Ngày 09/3/2019, ASEAN NCAP (New Car Assessment Program) và Trường ĐHBK Hà Nội phối hợp cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội thảo “An toàn phương tiện giao thông 2019”.
Hội thảo được tổ chức nhằm phổ biến kiến thức cho người tiêu dùng về tầm quan trọng của những chiếc xe ô tô an toàn, các tính năng an toàn trên xe ô tô cũng như khả năng bảo vệ người trên xe với từng loại xe cụ thể khi có va chạm, khuyến khích thúc đẩy các công nghệ mới và chính sách liên quan tới an toàn kỹ thuật phương tiện.
Tại Việt Nam, cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế xã hội, xu hướng cơ giới hóa phương tiện đi lại đang diễn ra rất nhanh chóng. Trong năm 2018 đã có hơn 300.000 ô tô đăng ký mới và với xu hướng này, số lượng ô tô sẽ tiếp tục tăng lên.
GS Đinh Văn Phong phát biểu tại Hội thảo
Với sự gia tăng thu nhập, sự bùng nổ nhu cầu sở hữu và sử dụng ô tô của người dân, ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam cũng sẽ hết sức sôi động với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, trong đó sẽ có cả những ô tô sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
Tiếp theo sự thành công của sự kiện phổ biến kiến thức kỹ thuật của các hệ thống hỗ trợ tăng cường an toàn trong ô tô vào 15/11/2018 tại Karawang – Indonesia, ASEAN NCAP kết hợp với Viện Cơ khí Động lực – Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức Hội thảo an toàn phương tiện giao thông 2019. Mục tiêu lần này giới thiệu đến các cán bộ quản lý an toàn giao thông, các nhà khoa học, báo chí và các tổ chức NGO tiêu chí và phương pháp đánh giá mức độ an toàn của ASEAN NCAP; các hệ thống hỗ trợ an toàn chủ động và an toàn thụ động, lý thuyết và phương thức hoạt động của các kỹ thuật này. Từ đó sẽ lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm này đến rộng rãi người tiêu dùng trong nước.
Phát biểu tại Hội thảo, GS Đinh Văn Phong – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội bày tỏ niềm vui mừng khi được ASEAN NCAP, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tin tưởng giao cho Trường tổ chức Hội thảo quan trọng này. Đồng thời, Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh: Trường ĐHBK Hà Nội được thành lập từ năm 1956, trong đó có nhóm ngành Cơ khí, Hàng không và Chế tạo. Năm 2019, theo Bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) nhóm ngành này của Trường ĐHBK Hà Nội đứng trong top 451-500 thế giới. Năm 2018, để đáp ứng nhu cầu của thực tế, Trường xây dựng và tuyển sinh chương trình tiên tiến Kỹ thuật ô tô. Với những đổi mới này, Trường ĐHBK Hà Nội hy vọng đào tạo đội ngũ kỹ sư giỏi, đóng góp tích cực cho ngành sản xuất ô tô.
Các nhà khoa học tham dự hội thảo
Chương trình NCAP đã và đang có những tác động tích cực vào ngành công nghiệp sản xuất ô tô bằng cách khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư phát triển công nghệ mới để tạo ra những chiếc xe an toàn hơn, góp phần đảm bảo an toàn cho người sử dụng và tham gia giao thông và hỗ trợ nhà nước quản lý tốt vấn đề An toàn giao thông.
Tại Hội thảo, đại diện ASEAN NCAP cho biết, mỗi loại xe sẽ được ASEAN NCAP đánh giá mức độ bảo vệ an toàn người ngồi xe trên mức từ 0 đến 5 sao (dựa trên tiêu chuẩn châu Âu từ EURO NCAP, các tiêu chí đánh giá sẽ được cập nhật và cải tiến theo thời gian). Thay đổi mới nhất là vào tháng 1 năm 2015. Trong đó, thử nghiệm va chạm hông (UN R95) là điều kiện cần để đạt được cấp độ 4 sao. Đồng thời, hệ thống Bảo vệ an toàn chỗ ngồi cho trẻ em (COP – Child Occuppant Protection) cũng được áp dụng cho mỗi cấp độ ngôi sao. Mỗi mẫu xe chỉ cần thực hiện một lần đánh giá an toàn.
Vũ Thơm
Ảnh: Kim Chi
Tác giả: Trần Ngọc Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn