị Thoa.
Gia Hân. Ảnh: NVCC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây