PGS. Nguyễn Thị Hòe là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những ai đam mê khởi nghiệp bằng nghiên cứu khoa học.
“Nghiên cứu khoa học rất bền vững, bởi không ai lấy được của mình”, PGS. Nguyễn Thị Hòe khẳng định tại buổi tọa đàm “Làm giàu từ đam mê nghiên cứu khoa học” diễn ra vào 5/5 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, PGS. Nguyễn Thị Hòe sẽ chia sẻ những kinh nghiệm kinh doanh và triết lý nghiên cứu của bà qua trải nghiệm làm giàu từ đôi bàn tay trắng, “tôi có được ngày hôm nay bằng sự đam mê và cố gắng hết sức”, bà chia sẻ.
PGS. Nguyễn Thị Hòe là sinh viên K11 và là cựu giảng viên Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện nay, bà là Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova.
Trước khi toàn ý cho sự nghiệp kinh doanh, bà có hơn 30 năm gắn bó với nhà trường. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, với thành tích học tập xuất sắc, bà được giữ lại làm giảng viên Viện Kỹ thuật Hóa học.
PGS. Nguyễn Thị Hòe (trái) và PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng nhà trường, tại buổi tọa đàm 5/5. Ảnh: Duy Thành
Năm 1979, PGS. Nguyễn Thị Hòe vào Nam công tác. Bà giữ chức vụ giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hóa màu và Vật liệu cao cấp. Bà cũng là giảng viên Đại học Cần Thơ, trước khi trở thành giảng viên chính thức Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục con đường nghiên cứu.
Năm 1993, PGS. Hòe được nhận Giải thưởng Kovalevskaya tại Mỹ, giải thưởng thường niên dành tặng cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học gia xuất sắc. Thời điểm bà nhận giải thưởng là giai đoạn Việt Nam đang bị cấm vận, chuyến đi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên bà vẫn quyết tâm sang Mỹ, dù lo sợ có thể không được trở về quê hương.
Sau chuyến đi Mỹ, bà nhận ra sản phẩm phải gắn liền với đời sống. “Tôi không bao giờ nghiên cứu xong rồi đút ngăn kéo”, PGS. cho rằng các nhà nghiên cứu phải tập trung tạo ra những sản phẩm mà xã hội cần. Đó là lý do sản phẩm Sơn Kova của bà đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Singapore, Nga, Đức... Hiện nay, Tập đoàn Sơn Kova có 12 chi nhánh với 9 nhà máy tại 7 quốc gia.
Làm thế nào để thành công? “Phải ‘liều’,” bà tâm sự, “cuộc đời tôi có 3 lần liều: Lần 1 là cắp nách 3 đứa con đi học đại học; lần 2 là sang Mỹ nhận giải thưởng Kovalevskaya trong giai đoạn cấm vận; lần 3 là mang sản phẩm của mình sang đất nước khó tính nhất châu Á, đó là Singapore”.
Sau này, bà đúc kết lại vì sao không tập trung phát triển sản phẩm trong nước, “tôi thấy nhiều sản phẩm chỉ tập trung trong nước, hoặc công ty mua công nghệ nước ngoài. Muốn phát triển phải đưa sản phẩm ra nước ngoài để sản phẩm được đánh giá và sử dụng bởi nhiều đối tượng. Cần phải thương mại hóa được và sản xuất số lượng lớn”.
Khi mới đưa sản phẩm sang Singapore, nữ nhà khoa học cũng nhận được nhiều ánh mắt nghi ngờ. Sau quá trình đấu thầu, sản phẩm của bà đã thắng nhiều công ty sơn nổi tiếng trên thế giới với tính năng vượt trội về khả năng kháng khuẩn (tự làm sạch). Hiện nay, sơn Kova chiếm thị phần lớn nhất Singapore, hơn 80% các bệnh viện, phòng y tế tại Singapore sử dụng dòng sơn kháng khuẩn của Kova.
Buổi tọa đàm diễn ra sôi động với các câu hỏi của các nữ khoa học gia và các bạn sinh viên với tinh thần khởi nghiệp. Những câu chuyện xung quanh kỷ niệm của cô Hòe tại Bách khoa Hà Nội cũng được gợi lại qua lời kể của các cựu giáo chức.
“Khi còn nghiên cứu tại Bách khoa Hà Nội, cô Hòe cũng gặp phải những cạnh tranh với các nhóm nghiên cứu khác có thế lực hơn. Bộ môn họp bàn với nhau, chúng tôi chấp nhận cạnh tranh, nhưng sẽ cạnh tranh lành mạnh và phấn đấu về chất lượng. Cuối cùng, chỉ bột mài của cô Hòe đáp ứng tiêu chuẩn của đơn vị sử dụng”, PGS. Nguyễn Đăng Quang, nguyên trưởng Bộ môn Hóa Hữu cơ kể lại.
Hiện nay, đã gần 80 tuổi, bà vẫn miệt mài nghiên cứu để tìm ra những sản phẩm chất lượng. “Một ngày tôi làm việc 14 tiếng. Ăn trưa xong, tôi vào phòng thí nghiệm ngay. Ban đêm, tôi cũng không dám tắt điện thoại để có thể làm việc với văn phòng và nhà máy các nước.”
Bà tự hào dù đã có tuổi nhưng cả cuộc đời chưa bao giờ được nghỉ. “Tôi đi các nước cũng chủ yếu vì công việc. Đi nhiều nơi, tôi học được rất nhiều. Làm việc phải say mê, phải làm đến cùng. Nhà riêng của tôi có 2 phòng thí nghiệm, căn nhà ở Singapore cũng có phòng thí nghiệm. Đến nằm mơ cũng nghĩ về nghiên cứu, đang mơ nghĩ ra thí nghiệm, tôi bật dậy làm tiếp.”
PGS. Nguyễn Thị Hòe cùng các cán bộ, giảng viên, cựu giáo chức, sinh viên tham dự buổi tọa đàm 5/5. Ảnh: Duy Thành
Điều bà tâm đắc nhất khi nghiên cứu, đó là “Làm khoa học đầu tiên đừng nghĩ đến đồng tiền, hãy nghĩ đến kết quả trước. Phải tập trung tạo ra những sản phẩm mà xã hội cần.”
KOVA là thương hiệu sơn Việt được thành lập từ năm 1993, đã thành công đưa công nghệ Nano từ vỏ trấu đến nhiều thị trường trên thế giới. Ứng dụng công nghệ này trong sản xuất, hiện nay Kova có nhiều dòng sơn với tính năng độc đáo như: tự làm sạch, kháng khuẩn, chống cháy, chống đâm, chống đạn.
Tác giả: Hà Kim
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn