Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 19/06/2024 05:14
Ngày 6/6 vừa qua, vòng Chung kết SAP ERPsim toàn cầu chính thức diễn ra giữa các đội thi hàng đầu các khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi, Châu Á - Thái Bình Dương, và Nhật Bản, Trung Quốc. Đội tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội – đại diện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã xuất sắc giành ngôi vị Á quân chung cuộc.
Cuộc thi SAP ERPsim dành cho sinh viên mô phỏng kinh doanh thực tế, trong đó các đội chơi được trải nghiệm các chức năng của hệ thống ERP trên nền tảng của SAP S4/HANA. Thông qua các vòng thi, các đội phải đưa ra quyết định kinh doanh trên thời gian thực, hiểu được cách vận hành quy trình kinh doanh và được thực hành các kỹ năng về phân tích dữ liệu, cải tiến sản phẩm, logistics, tài chính, marketing,…
Đội tuyển Bách khoa Hà Nội tham gia Chung kết ERPsim gồm 5 thành viên là các sinh viên của Viện Kinh tế và Quản lý (SEM) và Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT): Lương Thạch Tâm (K67 CTTT Phân tích kinh doanh), Nguyễn Cẩm Nhung (K67 CTTT Phân tích kinh doanh), Nguyễn Thị Quỳnh Nga (K67 CTTT Phân tích kinh doanh), Đường Minh Quân (K66 CTTT Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo) và Ngô Chí Quân (K66 CTTT Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng).
Trước đó, đội tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội đã đạt giải vô địch toàn quốc tháng 12/2023 và vô địch khu vực châu Á Thái Bình dương và Nhật Bản vào tháng 4/2024.
Mang “chuông” Bách khoa Hà Nội “đi đánh xứ người”!
Lương Thạch Tâm giữ vai trò lên kế hoạch đặt hàng cho các sản phẩm mà đội sẽ bán hàng. Từ môn Toán trong Kinh doanh và Thương mại và môn Quản trị Sản xuất, Thạch Tâm có thêm kiến thức về dự báo nhu cầu, lập kế hoạch sản xuất và quản lý kho hàng. Các chỉ số đánh giá hiệu suất sản xuất và nguyên vật liệu được phân tích liên tục để tìm ra công thức sản phẩm được ưa thích trên thị trường cũng như đảm bảo tối ưu chi phí và quy trình sản xuất.
Về phần tiếp thị và bán hàng, kiến thức về độ co giãn của cầu theo giá ở môn Kinh tế Vi mô giúp các sinh viên Bách khoa Hà Nội xác định chiến lược về giá, mang lại lợi nhuận cao nhất cho công ty. Bên cạnh đó, kiến thức từ môn Nguyên lý Kế toán đã giúp đội thi hoàn thành tốt nhiệm vụ đọc báo cáo tài chính.
Với vai trò là một Data Analyst, Đường Minh Quân có nhiệm vụ thiết kế một hệ thống trực quan từ luồng dữ liệu được cung cấp bởi hệ thống giả lập ERP. Luồng dữ liệu này được lưu trữ ở dạng XML, chứa thông tin mới nhất về giá trị của công ty cũng như biến động kinh doanh của toàn thị trường.
Từ những nhu cầu phát sinh, Minh Quân xây dựng một hệ thống web để chủ động kiểm soát hiệu năng và công năng sử dụng. Toàn bộ website được thiết kế bằng ngôn ngữ Python và SQL là những kiến thức cơ bản được học từ năm nhất và năm hai. Đây là một nền tảng vững chắc phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó có việc xử lý dữ liệu để các thành viên khác có thể đưa ra quyết định đúng đắn trong mỗi bước của quy trình.
Bằng những kiến thức đã thu nạp trong quá trình học tập tại Đại học Bách khoa Hà Nội, liên quân SEM - SoICT đã thuận lợi giải quyết nhiều bài toán hóc búa chương trình đưa ra. “Quả chuông kiến thức” đã được các sinh viên Bách khoa Hà Nội “đánh” thành công tại sân chơi quốc tế!
Gần 1 năm cùng ERPsim, hơn 300 lần chơi thử chiến thuật
“Chúng tôi làm việc khá ăn ý, đồng hành cùng nhau từ vòng Việt Nam, Châu Á Thái Bình dương đến vòng quốc tế”, sinh viên Nguyễn Thị Quỳnh Nga chia sẻ.
5 sinh viên Bách khoa gắn bó và đồng hành từ vòng thi cấp trường do CLB Kinh tế trẻ YEC HUST tổ chức vào tháng 6/2023.
1 năm tham gia cuộc thi là khoảng thời gian đấy ắp kỷ niệm. “Thường xuyên phải họp nhóm, chúng tôi coi quán cà phê như ngôi nhà thứ hai, ngồi nhiều đến mức nhân viên quán chỉ cần thấy mặt là biết chúng tôi sẽ gọi món gì”, Quỳnh Nga cười kể lại những lần vừa ăn vừa “click” chuột.
Các thành viên trong Vòng thi cấp Đại học được tổ chức tại C9 vào tháng 6/2023
Để tìm ra chiến thuật tốt nhất, đội thi Bách khoa Hà Nội đã chơi không dưới 300 lần với 26 doanh nghiệp mô phỏng. Điểm mấu chốt của cuộc thi yêu cầu các đội chơi cần phản ứng nhanh với những biến động của thị trường thông qua phân tích dữ liệu về ngành, quy trình cung ứng, chiến lược cạnh tranh của đối thủ và thị hiếu khách hàng.
Theo TS. Trần Thị Hương - Giám đốc CTTT Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, giảng viên hướng dẫn của đội, việc kết hợp giữa các thành viên từ nhiều chuyên ngành, đặc biệt có một thành viên Công nghệ thông tin đã giúp đội thi như “hổ mọc thêm cánh”. Những tư duy phân tích nhạy bén của các sinh viên kinh tế kỹ thuật đã được bổ trợ bởi các công cụ trực quan hoá dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định do sinh viên công nghệ thông tin thiết kế và xây dựng.
Bàn đạp cho những thành công tương lai
“Cọ sát với các đối thủ từ các đại học lớn trên thế giới là cơ hội để chúng tôi được học hỏi nhiều hơn” - sinh viên năm hai Nguyễn Cẩm Nhung hào hứng nhận định trong lần đầu tham gia một cuộc thi ở phạm vi toàn cầu.
Cuộc thi SAP ERPsim khuyến khích các đội chơi liên tục tư duy và vận dụng sức sáng tạo để để đưa ra những giải pháp mới, giải quyết các bài toán của thị trường. Thạch Tâm khẳng định cuộc thi giúp bản thân nắm rõ hơn về quy trình vận hành hoạt động sản xuất và cung ứng của một doanh nghiệp cũng như sự hữu ích của dữ liệu trong việc đưa ra các quyết định kinh doanh. Những điều này đã góp phần không nhỏ trong việc định hình hướng đi nghề nghiệp trong tương lai.
Không chỉ gặt hái thêm kiến thức chuyên môn, các thành viên đã rèn luyện được cách quản lý thời gian, cũng như kỹ năng kiểm soát cảm xúc và giữ vững sự bình tĩnh, tập trung khi đối mặt với những áp lực lớn. Đây là những phẩm chất và kỹ năng giúp rèn luyện bản lĩnh để chuẩn bị cho những hành trình tiếp theo.
“Một năm chinh phục cuộc thi đã để lại cho chúng tôi những kỷ niệm và bài học quý giá, là hành trang cho quãng đường phía trước”, sinh viên Ngô Chí Quân thay mặt đội Á quân bày tỏ lòng biết ơn với những người đồng hành trên hành trình đáng nhớ này.