Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 04/04/2025 00:00
Đoàn công tác Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chụp ảnh kỷ niệm cùng cán bộ, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội
Ngày 3/4, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có buổi làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội về Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội - chủ trì buổi làm việc. Đồng chí Lê Minh Hoan chủ trì buổi làm việc
Cùng đoàn công tác có đồng chí Lê Quang Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, lãnh đạo một số Vụ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và các cán bộ cấp cao của Uỷ ban.
Về phía Đại học Bách khoa Hà Nội có GS. Lê Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học, lãnh đạo các trường, khoa, viện nghiên cứu, các đơn vị chức năng và đông đảo chuyên gia, nhà khoa học Bách khoa Hà Nội.
Đại học Bách khoa Hà Nội là nơi dẫn dắt công nghệ, kiến tạo tương lai đất nước
Đó là phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan mở đầu buổi thảo luận với Nhà trường sau khi ghé thăm một số phòng thí nghiệm trọng điểm của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đoàn công tác tham quan các phòng thí nghiệm trọng điểm của Đại học Bách khoa Hà Nội
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và các thành viên trong đoàn công tác đánh giá cao tinh thần đổi mới sáng tạo của thầy, trò Bách khoa Hà Nội, ghi nhận những sản phẩm nghiên cứu triển vọng có thể góp phần phát triển kinh tế Thủ đô, đất nước. Tại các phòng nghiên cứu, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học Bách khoa một số vấn đề nổi cụm của ngành như: Thương mại hoá sản phẩm, nguyên tắc xác định giá sản phẩm,...
Trong phiên làm việc chính, đồng chí Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời với tầm tư duy vượt trội, đặt ra nhiều kỳ vọng cho các tổ chức nghiên cứu khoa học, các nhà nghiên cứu và cả xã hội để tạo sự bứt phá. Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội cũng đã được ban hành, thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào thực tiễn, tháo gỡ “điểm nghẽn” cho các nhà nghiên cứu. Hiện nay, dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được xây dựng, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9.
“Khoa học công nghệ là lĩnh vực có nhiều yếu tố ảnh hưởng, tác động. Do đó tất cả các cơ quan liên quan phải cùng xây dựng, cùng đóng góp ý kiến để có được một văn bản luật tốt nhất. Luật không chỉ là công cụ để quản lý mà còn phải mở ra không gian phát triển mới cho các nhà khoa học, các tổ chức và cả xã hội, kiến tạo hệ sinh thái quốc gia về khởi nghiệp, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, khẳng định tên Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo có nội hàm bám sát tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 193/2025/QH15. PGS. Huỳnh Quyết Thắng phát biểu tại buổi làm việc
“Mỗi cán bộ, giảng viên Bách khoa Hà Nội đều ý thức về trách nhiệm cá nhân - trách nhiệm của nhà khoa học, nhà quản lý và trách nhiệm của Nhà trường, từ đó đưa ra những góp ý có giá trị, đóng góp cho sự phát triển khoa học - công nghệ nước nhà.” - PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ làm việc với tinh thần nghiêm túc, đóng góp trí tuệ cùng xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chuyên gia, nhà khoa học Bách khoa Hà Nội “hiến kế” hoàn thiện dự thảo luật
Tại phiên làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học Bách khoa tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo; đồng thời tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung như: Chính sách mở rộng chủ thể tham gia nghiên cứu; Chính sách thu hút nhân tài; Chính sách thu hút đầu tư; Cơ chế giảm thiểu rủi ro trong nghiên cứu; Thương mại hoá kết quả nghiên cứu;...
GS. Lê Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra ý kiến cần định nghĩa bao trùm hơn đối với “Tổ chức khoa học và công nghệ” quy định tại Điều 3 của Dự thảo. Cụ thể, nếu định nghĩa các tổ chức khoa học và công nghệ là các đơn vị chuyên nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học sẽ không thể đáp ứng được bởi 2 chức năng chính luôn song hành của cơ sở giáo dục đại học là đào tạo và nghiên cứu.
Thầy Tuấn cũng đề cập đến việc bổ sung cơ chế phân bổ tài chính hợp lý cho các hoạt động nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục đại học. Như Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc nhận phân bổ tài chính từ Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc trong các khâu thủ tục, cần thiết có phương án tháo gỡ. GS. Lê Anh Tuấn trình bày một số góp ý hoàn thiện dự thảo
GS. Lê Anh Tuấn bày tỏ quan điểm về đầu tư nghiên cứu khoa học gồm phát triển nguồn lực tri thức và đầu tư cho sản phẩm nghiên cứu. Dự thảo hiện nay đã quan tâm đầu tư cho sản phẩm nghiên cứu, tuy nhiên cần có thêm các quy định khuyến khích đầu tư thêm về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng tình với GS. Lê Anh Tuấn, PGS. Lê Đức Tùng - Phó Trưởng Ban Tổ chức - Nhân sự, Đại học Bách khoa Hà Nội - nhấn mạnh thu hút nhân tài là yếu tố quan trọng để thúc đẩy chất lượng nghiên cứu.
Theo PGS. Lê Đức Tùng, những quy định về chính sách sử dụng, trọng dụng và đào tạo nhân lực trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thể hiện sự nỗ lực của Nhà nước trong việc hoàn thiện các chính sách thu hút, đãi ngộ đối với các nhà khoa học, chuyên gia tham gia vào các hoạt động khoa học, công nghệ. Các chính sách thu hút nhân tài của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng được đẩy mạnh, phát triển hơn rất nhiều từ khi luật ban hành.
Trong bối cảnh mới, chính sách về nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được nâng cấp, cải thiện hơn nữa.
Các chuyên gia, nhà khoa học Bách khoa đồng tình quan điểm cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học thương mại hóa từ sản phẩm nghiên cứu khoa học, bổ sung các quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu,... Toàn cảnh buổi làm việc
PGS. Ngô Chí Trung - Trưởng Ban Thanh tra, Pháp chế và Kiểm toán nội bộ, Đại học Bách khoa Hà Nội - chỉ ra còn nhiều nội dung trong dự thảo cần Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, cần có giải pháp không để luật phải chờ văn bản hướng dẫn.
Tại buổi làm việc, PGS. Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội - khẳng định: Cần biến khoa học và công nghệ thành sự nghiệp của toàn dân!
Để thực hiện mục tiêu đó, PGS. Tạ Hải Tùng đề xuất cần xem xét phát triển cơ chế ưu đãi bền vững, xã hội hoá các nguồn lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, huy động các nguồn lực bên ngoài, nguồn lực có yếu tố nước ngoài để tạo sự đột phá. Đồng chí Lê Quang Huy ghi nhận những ý kiến giá trị của Đại học Bách khoa Hà Nội
Khép lại buổi làm việc, đồng chí Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học Bách khoa tại cuộc làm việc, các nội dung được góp ý có giá trị để hỗ trợ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao nhất.